Chi tiền triệu mua nhầm mật ong giả, chuyên gia chỉ cách phân biệt đơn giản
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 09:01, 28/08/2022
Mật ong được cho là một loại thuốc có tác dụng chữa bệnh khá tốt, đồng thời cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chính vì thế, mật ong được nhiều gia đình ưa chuộng và giá thành khá cao. Vì lợi nhuận không ít người sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc để làm mật ong giả.
Nhà chị N.T.V (Từ Liêm, Hà Nội) được giới thiệu một địa chỉ bán mật ong qua facebook. Tin tưởng bạn giới thiệu, chị V. chi 1,2 triệu đồng mua hơn 3 lít mật ong được quảng cáo là “cam kết nguyên chất”. Tuy nhiên khi mua về, qua một vài phép thử, gia đình chị V. đã phát hiện mật ong trên là mật ong giả. Bức xúc chị V. gọi điện cho người bán để đôi co, đòi hoàn tiền. “Tiền chưa đòi lại được nhưng chúng tôi đã rước nỗi bực mình vào người”, chị nói.
Chuyện gia đình chị V. không phải hiếm. Trước đó, vào tháng 6/2022, kiểm tra cơ sở sản xuất mật ong Hoa Nhãn tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, cơ quan chức năng đã bắt quả tang cơ sở đang sản xuất mật ong từ đường, nha và nước cốt mạch nha pha theo tỷ lệ. Qua kiểm đếm, hơn 2.000 lít mật ong Hoa Nhãn đã được đóng gói thành phẩm.
Trên nhãn sản phẩm ghi công dụng là bồi bổ cơ thể chống quá trình lão hóa cho hệ tiêu hóa và tuần hoàn, dùng để điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng. Chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ về đăng ký kinh doanh cũng như hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của nguyên liệu, hàng hóa.
Theo tìm hiểu, với mỗi thùng nha 70 kg sẽ cho ra khoảng 45 lít mật ong. Một chai mật ong 1 lít được cơ sở bán ra với giá 99 nghìn đồng. Đặc biệt, 100% hàng hóa của cơ sở được bán trên Facebook.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết, mật ong rừng rất tốt cho sức khỏe và có khả năng kháng sinh giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh rất. Nhưng để tìm được mật ong rừng khá khó, hiếm hiện nay đa phần là mật ong nuôi có chất lượng cũng tốt. Nhưng hiện nay xuất hiện tình trạng làm giả mật ong đã khiến người tiêu dùng lo ngại.
Về mặt sức khỏe, mật ong giả không quá gây hại vì đa phần được làm từ đường. Nhưng nếu sử dụng mật ong giả quá nhiều có thể dẫn đến mất cân bằng tiêu hóa hoặc có nguy cơ mắc bệnh béo phì. Đặc biệt những người mắc bệnh tiểu đường dùng mật ong giả nhiều sẽ gây hại cho sức khỏe.
“Điều quan trọng, làm giả mật ong gây thiệt hại về kinh tế và lừa đối người tiêu dùng. Ví dụ bạn mua tặng người thân 1 chai mật ong được quảng cáo nguyên chất, giá cao nhưng về phát hiện thực chất là đường cô đặc không chỉ thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng”, PGS.TS Thịnh nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh phương pháp làm mật ong giả được các đối tượng tiến hành khá đơn giản. Đó là dùng chè đen pha thành nước màu nâu. Sau đó cho đường vào nước này với số lượng nhiều và cô đặc lại. Khi thành phẩm đặc sánh như mật ong thì dừng lại. Người ta dùng nước này cùng với một phần nhỏ mật ong thật để tạo ra mật ong giả. Lúc này, thành phẩm có mùi, màu vàng như mật ong. Các đối tượng còn có thể thả thêm xác ong, sáp ong vào nhằm tăng độ tin cậy cho hàng. Người tiêu dùng rất khó phân biệt qua màu sắc, mùi, vị.
“Mật ong thật, giả có thể dùng cách dưới đây để phân biệt”, PGS.TS Thịnh chia sẻ.
Chúng ta chuẩn bị 1 cốc nước lọc, lấy ống hút nhúng vào phần mật ong cần thử, bịt miệng lại. Sau đó, ta từ từ thả 1 giọt mật ong vào cốc nước. Nếu mật ong thật sẽ từ từ chìm xuống đáy, không tan trong khi mật ong giả sẽ tan dần ra và hết.
Lưu ý, để chính xác trong quá trình thử bạn nên chuẩn bị 1 cốc thủy tinh dài để dễ quan sát, quá trình dùng ống hút lấy mật ong nên lấy giọt bé vì giọt lớn không kịp tan.
Các vật đựng bằng thủy tinh được cho là an toàn nhất để đựng và bảo quản mật ong. Chúng chắc chắn, không màu, không mùi và đặc biệt là không làm thay đổi tính chất của mật ong dù cho bạn có chứa mật ong bao lâu đi nữa. Ngoài ra, việc đậy chặt các vật dụng đựng mật ong giúp hạn chế đến mức thấp nhất sự tiếp xúc mật ong và không khí, giữ được hương vị và màu sắc lâu hơn.