Cuộc phẫu thuật thay đổi cuộc đời người phụ nữ xinh đẹp không có âm đạo

Tin Y tế - Ngày đăng : 15:00, 31/08/2022

Ca phẫu thuật 90 phút với 3 kíp mổ đã tạo hình khoang âm đạo cho người phụ nữ phải chung sống với hội chứng không âm đạo bẩm sinh suốt 28 năm qua.

Bệnh nhân 28 tuổi quyết định đến bệnh viện sau một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Là người phụ nữ nhan sắc với gương mặt xinh xắn, thân hình cân đối, tuổi trẻ của chị Hà lại trôi qua trong nỗi mặc cảm do mắc hội chứng Mayer-Rokintansky- Kuster- Hauser (không âm đạo bẩm sinh).

Dẫu vậy chị vẫn tìm được hạnh phúc cho bản thân khi kết hôn với người chồng cách đây vài năm. Tưởng như được người bạn đời thông cảm, thấu hiểu nhưng cuộc hôn nhân của chị lại gặp nhiều khó khăn. Quá trình chung sống, họ không hòa hợp do không thể quan hệ tình dục. Ngoài ra, chị Hà không có tử cung nên không thể mang thai tự nhiên, dù qua xét nghiệm, chụp chiếu, chức năng nội tiết, buồng trứng hoàn toàn bình thường. Hôn nhân đổ vỡ là điều khó tránh khỏi đối với người phụ nữ sinh năm 1994.

Trước đó, chị từng đi thăm khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng nhận thức đây là phẫu thuật phức tạp, nhiều nguy cơ vì vậy chị Hà còn chần chừ. Sau khi hôn nhân đổ vỡ, chị quyết tâm thực hiện phẫu thuật để thay đổi cuộc đời. Bệnh nhân đến khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E cùng người thân vào một ngày cuối tháng 8/2022.

Chia sẻ với VietNamNet, Ths.BS Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E cho biết, âm đạo của bệnh nhân chỉ có một phần âm hộ, có lỗ tiểu nhưng không có màng trinh, không có khoang âm đạo.

Bên cạnh đó, môi bé của âm đạo nhỏ nên không thể lấy niêm mạc để tạo hình khoang âm đạo. Vì vậy các bác sĩ quyết định lấy niêm mạc miệng để tạo hình khoang âm đạo cho bệnh nhân. Ths.BS Minh phân tích phần niêm mạc miệng tương đồng với niêm mạc âm đạo và khi ghép vào ít bị co từ đó có độ an toàn và kết quả tạo hình rất tốt.

154.png
Ths.BS Minh trong một ca phẫu thuật tại Bệnh viện E

Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 1,5 tiếng với 3 kíp mổ. 1 kíp tiến hành lấy niêm mạc miệng tạo hình dương vật (khuôn nong). Kíp thứ 2 (TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Thận tiết niệu & Nam học, Bệnh viện E) sẽ tiến hành nội soi ổ bụng, giám sát ổ bụng. “Ca phẫu thuật có sự kết hợp với kíp nội soi sẽ giúp kiểm soát được đường mở khoang âm đạo. Từ đó chúng tôi an tâm hơn khi thực hiện, có thể tránh trường hợp thủng ổ bụng, thủng bàng quang trong quá trình phẫu thuật”, Ths.Bs Minh nói thêm.

Kíp thứ 3 (Ths.BS Nguyễn Đình Minh) mở đường để tạo khoang âm đạo đủ rộng, sâu. Kích thước khoang âm đạo được tính toán theo chiều cao của bệnh nhân, phù hợp với cơ thể người bệnh. Đồng thời, kích thước này cũng tùy thuộc vào vùng tiểu khung dài hay không. Trường hợp bệnh nhân Hà được tạo hình khoang âm đạo dài khoảng 7,5cm.

Kết quả 4 ngày sau ca mổ, khuôn nong cố định tốt, khoang âm đạo khá rộng rãi, đủ độ sâu phù hợp cơ thể người bệnh. Vị trí lấy niêm mạc (ở miệng) không bị chảy máu, vết thương khô. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân nằm bất động tại chỗ để khuôn nong ổn định. Người bệnh có thể uống nước (rất hạn chế) nhưng không thể ăn, phải truyền dinh dưỡng.

Cũng theo Th.BS Minh, khi về nhà, bệnh nhân phải nong khoang âm đạo trong vòng 3 tháng. Sau 3 tháng này, nếu có bạn tình, người bệnh có thể quan hệ giúp âm đạo mở. Trường hợp không có hoạt động tình dục, người bệnh tiếp tục nong thêm 3 tháng.

Mỗi năm, khoa Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và hàm mặt, Bệnh viện E can thiệp hơn 20 ca dị tật âm đạo. Mỗi ca phẫu thuật thành công giúp thay đổi cuộc đời của mỗi người phụ nữ, tạo cho họ khả năng chăn gối, khả năng làm mẹ hướng đến hạnh phúc trong cuộc sống.

Bác sĩ Nguyễn Đình Minh cho biết thêm, theo y văn thế giới, hội chứng không có âm đạo bẩm sinh có tỷ lệ hiếm gặp, khoảng 1/2.000, nghĩa là, cứ 2.000 trẻ em sinh ra thì có 1 bé không có âm đạo. Nguyên nhân gây bệnh chưa rõ ràng. Bệnh thường phát hiện ở độ tuổi sơ sinh hoặc dậy thì. Vì vậy bác sĩ khuyến cáo những phụ nữ có các dấu hiệu bất thường như đến tuổi dậy thì nhưng không có kinh nguyệt, không quan hệ vợ chồng được… nên thăm khám sớm để có hướng điều trị kịp thời.

Tên bệnh nhân đã thay đổi!