Nỗi lo 50 năm hiện về, nước Mỹ thêm một phen biến động mạnh

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 07:15, 02/09/2022

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh quan chức Fed lo ngại điều tồi tệ cách đây 50 năm quay trở lại.

Tính trong tháng 8, cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ: công nghiệp Dow Jones, tầm rộng S&P 500 và công nghệ Nasdaq đều giảm mạnh ở mức cao nhất tình từ 2015 tới nay.

Cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều lùi dần về đáy xác lập hồi giữa tháng 6, chỉ còn cao hơn đáy khoảng 6-12%.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Cleveland, Loretta Mester hôm 31/8 “đổ thêm dầu vào lửa” khi cho rằng, lãi suất cơ bản sẽ lên trên 4% vào đầu năm tới, cao hơn nhiều so với mức kỳ vọng 3-3,5% của thị trường.

Theo bà Loretta Mester, sẽ là sai lầm nếu tuyên bố chiến thắng lạm phát quá sớm. Nếu làm như vậy, nước Mỹ sẽ trở lại với các chính sách tiền tệ ứng biến hồi những năm 1970 vốn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Vào những năm 70, nền kinh tế Mỹ rơi tình trạng khủng hoảng và suy thoái kéo dài đến 1982 do tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng thế giới.

Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Cleveland Loretta Mester cho biết, bà thấy lãi suất sẽ tăng cao hơn đáng kể trước khi ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) có thể giảm bớt trong cuộc chiến chống lạm phát.

Bà Mester là một thành viên có quyền bỏ phiếu quyế định chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang. Mester nhận thấy tỷ lệ chuẩn sẽ tăng trên 4% trong những tháng tới. Con số này cao hơn nhiều so với mức lãi suất 2,25%-2,5% như hiện tại. Đây là loại lãi suất các ngân hàng tính phí lẫn nhau đối với khoản vay qua đêm nhưng được ràng buộc với nhiều công cụ nợ tiêu dùng.

Thị trường hiện chỉ phản ánh khoảng 1/3 cơ hội Fed sẽ tăng lãi suất lên trên ngưỡng 4% vào năm tới.

Trên CNBC, bà Mester cho rằng, quan điểm của bà là sẽ cần thiết phải nâng lãi suất cho vay lên trên 4% vào đầu năm tới và giữ ở mức đó, không cắt giảm ít nhất tới hết năm 2023.

Từ đầu năm tới nay, Fed đã có 4 lần tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng 225 điểm phần trăm. Thị trường đang đánh cược vào khả năng Fed sẽ tăng thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 9 và sẽ đảo chiều chính sách, trở lại cắt giảm lãi suất bắt đầu vào mùa thu năm 2023.

Chủ tịch Fed Cleveland Mester dự đoán các đợt tăng lãi suất sẽ làm chậm lại tăng trưởng kinh tế, ở dưới xa mức 2% trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng và thị trường tài chính vẫn biến động. Bà hy vọng lạm phát sẽ giảm xuống phạm vi 5% -6% trong năm nay và sau đó tiến gần hơn đến mục tiêu của Fed (2%) trong những năm tiếp theo.

Trong Hội nghị tại Jackson Hole hôm 25-26/8 tuần qua, nơi mà các quốc gia thể hiện lập trường chính sách tiền tệ mang tính chiến lược, chủ tịch Fed Jerome Powell đã khẳng định quan điểm rõ ràng của Mỹ rằng, ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát cho dù thừa nhận chính sách này sẽ làm tổn thương mà doanh nghiệp và hộ gia đình Mỹ.

Ông Jerome Powell cho khẳng định rõ ràng, việc thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ đương nhiên của Fed và cơ quan này thực hiện nhiệm vụ này là không phải bàn cãi nhiều.

Chủ tịch Fed cho biết việc không thể khôi phục lại sự ổn định về giá cả sẽ gây ra nỗi đau còn lớn hơn nhiều.

Hiện tại, điều mà Fed cũng như ngân hàng trung ương nhiều nước lo lắng chính là lạm phát kỳ vọng còn cao cho nên lạm phát sắp tới có thể vẫn còn cao. Lịch sử cho thấy, lạm phát kỳ vọng tương lai của người dân đóng vai trò quan trọng đối với lạm phát trong tương lai.

Lạm phát kỳ vọng tại nước Anh là gần 20% vào đầu 2023 (so với mức hơn 10% như hiện tại). Đây là một áp lực rất lớn đối với các nhiều điều hành. Còn tại Mỹ, lạm phát dù đã giảm từ mức đỉnh 9,1% hồi tháng 6 xuống 8,5% trong tháng 7 nhưng được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trở lại trong tháng 8.

M. Hà