'Thâu tóm' đất vàng ở Bình Dương: Bi kịch của gia đình có 3 bị cáo
Pháp luật - Ngày đăng : 17:36, 01/09/2022
Dự kiến chiều 30/8, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên phạt 28 bị cáo trong vụ “thâu tóm” hai lô đất vàng 43ha và 145ha xảy ra tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Trong vụ án, ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty 3/2) cùng con gái ruột Nguyễn Thục Anh, con rể Nguyễn Đại Dương, bị cáo buộc phạm tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Viện kiểm sát xác định, năm 2003, UBND tỉnh Bình Dương giao lô đất 43ha và 145ha cho Tổng Công ty 3/2. Sau khi được giao đất, việc giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành nhưng ông Nguyễn Văn Minh vì động cơ vụ lợi, đã chỉ đạo chuyển nhượng trái phép 43ha đất và 30% vốn góp của Tổng Công ty 3/2 tại Công ty Tân Phú sang doanh nghiệp tư nhân là Công ty Âu Lạc của con rể Nguyễn Đại Dương, gây thiệt hại hơn 900 tỷ đồng.
Đối với khu đất 145ha, bị cáo Minh chỉ đạo đồng phạm hợp thức các thủ tục pháp lý để góp vốn vào Công ty Tân Thành mà không báo cáo lên Tỉnh ủy Bình Dương, gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, quá trình cổ phần hóa Tổng công ty 3/2, ông Minh và đồng phạm còn tham ô hơn 815 tỷ đồng. Trong đó, ông Minh chiếm hưởng hơn 163 tỷ đồng, Nguyễn Thục Anh chiếm hưởng 200 tỷ đồng.
Bị kịch gia đình
Được nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, ông Nguyễn Văn Minh trình bày đã già yếu bệnh tật, ông không xin gì cho bản thân, chỉ mong tòa xem xét cho các bị cáo khác được coi là đồng phạm với ông. Đồng thời, xin cho con gái ruột Nguyễn Thục Anh được hưởng mức án thấp nhất.
Theo lời Thục Anh, bị cáo chưa bao giờ có ý muốn chiếm đoạt hay thụ hưởng bất cứ thứ gì không do công sức mình tạo ra. Do đó, khi nhận được quyết định khởi tố với tội danh “Tham ô tài sản”, bị cáo không thể ngờ tới. Tuy nhiên, Thục Anh cũng khẳng định không trốn tránh trách nhiệm hay oán than bất cứ điều gì, bởi lẽ, khi đứng tên thay và tin tưởng cha, thì nếu cha sai phạm mình phải cùng chịu trách nhiệm.
“Là đứa con gái mà cha yêu thương nhất, nghiệp của cha thì mình phải cùng cha gánh. Điều duy nhất mà bị cáo có thể làm sau khi biết việc, không cần xác định đúng sai, bị cáo cũng đã ủng hộ quyết định của cha để cùng cha khắc phục toàn bộ hậu quả, cho dù có mất đi tất cả những tài sản còn lại của gia đình để cha thể hiện được trách nhiệm sau cùng với Tổng Công ty 3/2”, Nguyễn Thục Anh khóc.
Bị cáo cũng cho biết, hai năm vừa qua là những chuỗi ngày “địa ngục” với gia đình, khi cha, chồng rồi đến bản thân mình liên tiếp bị khởi tố. Cứ mỗi ngày bước ra khỏi nhà theo giấy triệu tập của CQĐT, bị cáo luôn xác định không thể trở về nên giao 2 con nhỏ cho chị gái chăm sóc. “Tuy nhiên, bị cáo vẫn không cho phép mình bỏ cuộc…bị cáo vẫn luôn tự nhắc nhở mình chỉ cần có một cơ hội để tiếp tục thực hiện hoài bão, chỉ còn một ngày để có thể cống hiến cho ngành y tế và xã hội, bị cáo vẫn sẽ cố gắng”, Nguyễn Thục Anh giãi bày.
Cuối cùng, bị cáo khẩn cầu HĐXX xem xét, bao dung và cho 28 bị cáo trong phiên tòa được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Đại Dương cũng ngậm ngùi, dành lời sau cùng để xin HĐXX xem xét cho vợ mình (bị cáo Nguyễn Thục Anh) được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt và nói một câu ngụ ý “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra... Cha mẹ đặt đâu, con cái ngồi đó”.
Tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Lê Thị Bích Ngọc (mẹ Nguyễn Thục Anh) cho hay, đối với gia đình bà, đây là tấn bi kịch, ảnh hưởng đến cả đời con, đời cháu.
“Bản thân tôi bây giờ không biết sống như thế nào. Tôi không còn khoản thu nhập nào hàng tháng. Tôi chỉ biết nương tựa vào chồng. Khoản cổ phần cuối cùng chúng tôi cũng đã phải nhượng cho người khác để khắc phục hậu quả. Đối với tôi, người phụ nữ 70 tuổi, một người vợ, một người phụ nữ rất tội nghiệp”, bà Ngọc nói.
Khi luận tội, đại diện Viện KSND TP Hà Nội, giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử tại tòa đề nghị HÐXX tuyên ông Minh mức án 29 - 30 năm tù, Nguyễn Thục Anh 3 - 4 năm tù, Nguyễn Ðại Dương 6 - 7 năm tù.