Khi các giá trị đạo đức, tâm linh suy đồi đã làm suy thoái nền văn minh Ai Cập
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 20:01, 30/08/2022
Vào thời hoàng kim, Ai Cập được hướng dẫn bởi các Pharaoh thánh thiện, những bậc minh sư thánh triết nên xứ này phát triển cực thịnh quanh châu thổ sông Nile. Vì biết sống theo những định luật tự nhiên nên người Ai Cập phát triển được những kiến thức đặc biệt và xây dựng được một nền văn minh huy hoàng, tốt đẹp.
Theo thời gian, khi người Ai Cập bắt đầu có phương tiện di chuyển, có thể vượt qua các bãi sa mạc bao la thì họ đã gặp những dân tộc khác mà trình độ văn minh thua Ai Cập rất xa. Thay vì giúp đỡ những người này thì các Pharaoh lại lợi dụng sự kém cỏi của các dân tộc ấy vào mục đích trục lợi, chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên. Khi sự tương giao giữa người với người được đặt trên nền tảng của lòng tham lam, chiếm hữu, lợi dụng, tích lũy thì hiển nhiên phải có kẻ lợi lạc và người thiệt thòi. Sự thu hoạch các quyền lợi vật chất lớn lao để mang về Ai Cập đã làm đảo lộn nền tảng giá trị thông thường trong nước. Sự tôn trọng kiến thức tinh thần bị thay thế bằng các tài sản vật chất. Nền tảng tôn giáo xây dựng trên căn bản minh triết bị thay thế bằng các pháp môn phù thủy, lợi kỷ hại nhân. Người sống trong sạch bị coi thường, và kẻ lợi dụng bóc lột được xem là thức thời, hiểu biết.
Khi các giá trị đạo đức, tâm linh suy đồi thì cơ cấu tổ chức xã hội đi theo luật kẻ mạnh được xem là một lối sống bình thường. Chính sự mạnh được, yếu thua này đã sinh sản ra những bạo chúa hiếu chiến, những quan lại vô lương tâm, và những giáo sĩ chỉ biết lợi dụng để trục lợi. Những kẻ lãnh đạo quốc gia này đã đưa Ai Cập vào một thời buổi đen tối mà trong đó sự nghi kỵ, ngờ vực, oán thù, tranh chấp ngày càng gia tăng.
Các sử gia cho rằng những Pharaoh này đã làm cho Ai Cập trở thành một quốc gia giàu mạnh, nhưng ít ai tự hỏi những của cải phi nghĩa đó lấy được từ đâu và với cái giá nào? Trên các lăng tẩm vua chúa đều khắc ghi những chiến công hiển hách, những cuộc xâm lăng đẫm máu, những số tài nguyên khổng lồ, và con số nô lệ bắt mang về nhưng, đó chỉ là những vết nhơ không thể rửa trong lịch sử Ai Cập.
Một nguyên nhân khác đã đưa Ai Cập xuống hố thẳm là sự ỷ vào quyền lực của Pharaoh, lời xin xỏ thần linh của giới giáo sĩ, và sự cai trị của giới quý tộc. Chính sự ỷ lại vào những người lãnh đạo này cũng như uy quyền của họ là động lực đã làm suy thoái nền văn minh Ai Cập. Khi dân chúng chỉ biết cắm đầu phục tùng thì họ không thể biết được tự do là gì, tự họ đã là nô lệ cho những quyền uy kia rồi thì còn nói gì đến văn minh hay sự hiểu biết nữa.
Đằng sau những quyền uy độc đoán chỉ có sự sợ hãi và lòng ích kỷ, nên con người một khi đã nghĩ đến quyền lợi riêng thì đâu còn đếm xỉa gì đến ích lợi chung. Chính thái độ thụ động, cầu an này đã củng cố cho cái quyền lực độc đoán, thứ giáo điều phi nhân kia tiếp tục tái diễn từ đời này qua đời khác. Chính vì thế nên ta chủ trương phải thay đổi toàn bộ cơ chế tổ chức, giảm quyền lực của các giáo sĩ, thu hẹp quyền lợi của giới quý tộc và phát triển một nền giáo dục khác hẳn đường lối giáo dục cũ.
Một sơ đồ giáo dục cũ căn bản là con người phải tự biết mình, phải tự biết cách chuyển hóa chính bản thân mình, trước khi bắt tay vào việc thay đổi căn bản giá trị phi nhân kia. Nếu đa số không muốn thay đổi tận gốc rễ, không muốn chấm dứt lối sống đầy thù hận, lợi dụng, tham lam kia một cách triệt để, mà chỉ đổi thay hời hợt bên ngoài thì sự đổi thay thực sự sẽ không bao giờ diễn ra. Những cuộc cải cách nửa vời này sẽ không thể chống lại cái quyền lực độc đoán của những kẻ lãnh đạo xảo quyệt kia được. Thời buổi huy hoàng không thể đến khi mọi người vẫn tiếp tục lẩn tránh các trách nhiệm hành động cá nhân mà cứ chờ đợi một lãnh tụ mới, một thời thế mới, hay một đổi thay mới. Nếu tình trạng thụ động này tiếp tục thì con người sẽ mãi mãi trở thành nô lệ cho guồng máy cai trị độc đoán, tuy có tên gọi mới mẻ nhưng bản chất vẫn y như cũ.
Ngày nào con người còn đồng hóa với một quốc gia, một dân tộc, một xứ sở, một bộ lạc, hay một lý tưởng thì họ vẫn còn sự chia rẽ và bị ảnh hưởng bởi phong tục, tập quán, căn bản giá trị có từ ngàn xưa. Từ bao năm nay, người Ai Cập đã được các giáo sĩ dạy dỗ rằng họ là một dân tộc đặc biệt, một giống dân được thần linh chọn lựa, một dân tộc cao cả hơn những dân tộc khác. Cái tinh thần dân tộc, bộ lạc này đã làm mất đi giá trị chân thật của con người vì sự thật thì con người đáng tôn quý hơn quốc gia hay bất cứ một giá trị căn bản nào khác.
Nếu mọi quốc gia đều biết đặt căn bản giá trị trên sự tôn quý con người thì đâu còn sự chia rẽ, đâu còn hận thù, đâu còn sự khác biệt nữa. Tiếc thay, tinh thần dân tộc, quốc gia, bộ lạc đã bị các nhà lãnh đạo xảo quyệt khai thác triệt để. Họ đề cao sự khác biệt giữa các dân tộc, tôn giáo, chủng tộc để tạo sự chia rẽ nhằm mục đích gia tăng quyền lực, cũng như quyền lợi cho chính họ. Những kẻ này sở dĩ thành công vì họ biết cổ xúy cho một truyền thống mà hầu hết mọi người đều ít nhiều hưởng ứng và sẵn sàng tham gia.
Trích sách Dấu chân trên cát l Nguyên Phong.
Mua sách tại đây:
Dấu chân trên cát: https://bit.ly/Dauchantrencat-Shopee
Bộ sách 15 cuốn đầy đủ của Nguyên Phong: https://bit.ly/tronboNguyenPhong15cuontiki