Việc nặng lương thấp, thiếu tầm nhìn nên giáo viên giảm trầm trọng

Xã hội - Ngày đăng : 10:03, 29/08/2022

Theo các nhà quản lý, lao động nhà giáo rất nặng nhọc, trong khi đồng lương giáo viên không đủ mức sống tối thiếu đã khiến nhiều người bỏ nghề. Muốn không bị động về nguồn tuyển thì phải có dự báo trước 5-10 năm.

Theo Niên giám thống kê của Tổng cục thống kê, tại thời điểm đầu năm học 2021-2022, số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy là 813.200 người. Con số này cách đây 6 năm trước, tức năm học 2015-2016 là 861.300. Như vậy, sau 6 năm cả nước giảm hơn 48.000 giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp.

Nghịch lý ở chỗ, trong khi số giáo viên phổ thông trực tiếp đứng lớp giảm thì số học sinh lại tăng lên. Năm 2021 cả nước có hơn 17, 9 triệu học sinh. Trong khi đó, con số này ở thời điểm năm năm 2015 là 15,35 triệu. 

Hiện nhiều địa phương trên cả nước đang cấp tập tuyển giáo viên để bù đắp cho số người nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển nơi công tác … Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, năm học 2022-2023 thành phố cần tuyển 5.214 giáo viên. Trong đó, bậc mầm non cần 892 người, bậc tiểu học cần 2.355 người, bậc THCS cần 1.698 người, bậc THPT cần 296 người. TP.HCM cũng đưa ra kịch bản các trường sẽ phải chia sẻ giáo viên để dạy trám cho những môn thiếu hụt. 

Cách TP.HCM khoảng 500km, Gia Lai - một tỉnh ở Tây Nguyên cũng thiếu hơn 3.700 giáo viên, ở các bậc mầm non và tiểu học, chủ yếu các môn Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật.

Kỳ nghỉ hè năm nào các địa phương cả nước cũng phải tuyển dụng giáo viên mới, thậm chí số tuyển dụng lên tới hàng nghìn người. Nhưng tại sao số lượng giáo viên thì ngày càng ít?  

Việc nặng lương thấp

Lý giải điều này ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, lao động dạy học khá đặc biệt. Nếu như công nhân,viên chức các ngành khác lao động 8h/ ngày thì giáo viên ngoài số giờ lao động trực tiếp trên lớp, ở nhà còn phải lao động để soạn bài, đảm bào cho bài dạy chu đáo, hiệu quả. Một giáo viên có thể dạy 3 lớp 10 nhưng trình độ các lớp khác nhau, ngoài nền tảng cơ bản là sách giáo khoa, sự chuẩn bị bài chung thì người giáo viên sẽ phải lưu ý trình độ tiếp thu từng lớp, từ đó mở rộng thêm, giảng dạy khác nhau. Cho nên không phải cứ soạn 1 giáo án là dạy 3 lớp 10 như nhau.

Nhiều địa phương hiện đang tuyển gấp giáo viên cho năm học mới

“Giáo viên đã có định mức trực tiếp đứng lớp, nhưng để đứng được lớp thì phải có thời gian nghiên cứu, soạn giảng. Đối với giáo viên chủ nhiệm ngoài công việc trên còn phải nắm bắt từng học sinh để có sự quan tâm, thấu hiểu, giúp đỡ các em. Khác với các ngành khác làm 8 tiếng xong về nhà được nghỉ ngơi thì giáo viên ngoài giờ đứng lớp còn làm việc khác chiếm khá nhiều thời gian, chưa kể các công việc khác như chấm bài, ra đề kiểm tra định kỳ, học kỳ, làm điểm…- ông Ngai nói.

Nguyên nhân thứ hai theo ông Ngai, về đồng lương giáo viên hiện nay, so với trước đây dù có cải thiện và khá hơn nhưng so với điều kiện sinh hoạt, và trong thời buổi vật giá leo thang thì không đáp ứng được yêu cầu cuộc sống tối thiểu. Chính điều này buộc lòng nhiều giáo viên phải làm công việc ngoài giờ dạy. Nhiều giáo viên phụ giúp gia đình, buôn bán, trong đó có một bộ phận giáo viên dạy thêm.

“Nói tóm lại công việc thì nặng nề, nhiều việc mang tính hình thức nhưng đồng lương không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu, dẫn tới hiện tượng một số giáo viên đặc biệt giáo viên mầm non, tiểu học- là hai bậc học đòi hỏi nhiều thời gian, công việc nhiều đã xin nghỉ việc hoặc chuyển nghề hoặc sang dạy các trường tư thục”- ông Ngai nêu.

Phải có tầm dự báo 10 năm

Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, cho rằng Bộ GD-ĐT đã có thông tư quy định sĩ số học sinh trong mỗi lớp học, bậc học và các trường học nên hoàn toàn có thể lập kế hoạch tuyển dụng và sử dụng giáo viên.

Số học sinh phổ thông đến tuổi đến trường đã được dự báo trong tổng điều tra dân số và nhà ở (1979, 1989, 1999, 2009 và 2019), các sở giáo dục có thể lấy dữ liệu ở các Cục thống kê hoặc Tổng cục thống kê để xin số liệu dự báo và xây dựng các kế hoạch giáo dục về mặt cơ sở vật chất, học sinh, giáo viên. Trong đó lưu ý là người Việt thích sinh con vào các năm có các con giáp như Thìn, Hợi… nên số học sinh các năm này thường nhiều hơn các năm khác nên khi xây dựng kế hoạch thường phải tính mức bình quân trong nhiều năm để dự báo.

Theo ông Hồng, thực tế có thể phức tạp hơn vì các khu vực hải đảo, miền núi thường có sĩ số học sinh/lớp ít hơn nhiều so với quy định trong khi trong các đô thị lớn thì sĩ số học sinh /lớp vượt quá nhiều so với mức quy định. Đơn cử như một trường tiểu học học 2 buổi ngày ở Quận 7, TP.HCM có sĩ số trung bình là 50 em và như vậy là vượt quy định hơn 150%. Vì thế các nhà lập chính sách phải tính đến việc này.

Đối với giáo viên, ông Hồng cho rằng, giáo viên dạy trong các trường mầm non theo quy định hiện nay phải được đào tạo ở bậc đại học (nói nôm là mất 4 năm học), trong các khoa/trường sư phạm nên đến khi giáo viên bỏ dạy hoặc không dự báo đúng nhu cầu sử dụng giáo viên từ 5 năm trước thì không thể có giáo viên để dạy.

Nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng muốn không bị động trong sử dụng giáo viên thì các trường/phòng/sở phải xây dựng được kế hoạch sử dụng giáo viên trong khoảng 10 năm và điều chỉnh kế hoạch sử dụng giáo viên hàng năm (trong kế hoạch 10 năm). Các trường sư phạm phải được chủ động liên kết đào tạo với các địa phương theo yêu cầu của các địa phương.

Với đào tạo giáo viên nên đưa hình thức đào tạo giáo viên có trình độ thạc sỹ giáo dục (số này được tuyển từ những người có trình độ cử nhân có nguyện vọng hành nghề dạy học) được đào tạo trong khoảng 1,5 đến 2 năm.

Ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho rằng hiện nay nơi sử dụng giáo viên là các cơ sở giáo dục và các khoa sư phạm của các trường sư phạm chưa có sự kết hợp chặt chẽ. Đúng ra nơi sử dụng phải dự báo được nhu cầu từng năm và ít nhất là trước 5 năm để đặt hàng trường sư phạm, tránh trường hợp thiếu vẫn thiếu mà thừa vẫn thừa. Những môn thừa giáo viên thì nguồn tuyển dồi dào, có những môn thiếu giáo viên thì không có nguồn tuyển.

Ông Ngai đề xuất, lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo các ngành có liên quan cần có cuộc khảo sát, qua đó đánh giá đúng tính chất lao động đặc thù của nhà giáo ở các bậc học, cấp học để có sự điều chỉnh thích hợp về chế độ chính sách đối với nhà giáo, sao cho thu hút được người giỏi vào học ở các trường sư phạm, các trường có khoa sư phạm và giữ chân giáo viên (công lập) đang công tác trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt, quan tâm thúc đẩy và tạo điều kiện cho họ sống được bằng lương nhà giáo để họ an tâm và tập trung công sức, thời gian thích đáng cho công tác giáo dục, giảng dạy học sinh.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW giao bổ sung cho các địa phương 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026; riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.