Đường về nẻo thiện của Hải ‘bàu sen’
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 18:01, 31/08/2022
Hải "bàu sen" là biệt danh mà bà con trong vùng gán cho Huỳnh Minh Hải (41 tuổi, thôn Phú Trung, xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) kể từ ngày người đàn ông từng vướng vòng lao lý cải tà quy chính, tu chí làm ăn và vươn lên khấm khá nhờ trồng sen.
Vết trượt dài của tuổi trẻ bồng bột
Từ Quốc lộ 14B, men theo tuyến đường nội đồng ngoằn ngoèo, bàu sen kiêm ao nuôi cá rộng hàng nghìn mét vuông của anh Huỳnh Minh Hải tọa lạc heo hút giữa cánh đồng giáp ranh giữa 2 thôn Phú Mỹ và Phú Trung, xã Đại Hiệp.
Thời điểm này, khi đất trời dần chuyển mình từ hạ sang thu cũng là lúc sen bước vào cuối vụ thu hoạch. Anh Hải lội bùn, đưa tay nhẹ nhàng ngắt những búp sen hiếm hoi còn sót lại giữa cánh đồng bạt ngàn.
Hình ảnh Huỳnh Minh Hải từ dưới ruộng sen bước lên bờ trong bộ dạng lấm lem bùn đất, đậm chất nông dân với gương mặt hiền hậu, thật khó có thể hình dung anh từng thuộc diện bất hảo, thậm chí sa chân vào con đường tù tội.
Nhắc đến quá khứ lầm lỗi, sâu thẳm trong đôi mắt của người đàn ông chân chất này hằn lên nỗi niềm khó tả. Song, qua bao bận lênh đênh, nổi trôi của cuộc đời, anh chẳng chút e ngại khi hồi tưởng, trải lòng về vết trượt dài thời tuổi trẻ bồng bột.
Mồ côi cha từ từ khi mới lọt lòng, Hải lớn lên trong vòng tay chở che, tình yêu thương vô bờ bến của người mẹ khuyết tật. Cái nghèo đói cứ như sợi dây siết chặt lấy chuỗi ngày cắp sách đến trường của Hải. Chứng kiến cảnh người mẹ ốm yếu phải vất vả chạy cơm từng bữa, không ít lần, Hải nuôi ý định bỏ học.
Kết thúc năm lớp 12, Hải thi trượt đại học trong nỗi buồn vô biên của mẹ. Kể từ ngày đứt gánh con chữ, anh bắt đầu giao du với đám bạn xấu, thường xuyên tụ tập đàn đúm.
“Ăn chơi mà không có tiền thì cũng tới lúc phải dừng. Tôi khăn gói ra Đà Nẵng học nghề cắt tóc rồi quay về địa phương mở tiệm. Ban đầu, khách rất đông, nhiều hôm làm đến tối mịt mới đóng cửa tiệm về nhà. Kiếm được tiền nhiều, ngờ đâu mình lại đổ đốn”, Hải chia sẻ và nhớ lại khoảng thời gian tiền làm ra được bao nhiêu, anh đem “nướng” vào các cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Dần dà, số ngày tiệm cắt tóc mở cửa trong tháng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chẳng bao lâu, Hải dẹp tiệm.
Từ đây, lịch nhậu cùng nhóm bạn hư hỏng cứ dày thêm. Và cũng chính “ma men” đưa đường dẫn lối khiến Hải vướng vòng lao lý.
Một ngày cuối năm 2014, khi đang lâng lâng trong men rượu, Hải nhận cuộc gọi từ một số điện thoại lạ. Chẳng ai có thể ngờ, kết quả của cuộc gọi nhầm số lại khiến người trọng thương, kẻ đi tù.
Mắt đăm chiêu, Hải kể tiếp: “Lúc nhận cuộc gọi, tôi bảo họ nhầm số rồi nhưng chẳng hiểu sao đầu dây bên kia cứ liên tục hăm dọa, chửi bới. Bực tức, tôi hỏi địa chỉ của người vô duyên vô cớ chửi mình thì mới biết ở cùng địa phương. Sẵn có hơi men trong người, không làm chủ được bản thân, tôi cùng bạn nhậu đến tận nhà của người thách thức. Tại đây, người này bị tôi đánh gãy xương sườn, dập lá lách, dập phổi. Hôm sau, khi đã qua cơn say, tôi mới thấy ân hận về hành vi của mình”.
Cái giá Hải phải trả cho hành vi mang tính côn đồ là bản án 24 tháng tù tại trại giam Bình Điền, Thừa Thiên - Huế. Tròm trèm hai năm trong trại giam, Hải luôn day dứt, hối tiếc về chuỗi ngày ăn chơi sa đọa, đặc biệt là phút nông nổi khiến anh phải trả cái giá quá đắt.
“Đêm nào tôi cũng trằn trọc, dằn vặt bản thân mình. Khoảng thời gian tôi chấp hành án tù, một năm đôi ba bận, mẹ ở quê lọ mọ bắt xe đò ra thăm. Nhìn thấy mẹ mỗi ngày một già đi, sức khỏe suy yếu mà ruột gan tôi đau như cắt. Từ đó, tôi quyết tâm cải tạo thật tốt để sớm quay về với mẹ”, anh Hải bộc bạch, giọng nghèn nghẹn.
Ngoài án tù thì sự nghi ngại của mọi người cũng là cái giá mà tôi phải trả cho chuỗi tháng ngày lầm lỗi của mình. Dẫu ai có nghĩ gì đi chăng nữa, tôi cũng quyết tâm sống thật tốt để mẹ không buồn phiền vì mình thêm lần nào nữa.
Huỳnh Minh Hải
Đứng dậy sau cú ngã
Năm 2016, mãn hạn tù, Huỳnh Minh Hải trở về địa phương với quyết tâm làm lại cuộc đời. Song, ngày rời cánh cửa trại giam, anh không tránh khỏi những lời dị nghị, ánh mắt kỳ thị của nhiều người. Ngay cả bà con chòm xóm cũng không tin “ra tù, Hải sẽ hoàn lương”. Bởi khi nghĩ về quá khứ, ai nấy cũng ngao ngán trước các cuộc ăn chơi đàn đúm, nhậu nhẹt thâu đêm suốt sáng của Hải.
“Ngoài án tù, sự nghi ngại của mọi người cũng là cái giá mà tôi phải trả cho chuỗi tháng ngày lầm lỗi của mình. Dẫu ai có nghĩ gì đi chăng nữa, tôi cũng quyết tâm sống thật tốt để mẹ không buồn phiền vì mình thêm lần nào nữa”, anh Hải giãi bày và khẳng định, từ sau cú ngã khiến mình mang án tù, anh luôn dặn bản thân phải chọn nẻo thiện để bước tiếp chặng đường đời còn lại.
Cụ thể hóa cho quyết tâm trên là việc anh không ngần ngại tìm đến các nông trại lớn để học hỏi mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả. Chỉ sau một thời gian ngắn “khăn gói đi học”, anh về nhà và bắt tay vào công cuộc phát triển kinh tế.
Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh được bảo lãnh với Ngân hàng Chính sách huyện để vay 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh đầu tư mua bò, gà, vịt và cải tạo lại khu vườn quanh nhà để trồng cỏ. Rất nhanh chóng, hai năm sau khi ra trại, mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh “gặt quả ngọt”. Cuối năm 2018, anh Hải bán hai lứa bò đầu tiên và trả dứt nợ ngân hàng. Cũng thời điểm này, anh nhận thấy một diện tích lớn ở cánh đồng gần nhà bỏ hoang rất lãng phí nên mạnh dạn viết đơn gửi UBND xã xin thuê đất.
Anh Hải kiểm tra hệ thống hút nước hồ sen để chuẩn bị thu hoạch cá. Các điểm dừng chân để hồ sen trở thành địa chỉ du lịch sinh thái.
Trước ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo của Hải, chính quyền xã Đại Hiệp đồng ý ngay. “Nhận 20.000 mét vuông đất, tôi bắt tay phát quang cỏ dại, cải tạo lại đồng ruộng và đầu tư trồng sen kết hợp nuôi cá rô phi. Trung bình một năm, mô hình này mang lại cho tôi khoản lãi trên dưới 200 triệu đồng. Nguồn thu nhập đủ để tôi có thể lo cho mẹ già và người vợ cùng đứa con nhỏ của mình. Tất nhiên, bây giờ kiếm ra tiền, tôi sẽ không dại gì mà quay lại con đường ăn chơi như hồi còn trẻ, để rồi vấp ngã thêm một lần nữa”, anh Hải vui vẻ khoe.
Hiện tại, ngay tại bàu sen mà mình cất công vun đắp, anh Hải đang hoàn thiện các điểm dừng chân. Mục đích của Hải “bàu sen” trong thời gian đến là biến nơi này trở thành điểm du lịch sinh thái, phục vụ nhu cầu tham quan, check-in của người dân địa phương và du khách.
Ông Đỗ Thanh Cảng, Chủ tịch UBND xã Đại Hiệp, cho biết: “Thấu hiểu khó khăn khi tái hòa nhập cộng đồng, chính quyền xã đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ để Hải có vốn đầu tư phát triển kinh tế. Hy vọng, với mô hình du lịch sinh thái đang triển khai, anh Hải tiếp tục gặt hái được thành công”.