Taliban cấm Bitcoin, bắt người mua bán token
Cuộc sống số - Ngày đăng : 11:01, 29/08/2022
Một số người dùng Afghanistan có xu hướng chuyển sang tiền mã hóa để bảo toàn tài sản. Tiền số là phương thức phổ biến để chuyển tiền ra/vào Afghanistan do nước này bị ngăn tiếp cận hệ thống ngân hàng toàn cầu.
(Ảnh: Journal du Coin) |
Nếu như các nước như Singapore hay Mỹ ngày càng siết chặt quy định liên quan đến tiền số sau các vụ sập liên tiếp dẫn đến 2.000 tỷ USD bốc hơi và nhiều doanh nghiệp phải xin phá sản, các lệnh cấm hoàn toàn vẫn còn khá hiếm. Trước Afghanistan, Trung Quốc tuyên bố mọi giao dịch tiền số là bất hợp pháp từ tháng 9/2021.
Sayed Shah Saadaat, trưởng phòng điều tra tội phạm tại trụ sở cảnh sát Herat, cho biết, nhận được lệnh từ ngân hàng trung ương để chặn đứng mọi người đổi tiền, cá nhân, doanh nhân giao dịch các loại tiền kỹ thuật số lừa đảo như Bitcoin. Ông Saadaat chia sẻ đã có 13 người bị bắt giữ, hầu hết đang tại ngoại, trong khi hơn 20 doanh nghiệp liên quan tiền số bị đóng cửa tại Herat – thành phố lớn thứ ba đất nước, một trung tâm giao dịch token. 4/6 công ty môi giới tiền số tại Afghanistan đặt tại đây.
Một nghiên cứu năm 2021 của Chainalysis xếp Afghanistan trong danh sách 20 quốc gia sử dụng tiền số nhiều nhất thế giới. Kết quả được đưa ra dựa trên sức mua tương đương theo đầu người.
Hồi tháng 2, Taliban nói sẽ nghiên cứu xem token kỹ thuật số có được cho phép theo quy định tài chính Hồi giáo hay không. Vài học giả đã dự đoán Taliban sẽ cấm tiền mã hóa vì nó được xem là “haram”, chứa các yếu tố cá cược và không chắc chắn. Dù vậy, các nước Hồi giáo lớn khác lại có cách tiếp cận linh hoạt hơn. Chẳng hạn, UAE cho phép giao dịch tiền số tại khu vực tự do của Dubai, còn Bahrain hỗ trợ tài sản kỹ thuật số từ năm 2019.
Du Lam (Theo Bloomberg)