‘Hóng hớt’ không làm ta vô can

Văn hoá - Giải trí - Ngày đăng : 12:29, 29/08/2022

Kiểm soát tin giả không phải là can dự vào tự do ngôn luận, mà đang góp phần giúp xã hội có cái nhìn sâu sắc hơn về việc cái gì đúng, cái gì sai, chuyện gì nên bàn và chuyện gì chỉ nên nghe “phiên phiến” cho vui.

Tin về nàng diễn viên xinh như búp bê nào có mối quan hệ mập mờ với anh Shark trẻ đang hút view trên mạng xã hội lẫn báo chí. Nhưng trong số ào ạt dòng tin ấy, đâu là tin thật, được kiểm chứng đầy đủ, đâu là tin hóng hớt “lề đường”?

Các thể loại tin thiếu kiểm chứng này có muôn hình vạn dạng. Cách đây vài ngày, tôi vô tình đọc một tin trên một trang không rõ nguồn gốc trên facebook, đại ý rằng “cửa địa ngục” đã vô tình bị các nhà khoa học địa chất Liên Xô những năm 1970 “mở ra”, khi khoan sâu hàng chục km vào lòng Trái Đất.

Dạng thông tin gây sốc, thiếu bằng chứng, hay thường gọi là “tin vịt” này rất thường gặp. Chúng giống như cái gai, như cỏ dại trong mắt giới truyền thông dòng chính thống. Song có vẻ như cỏ dại đang mọc tràn lan trên mạng xã hội (MXH), ngày một nhiều hơn.

images.jpg
Tin giả như một loại cỏ dại nhưng tạo sự tò mò cao độ và thói quen 'hóng hớt'.

Tung tin giả - lợi bất cập hại

Một cái tin “hành lang” nào đó trong công sở, chưa kiểm chứng cũng có thể được lan truyền với tốc độ tên lửa, để rồi sau đó gây hệ luỵ khó lường. Phải chăng khi truyền thông ngày càng phát triển, tin giả cũng nhiều lên một cách chóng mặt?

Hiện nay, bên cạnh những page tích cực, thu hút hàng triệu thành viên, rất nhiều page trên MXH facebook đưa tin thất thiệt. Tôi nhận thấy các dạng page này đã có từ khá lâu trên MXH tại Việt Nam, có lẽ cũng hơn 5 năm nay. Từ góc độ học thuật, đó là một dạng chiến thuật trong chiến lược marketing “xây dựng cộng đồng”.

Nhưng những cha đẻ của chiến lược này không khuyến khích đưa tin giật gân, câu khách hay tin giả, bới móc đời tư người nổi tiếng. Một cộng đồng được tạo dựng từ những thông tin thiếu cơ sở sẽ không tạo ra giá trị cho xã hội, từ đó thiếu nền tảng để tồn tại một cách bền vững.

stalk-la-gi-1.jpg
Độc giả luôn thích tin tức giật gân, nói theo cách thời thượng là 'hít drama". Ảnh minh họa

Tâm lý học truyền thông từ lâu đã chỉ ra rằng con người nhìn chung đều thích các dạng tin giật gân, hay còn gọi là tin drama. Chỉ có sự khác nhau ở dạng tin drama, hình thái và mức độ yêu thích giữa người này và người khác mà thôi. Vì vậy, rất cần có sự sàng lọc thông tin của các toà soạn hoặc người quản lý (admin) các trang mạng xã hội, để không khuyến khích, thậm chí tiến đến kiểm soát hoàn toàn việc phát tán tràn lan những thông tin drama mang tính độc hại, xuyên tạc hay dựng chuyện.

Người “hít drama” có vô can không?

Tất nhiên “hít drama” là điều khó tránh, vì như tôi có đề cập, đó là một dạng tâm lý thường thấy ở con người. Nhưng cũng cần thấy rằng trách nhiệm chính vẫn nên thuộc về nguồn phát tin, tức các nơi chịu trách nhiệm về phát ngôn, sản xuất thông tin.

Về phía các bạn trẻ, các bạn cũng nên nhận thức rõ hơn về đâu là thông tin uy tín, chính thống, để không tự khiến mình “hít” phải “drama” giả. Mất quá nhiều thời gian cho những tin tức không hỗ trợ phát triển tư duy đồng nghĩa với tiêu khiển một cách vô bổ, ảnh hưởng xấu đến chính tương lai của các bạn.

person-using-social-media.png
Kiểm soát tin giả không phải là can dự vào tự do ngôn luận và góp phần làm rõ cái đúng, cái sai.

Phải làm sao? Cần có cơ chế kiểm soát tốt hơn về thông tin giữa chính phủ và các tổ chức sản xuất thông tin trên mạng xã hội lẫn báo chí, tránh xu hướng “lá cải hoá”. Kiểm soát tin giả không phải là can dự vào tự do ngôn luận, mà đang góp phần giúp xã hội có cái nhìn sâu sắc hơn về việc cái gì đúng, cái gì sai, chuyện gì nên bàn và chuyện gì chỉ nên nghe “phiên phiến” cho vui. Kiểm soát tin giả không phải là bài toán mới, nhưng chưa thể giải quyết dứt điểm. Năm 2018, nhà sáng lập facebook, Mark Zuckerberg, đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, một phần cũng vì câu chuyện thực - hư trên MXH.

Thôi thì hãy tự cứu mình. Các bạn trẻ cũng nên nâng cao khả năng đọc và xem tin tức trên báo lẫn mạng xã hội. Tôi nghĩ đó dần dà phải được phát triển thành một kỹ năng cơ bản, được đào tạo cho nhiều ngành khác nhau ở bậc phổ thông, cao đẳng và đại học, chứ không chỉ giảng dạy cho sinh viên chuyên ngành Báo chí, Truyền thông hay Quan hệ công chúng như hiện nay.

Dẫu biết từ thuở khai thiên lập địa, cỏ dại và cây lớn đều sống chung trong một cánh rừng. Song nếu không có người ra tay nhổ cỏ, có nhiều khi hạt mầm đại thụ khó bề phát triển cho nên vóc nên hình. Khi ấy lại mất công người giữ rừng lo thêm phần “thoái hoá” giống nòi. Cũng khổ…

Lê Anh Tú- Giảng viên khoa QHCC - TT - ĐH Văn Lang