Covid-19: Vì sao F0 nặng, ca tử vong bật tăng trở lại?
Tin Y tế - Ngày đăng : 08:50, 01/09/2022
Ca Covid-19 nặng, tử vong gia tăng nhanh
Từ đầu tháng 8 đến nay, số mắc mới Covid-19 đang có xu hướng tăng dần với các biến thể phụ mới của chủng Omicron (BA.4, BA.5, BA.2.75, BA.2.12.1). Trung bình cả nước ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc mỗi ngày.
Ngoài ra, số ca nặng, nguy kịch cũng gia tăng và xuất hiện các ca tử vong do Covid-19. Trong tuần vừa qua, gần như ngày nào nước ta cũng ghi nhận ca tử vong, có ngày thậm chí có 2 bệnh nhân tử vong.
Theo số liệu của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, tính đến chiều 30/8, Việt Nam ghi nhận 1.346 ca bệnh Covid-19 mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh từ đầu vụ dịch lên 4.326.192 ca.
Tính từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 13.207 trường hợp (0,3%) đã tử vong. Hiện còn 7.634 ca đang theo dõi và điều trị, trong đó có 6.035 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà và 1.168 ca đang điều trị tại bệnh viện. Trong số này có 116 ca nặng phải thở oxy, bao gồm 40 ca thở máy.
So sánh tuần này với tuần trước, số ca tử vong tăng 9,1%. Đáng chú ý, so sánh tháng này với tháng trước, số ca tử vong tăng hơn 4 lần, số ca nặng, nguy kịch tăng 161,4%.
35% F0 nặng, tử vong chưa tiêm/chưa tiêm đủ vaccine Covid-19
Đáng chú ý, theo Bộ Y tế, qua đánh giá các ca bệnh Covid-19 nặng và tử vong có khoảng 35% chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vaccine. Vì thế, Bộ đề nghị các Sở Y tế tăng cường rà soát và triển khai truyền thông và tiêm vaccine cho người dân theo đúng hướng dẫn, đặc biệt là những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Ghi nhận thực tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nơi tiếp nhận các F0 nặng nhất miền Bắc có nhiều ca Covid-19 nặng, nguy kịch chưa được bảo vệ bởi vaccine.
Theo BS Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số khoảng 40 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch đang điều trị tại Khoa, có đến 20% trường hợp chưa hề tiêm một mũi vaccine Covid-19 nào.
"Nhiều người bệnh và cả gia đình họ có tâm lý vì đã cao tuổi, nhiều bệnh nền nên ngại tiêm vaccine. Tuy nhiên, thực tế chính những trường hợp đó mới là người cần được bảo vệ bởi vaccine nhất", BS Phúc phân tích.
Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân nam, 79 tuổi, sống tại Nam Định có bệnh nền tăng huyết áp, suy tim, phổi tắc nghẽn mãn tính và chưa tiêm vaccine vì sợ biến chứng. Sau khi mắc Covid-19, bệnh nhân tiến triển rất nhanh và phải chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chỉ sau 2 ngày thành F0.
Theo chuyên gia này, sau 6 tháng tiêm vaccine khả năng bảo vệ trước Covid-19 sẽ bị giảm xuống đáng kể. Lá chắn này thậm chí còn giảm hiệu lực hơn nữa khi gặp các biến thể SARS-CoV-2 mới.
"Đến thời điểm hiện tại, tiêm vaccine vẫn là phương pháp bảo vệ chủ yếu trước Covid-19. Khả năng hạn chế nguy cơ diễn biến nặng, tử vong của vaccine đã được chứng minh rõ ràng. Do đó, người dân cần tiêm nhắc lại vaccine Covid-19 khi đến lịch để đảm bảo lá chắn trước dịch bệnh. Đặc biệt, các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh nền càng cần phải được bảo vệ bởi vaccine", BS Phúc nhấn mạnh.
"Né" tiêm vaccine: Hậu quả không chỉ là Covid-19
Theo BS Phạm Văn Phúc, trong số 60 ca nặng phải can thiệp oxy đang điều trị tại Bệnh viện, nhóm người cao tuổi và người có bệnh nền vẫn chiếm đại đa số. Tuy nhiên, có cũng có một số người trẻ tuổi chuyển biến nặng khi mắc Covid-19.
Thậm chí, trong 2 tháng qua, Khoa Hồi sức tích cực đã tiếp nhận 3 trường hợp là trẻ em mắc Covid-19 nặng. Cả 3 trường hợp này đều chưa tiêm vaccine và chỉ có một bệnh nhi có bệnh nền nhược cơ.
Về các bệnh nhân Covid-19 tử vong, thống kê của Khoa cho thấy độ tuổi trung bình là 75 tuổi. Nhiều trường hợp thậm chí 90-100 tuổi.
Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều F0 nặng, nguy kịch sau khi chữa khỏi Covid-19 vẫn mang những tổn thương nặng nề trong cơ thể. Điều này khiến họ phải sống phụ thuộc vào máy thở, bị suy giảm sức khỏe nghiêm trọng, từ đó yêu cầu phải can thiệp y tế lâu dài.
"Sức khỏe bị ảnh hưởng, phải can thiệp y tế lâu dài còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, cũng như kinh tế của bệnh nhân và gia đình", BS Phúc nhấn mạnh.