Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 14:34, 29/08/2022
Tham dự cuộc gặp còn có: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; đại diện các ban, bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Tổng Bí thư.
Năm 1946, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã sáng lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Bác là vị Chủ tịch Danh dự đầu tiên của Hội từ năm 1946 đến năm 1969.
Kế thừa, phát huy truyền thống nhân ái, nhân văn tốt đẹp, đến nay Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trở thành một tổ chức hoạt động nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với cuộc sống của nhân dân.
Với gần 7,2 triệu cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ, hoạt động tại 11.925 tổ chức Hội cơ sở, qua nhiều phong trào, với nhiều hình thức, các cấp hội và hàng vạn hội viên với tinh thần "Thương người như thể thương thân", Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trợ giúp hàng chục triệu người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương vươn lên trong cuộc sống bằng cả tinh thần và vật chất với số tiền hơn 23.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bày tỏ vui mừng được gặp các đại biểu về dự Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi tới toàn thể các đại biểu về dự Đại hội XI của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 cũng như toàn thể hội viên Hội Chữ thập đỏ trong cả nước tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Tổng Bí thư đánh giá cao Hội Chữ thập đỏ các cấp trong nhiệm kỳ vừa qua trong điều kiện cả nước có nhiều khó khăn, phức tạp do dịch bệnh gây ra, lại phải dồn sức cho công cuộc xây dựng, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Các cấp Hội đã góp phần chuẩn bị tốt mọi mặt cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Hội với tinh thần nhất quán: Khoa học, dân chủ, đổi mới, thiết thực, bám sát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam...
Về phương hướng công tác của Hội trong 5 năm tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ phải luôn luôn quan tâm công tác xây dựng tổ chức và cán bộ, hội viên của Hội. Tổ chức Hội được Bác Hồ sáng lập và làm Chủ tịch Danh dự đầu tiên, đó là niềm vinh dự, tự hào và sự động viên, khích lệ hết sức to lớn. Vì vậy mỗi cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa đó để ra sức phấn đấu, nỗ lực làm việc với tinh thần "thương người như thể thương thân", với lòng nhân ái, nhân tình, vị tha, hết lòng, hết sức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh uy tín của Hội là nguồn lực to lớn, là nhựa sống, là sức sống của tổ chức Hội. Uy tín của Hội không phải tự nhiên mà có mà là từ hình ảnh, thái độ, hành vi, hành động, sự rèn luyện, phấn đấu toàn tâm, toàn ý của đội ngũ cán bộ Hội và hội viên trong sự nghiệp nhân đạo, là từ mỗi kết quả mà hoạt động của Hội mang đến cho người nghèo, đóng góp chung cho xã hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục, tuyên truyền để tạo ra được nhiều phong trào hoạt động nhân đạo, từ thiện. Hội cần tổ chức một cách bài bản hơn, thiết thực hơn, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Đảng, Chính phủ, các đoàn thể chính trị - xã hội để tạo ra các phong trào hoạt động nhân đạo, làm công tác từ thiện.
Trong các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhân đạo, nhân ái luôn luôn là giá trị cốt lõi, nổi trội, xuyên suốt. Do đó, sự thành công của phong trào này sẽ là sự đóng góp to lớn về mặt tinh thần trong xây dựng xã hội giàu tình người và lòng nhân ái.
Tổng Bí thư đề nghị tổ chức thật tốt Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", để mọi người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tổn thương, người yếu thế đều nhận được sự trợ giúp từ Hội.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nếu phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái" là sự đóng góp về mặt đạo đức, tinh thần thì Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo" là sự đóng góp thiết thực về mặt vật chất dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn; thường xuyên chăm lo các phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có sức sống vững bền trong đời sống xã hội, trong nhân dân./.
Theo TTXVN