Chủ tịch Tân Hoàng Minh có thuộc trường hợp được tại ngoại?
Pháp luật - Ngày đăng : 11:06, 01/09/2022
Trước thông tin Tân Hoàng Minh xin cho chủ tịch được tại ngoại, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, chỉ có thể áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với người già yếu bệnh nặng, phụ nữ có thai hoặc một số trường hợp đặc biệt khác theo quy định của pháp luật.
Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tân Hoàng Minh là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 12-20 năm, hoặc tù chung thân. Bởi vậy, cơ quan điều tra áp dụng biện pháp tạm giam đối với các bị can là có căn cứ, đúng pháp luật.
Theo luật sư, trong thời hạn thực hiện hoạt động tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn từ tạm giam sang cấm đi khỏi nơi cư trú, khi đó đòi hỏi cần có bảo lĩnh của người thân bị can theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Luật sư cho biết, theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Tố tụng hình sự, “bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”.
Như vậy, việc thay thế tạm giam bằng bảo lãnh phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan tiến hành tố tụng, qua việc đánh giá sự cần thiết của việc áp dụng biện pháp tạm giam trong từng trường hợp cụ thể.
Trong trường hợp kết quả điều tra đã rõ ràng, những lời khai của các bị can đã đầy đủ, xét thấy không cần thiết phải tạm giam nữa hoặc bị can là người già yếu, bệnh nặng, phụ nữ có thai và có đơn xin bảo lĩnh của người thân, lúc này cơ quan điều tra có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.
“Còn đối với lý do doanh nghiệp không có người điều hành, khó khăn trong công tác quản lý, đây không phải lý do để thay đổi biện pháp ngăn chặn”, luật sư Cường nhận định.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, yêu cầu của doanh nghiệp trong trường hợp này sẽ khó có căn cứ để cơ quan tố tụng chấp nhận thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can. Việc các bị can có được thay đổi biện pháp ngăn chặn hay không do cơ quan tiến hành tố tụng quyết định, trên cơ sở các quy định của pháp luật chứ không phải theo ý chí chủ quan của người tiến hành tố tụng hay của người khác.
Theo quy định của luật doanh nghiệp, điều lệ của doanh nghiệp, khi người đại diện theo pháp luật chết, bị bắt, sẽ quy định cấp phó, những chức danh khác thay thế làm người đại diện theo pháp luật.
Trong trường hợp tất cả người được dự kiến là người đại diện theo pháp luật thay thế đều bị bắt, đại diện sở hữu vốn của doanh nghiệp là Đại hội đồng cổ đông, hội nghị thành viên góp vốn sẽ tiến hành họp để bầu ra, cử ra người đại diện theo pháp luật.
Về nguyên tắc chung, để ai là người quản lý trực tiếp doanh nghiệp sẽ do chủ sở hữu vốn quyết định, trên cơ sở điều lệ của doanh nghiệp hoặc nghị quyết của hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên.
Theo quan điểm của luật sư, vụ án Tân Hoàng Minh đang trong giai đoạn điều tra, nhiều nội dung diễn biến phức tạp, liên quan nhiều người, cơ quan, tổ chức nên việc đề nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can ở thời điểm này là rất khó có thể được cơ quan tố tụng chấp nhận.
Một điều đáng lưu ý là cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ tài sản của doanh nghiệp này để tránh việc tẩu tán tài sản, đảm bảo quyền lợi cho những người bị hại và các nhà đầu tư trong các giao dịch dân sự, kinh tế đối với doanh nghiệp.
Đồng thời, trong thời gian này, các cơ quan chức năng cũng cần tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, phát triển, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, những người đã mua cổ phần, góp vốn, thành lập doanh nghiệp.