Người đái tháo đường có nên ăn mật ong?
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 08:46, 31/08/2022
Mật ong vẫn tốt cho người đái tháo đường
Thông thường người đái tháo đường thường được khuyên dùng hạn chế đồ ngọt. Do đó “tôi mắc đái tháo đường thì có được dùng mật ong hay không?” là câu hỏi mà TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ Bệnh viện Xanh Pôn gặp khá thường xuyên.
Trả lời băn khoăn này, BS Đỗ Đình Tùng cho rằng với người đái tháo đường nếu biết cách dùng thì mật ong vẫn rất tốt. Theo đó, người mắc đái tháo đường dùng mật ong vào lúc giữa buổi thì vẫn rất tốt.
“Cụ thể mật ong, phấn hoa tốt cho người đái tháo đường vì trong thành phần của mật ong và phấn hoa có rất nhiều loại đường khác nhau, có cả các vitamin, khoáng chất, các nguyên tố vi lượng nên bù đắp sự thiếu hụt ở người đái tháo đường”, TS. BS Đỗ Đình Tùng thông tin.
Tuy nhiên, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý sai lầm khi sử dụng mật ong, phấn hoa đó là sử dụng ngay sau khi ăn. Lúc này đường ở mật ong cùng đường ở những thức ăn trong bữa ăn chính sẽ tăng cao làm tăng đường máu, làm tăng biến chứng nhiều hơn.
“Cách tốt nhất là sử dụng mật ong vào buổi sáng khi ngủ dậy, lúc ấy đường máu rất thấp. Nếu chúng ta muốn tập thể dục thì có thể dùng mật ong và muối (bài thuốc dân gian).
Khi đó, dù người đái tháo đường chưa ăn cơm nhưng vẫn muốn tập thể dục sẽ có nguy cơ hạ đường máu thì việc sử dụng mật ong là việc nên làm vào những lúc như thế”, TS. BS Đỗ Đình Tùng khuyến cáo.
Người đái tháo đường có nên ăn mật ong? |
Theo Đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bồi bổ cơ thể, chống đau, giải độc, chữa trị cảm sốt, có tính kháng khuẩn, chống viêm, nâng cao thể lực trong nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, viêm phế quản mãn viêm thần kinh da, viêm gan, xơ gan, bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, mất ngủ, suy nhược thần kinh.
Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thành phần dưỡng chất của mật ong rất phong phú: Lượng nước trong mật ong từ 16-25%, loại tốt dưới 18%. Hàm lượng nước càng thấp chứng tỏ chất lượng càng tốt. Lượng đường 70-80%. Chủ yếu là đường đơn glucoza dễ hấp thu. Lượng đường kép như đường mía, mạch nha, không được vượt quá 5%. Hai loại này thường được các nhà sản xuất cố tình hoà lẫn với mật ong nguyên chất. Do lượng đường cao, dễ hấp thu nên năng lượng của mật ong khá lớn, sử dụng tốt cho người kém ăn, đang ốm như người già, trẻ em.
Tổng lượng khoáng (tro) khoảng 0,04-0,06%, gồm nhiều loại khác nhau như sắt, đồng, kali, natri, calci, kẽm, magie... rất cần thiết cho tái tạo máu, tổng hợp các men cần thiết cho chuyển hoá và các hoạt động sống của cơ thể.
Có trên 16 loại vitamin có hàm lượng cao trong mật ong. Ví dụ: trong 100g mật có: Vitamin B1:2,1-9,1 mg; B2: 34-145 mg; B6: 210-480mg; C: 500-6500mg; E: 5000mg, PP: 110-940mg; K: 25mg; H:P 66mg. Các vitamin này rất cần cho quá trình tiêu hoá, phát triển, chống oxy hoá và chống lão hoá cơ thể.
Gia tăng người mắc căn bệnh "kẻ giết người thầm lặng"
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phố biển trên toàn cầu. Bệnh đái tháo đường gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi. Bệnh tiến triển âm thầm, nhiều người đi khám lần đầu khi đã xuất hiện các biến chứng.
Theo thống kê của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20-79) mắc bệnh tiểu đường.
Dự kiến năm 2030 sẽ ở mức 578 triệu người mắc đái tháo đường và 700 triệu người vào năm 2045. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6.3 triệu vào năm 2045.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2021, Việt Nam có khoảng 5,3 triệu người bị tiền đái tháo đường và 2/3 số này (chiếm 70%) sẽ chuyển thành đái tháo đường với nguy cơ tử vong cao.
Bệnh đái tháo đường thực sự là "kẻ giết người thầm lặng" do nhiều bệnh nhân được chẩn đoán muộn trong khi tỷ lệ mắc đang gia tăng nhanh chóng.
Bệnh không chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn mà xuất hiện ở hầu khắp các tỉnh từ miền núi đến trung du, đồng bằng. Trong khi đó, kiến thức về đái tháo đường của người dân còn nhiều hạn chế.
N. Huyền