Bác sĩ mong đề xuất tăng lương, phụ cấp ngành y sớm đi vào thực tế
Tin Y tế - Ngày đăng : 14:45, 31/08/2022
Lương chỉ đủ chi tiêu cá nhân
Ra trường từ năm 2015, hiện đang theo học chuyên khoa I tại Hà Nội, mức lương cứng mà bác sĩ Nguyễn Khánh (hiện đang công tại một bệnh viện thuộc tuyến huyện tỉnh Hải Dương) nhận được là 5,7 triệu đồng/tháng (trong đó hệ số lương là 3.0 và phụ cấp nghề 40%), cộng thêm khoảng 300.000 đồng cho 2 buổi trực vào cuối tuần mỗi tháng ngoài giờ học.
“Tổng thu nhập trung bình của tôi rơi vào 6 triệu đồng/tháng. Thực sự với mức thu nhập này thì tôi chỉ đủ để chi tiêu cá nhân chứ không đủ để phụ giúp gia đình”- bác sĩ Khánh buồn bã.
Theo bác sĩ Khánh, sau 6 năm học ra trường, khi chưa có chứng chỉ hành nghề thì các khoản phụ cấp trực hay phẫu thủ thuật hầu như sẽ không có. Chưa kể tới Đề án các chuyên khoa lẻ, bác sĩ sẽ phải mất tới 2 năm để học mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
"Tại nơi tôi công tác, hằng năm có rất nhiều bác sĩ trẻ về khoa làm việc, nhưng phần lớn là không trụ lại được với mức lương và đãi ngộ như vậy. Chỉ mong là thời gian tới sẽ có thay đổi” - bác sĩ Khánh cho hay.
Về đề xuất tăng lương khởi điểm bậc 2 cho bác sĩ và tăng phụ cấp lên 100%, trao đổi với phóng viên Lao Động, bác sĩ Thu Hương hiện đang công tác tại Trạm y tế xã Cự Khê- Trung tâm Y tế huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho rằng việc Bộ Y tế đề xuất tăng lương là hoàn toàn xứng đáng, tuy nhiên mức tăng vẫn còn thấp.
“Xét theo mặt bằng chung, mức lương của các y bác sĩ hiện nay còn khá thấp. Với các bác sĩ làm việc tại trạm y tế xã lại càng thiệt thòi, bởi nếu bác sĩ tuyến trên có thể tăng thêm thu nhập bằng hoạt động làm thêm, trực ngoài giờ thì tại trạm y tế hoàn toàn không thể.
Trong khi các bác sĩ tuyến xã phải kiêm nhiệm nhiều công việc, từ chống dịch, tiêm chủng hay các chương trình y tế tại xã, chăm lo sức khoẻ nhân dân... Nên tôi mong, đề xuất tăng lương, phụ cấp, xếp lương bậc 2 với bác sĩ sau tuyển dụng sẽ sớm đi vào thực tế, giúp các y bác sĩ cải thiện thu nhập, dù mức cải thiện vẫn còn tương đối thấp”- bác sĩ Hương chia sẻ.
Thu nhập không tương xứng
Trao đổi với Báo Lao Động, PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, không phải là văn khoa, tâng bốc khi nói là "bác sĩ phải dành cả tuổi thanh xuân để học hành".
“Trong khi đó, thời gian trôi đi, đồng nghĩa với việc họ mất đi nhiều cơ hội của cuộc đời và trong khi sinh viên các trường khác có thể thành đạt, kiếm được nhiều tiền nuôi sống bản thân và gia đình, thì mọi thứ đối với bác sĩ mới bắt đầu...
Thế nhưng, điều nghịch lý là lương, chế độ của các bác sĩ vẫn chưa được thỏa đáng, chưa tương xứng với sự đầu tư học hành, thời gian dài bỏ ra để trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm và cả năng lực của họ.
Thông thường một bác sĩ tốt nghiệp trường y sẽ mất 6 năm, học tiếp bác sĩ nội trú (3 năm), để có chứng chỉ hành nghề tổng cộng mất khoảng 10 năm. Còn với các bác sĩ sau tốt nghiệp không học hệ nội trú, con đường học hành của họ phải qua các lớp chuyên khoa định hướng, sau đó học bằng cấp chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, hoặc thạc sĩ, tiến sĩ cũng mất tới 10- 12 năm mới đủ kinh nghiệm và kiến thức tự tin hành nghề.
Vậy nên hệ số lương khởi điểm tốt nghiệp ra trường khi đi làm giống nhau là điều không công bằng với ngành y”- PGS.TS Vũ Xuân Phú nhấn mạnh.
Còn theo PGS.TS Tăng Chí Thượng - Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, cần nghiên cứu, đề xuất triển khai thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm củng cố và nhân rộng mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng; đồng thời sớm có hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để củng cố hoạt động tự chủ của các bệnh viện theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
“Về lâu dài, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách để thu hút và giữ chân nhân viên y tế công lập bảo đảm thiết thực hơn”- PGS.TS Tăng Chí Thượng cho biết.