Cái chết của người ‘cô độc nhất thế giới’ xóa sổ cả một bộ tộc
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 11:19, 31/08/2022
Người đàn ông được mệnh danh là “người cô độc nhất thế giới”, bởi ông là người duy nhất còn sống sót trong một bộ tộc vô danh ở Brazil cũng đã qua đời. Theo giới chức Brazil, trước đó, những thành viên khác trong bộ tộc của người đàn ông đã bị những kẻ khai khoáng trái phép, và các chủ trại chăn nuôi gia súc giết hại.
Người đàn ông mà ngay cả tên thật cũng không ai biết tới do ông đã sống biệt lập được 26 năm được tìm thấy đã chết trong căn lều ở khu Tanaru, thuộc bang Rondonia gần biên giới với Bolivia vào ngày 23/8, theo tuyên bố của Quỹ Thổ dân Quốc gia Brazil (FUNAI).
Người "cô độc nhất thế giới" đã qua đời sau 26 năm sống tách biệt trong rừng rậm Amazon của Brazil. (Ảnh: FUNAI) |
Do các thành viên trong bộ tộc đã bị sát hại, người đàn ông từ chối giao tiếp với thế giới bên ngoài, và tự nuôi sống bản thân bằng cách săn bắn, trồng trọt. Đáng nói, ông còn được nhiều người gọi với cái tên “người sống trong hố” do thói quen đào những hố sâu nằm bên trong các túp lều mà ông tự xây dựng. Các chuyên gia nhận định những chiếc hố này có thể được dùng để bẫy thú, và là nơi ẩn nấp của người đàn ông.
Nơi người đàn ông sinh sống bị bao quanh bởi những trại chăn nuôi gia súc rộng lớn, và thường xuyên bị đe dọa từ những kẻ đào mỏ và lâm tặc. Đây cũng là một trong những khu vực nguy hiểm nhất trong rừng rậm Amazon của Brazil, theo tổ chức Survival International.
Chính quyền Brazil không đưa ra bình luận về nguyên nhân dẫn tới cái chết của người đàn ông, cũng như không nhắc tới tuổi của người này. Những thông tin được công bố chỉ là “không có dấu hiệu bị tấn công bạo lực hoặc phản kháng”.
Ngoài ra, giới chức Brazil cũng không tìm thấy bằng chứng có sự xuất hiện của người khác ở trong và xung quanh căn lều mà người “cô độc nhất thế giới” sinh sống.
“Mọi thứ cho thấy cái chết đến từ nguyên nhân tự nhiên”, FUNAI, tổ chức thuộc Bộ Tư pháp Brazil và chuyên xử lý những vấn đề về người bản địa cho hay.
Truyền thông địa phương đưa tin thi thể người đàn ông phủ đầy lông vẹt Macaw. Điều này khiến một chuyên gia đưa ra nhận định khả năng người đàn ông đã biết trước mình sắp qua đời.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), người đàn ông được cho đã sống một mình kể từ khi những thành viên còn lại trong bộ tộc nhỏ bé bị lâm tặc và đào mỏ trái phép giết hại vào giữa thập niên 90 nhằm chiếm đất để khai thác.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng đa số thành viên trong bộ tộc của người đàn ông đã bị giết vào những năm 1970, thời điểm các chủ trang trại chăn nuôi gia súc đi vào rừng để mở rộng trang trại dẫn tới chặt phá rừng và tấn công người bản địa.
“Cái chết của người đàn ông cũng chính là cuộc diệt chủng của bộ tộc ông ta”, bà Fiona Watson, Giám đốc ban điều tra của tổ chức Survival International, người từng tới thăm vùng đất Tanaru vào năm 2004 nói.
“Đây là tội ác diệt chủng, cơn khát đất và tiền của những chủ trang trại đã dẫn tới sự diệt chủng của một bộ tộc”, bà Watson nhấn mạnh.
Theo số liệu mới nhất của chính phủ Brazil, khoảng 800.000 người bản địa thuộc hơn 300 nhóm riêng biệt đang sinh sống ở Brazil, quốc gia có 212 triệu dân. Một nửa trong số này sống ở rừng rậm Amazon, và nhiều bộ tộc đang bị đe dọa tính mạng do hoạt động khai thác trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Còn theo FUNAI, các tài liệu ghi nhận có 114 bộ tộc sống tách biệt với thế giới ở Brazil.
Dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, hoạt động chặt phá rừng Amazon đã đạt tới mức kỷ lục trong nửa đầu năm 2020. Ông Bolsonaro đã khuyến khích hoạt động khai mỏ, và làm trang trại ở những khu vực được bảo tồn dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ của các nhà hoạt động vì môi trường.
Minh Thu (lược dịch)