4 câu hỏi nhức nhối sau 6 tháng chiến sự dai dẳng Nga - Ukraine
Đối ngoại - Ngày đăng : 06:16, 28/08/2022
4 CÂU HỎI NHỨC NHỐI SAU 6 THÁNG CHIẾN SỰ DAI DẲNG NGA - UKRAINE
Sáu tháng kể từ khi Nga bắt đầu triển khai lực lượng quân sự tại Ukraine, xung đột hiện đã trở thành một chiến dịch dồn dập với các cuộc không kích và giao tranh hàng ngày, nhưng vẫn không có kết cục rõ ràng.
Theo hãng tin AFP, phần lớn khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga, khiến Kiev mất quyền kiểm soát các cảng ở Biển Đen. Những cảng biển này đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động xuất khẩu ngũ cốc vốn được xem là huyết mạch của nền kinh tế Ukraine.
Trong khi đó, Nga vẫn đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặc dù vậy, không nhiều người kỳ vọng Nga sẽ sớm kết thúc chiến dịch quân sự hay từ bỏ việc kiểm soát các vùng lãnh thổ mà Moscow đang kiểm soát tại quốc gia láng giềng.
Chiến sự sẽ kéo dài bao lâu?
Theo Forbes, thời gian là yếu tố then chốt cho các chiến lược quân sự của Nga và Ukraine.
Từ một cuộc chiến bắt đầu với nhịp độ nhanh, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao, chậm chạp mà không bên nào mong muốn. Trên thực tế, chiến lược ban đầu của Nga là áp đảo lực lượng phòng vệ Ukraine và kiểm soát thủ đô Kiev. Trong khi đó, chiến lược của Ukraine kỳ vọng rằng áp lực quốc tế, cùng với việc vượt qua cuộc tấn công giai đoạn đầu, sẽ buộc Nga phải rút quân.
Ở cấp độ chiến lược hiện tại, giới lãnh đạo quân sự và chính phủ của cả Nga và Ukraine vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu ban đầu của họ. Quân đội Nga vẫn đang tìm cách "phi quân sự hóa" Ukraine. Trong khi đó, quân đội Ukraine muốn Nga rút quân khỏi lãnh thổ. Cả hai quốc gia đều đang áp dụng các chiến lược mà họ tin rằng cuối cùng sẽ cho phép họ đạt được mục tiêu.
Cả Nga và Ukraine đều phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản, nhưng dường như không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẵn sàng xem xét một lệnh ngừng bắn.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine Valeriy Zaluzhnyy ngày 22/8 cho biết, gần 9.000 quân nhân đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh với Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Alexei Reznikov hồi tháng 6 cho biết khoảng 100 binh sĩ của nước này tử vong mỗi ngày, trong khi cố vấn Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podolyak, ước tính con số này lên tới 200 người.
Về phía Nga, con số thương vong gần đây nhất của quân đội Nga được Moscow công bố vào ngày 25/3. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga nói rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương trong cuộc xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, phía Ukraine cho rằng, con số thực tế thậm chí còn cao hơn nhiều.
"Trong những trường hợp như vậy, không bên nào có thể giành chiến thắng. Chiến dịch quân sự đặc biệt này có thể kéo dài nhiều năm", Konstantin Kalachev, nhà phân tích chính trị tại Moscow, dự đoán.
Theo ông Kalachev, "Nga đang hy vọng giành chiến thắng bằng cách khiến đối phương tiêu hao sức mạnh". Ông cho rằng "thời gian không đứng về phía Ukraine, và nền kinh tế của nước này có thể sụp đổ".
Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu Marie Dumoulin cho biết, sự ủng hộ mạnh mẽ từ các đồng minh phương Tây cũng sẽ khiến một trong hai bên khó có thể lùi bước ở thời điểm hiện tại.
"Mỗi bên đều cho rằng họ vẫn có thể tạo ra lợi thế quân sự, vì vậy khó có khả năng xung đột sẽ sớm kết thúc", bà Dumoulin nhận định.
Nga coi chiến dịch quân sự tại Ukraine là một phần trong chiến dịch phản kháng của Moscow trước sự "bành trướng" của NATO. Do vậy, bất kỳ kịch bản "thất bại" nào cũng là điều không thể chấp nhận được với Nga.
Nga cũng có thể ngăn cản mong muốn của Ukraine về việc thắt chặt quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) bằng cách nhắm mục tiêu tới cảng quan trọng Odessa, "khóa" đường biển và hạn chế xuất khẩu của Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể tìm cách đạt được nhiều thành công hơn về chiến thuật, tương tự vụ đánh chìm soái hoạm Moskva của Nga vào tháng 4, thậm chí có thể phản công để giành lại một số khu vực.
Lực lượng Nga có thể sẽ được hưởng lợi khi mùa đông đến. Vào thời điểm đó, sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga sẽ gia tăng, buộc một số quốc gia phải giảm hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm viện trợ quân sự. Nga hy vọng rằng nếu không có dòng viện trợ quân sự ổn định từ phương Tây, quân đội Ukraine sẽ suy giảm sức mạnh.
Trong khi đó, quân đội Ukraine hy vọng khi chiến tranh kéo dài, các yếu tố bên ngoài sẽ buộc Nga phải rút quân. Các biện pháp trừng phạt và chính cuộc chiến tại Ukraine đang gây ra tổn thất nặng nề cho Nga. Ngoài ra, chi phí lớn về nhân lực và vật chất cho cuộc chiến sẽ làm giảm sự ủng hộ của người dân đối với cuộc chiến. Ukraine hy vọng rằng những yếu tố này sẽ buộc chính phủ Nga phải chấm dứt xung đột. Ngay cả khi chiến tranh không kết thúc, Ukraine hy vọng Nga sẽ rút bớt lực lượng, cho phép Ukraine giành lại các vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát, bao gồm Donbass.
Ukraine có thể tiếp tục kháng cự?
Viện trợ quân sự và thông tin tình báo từ châu Âu và Mỹ đã giúp các lực lượng Ukraine làm chậm đà tiến công của đối phương ở mặt trận Donbass và dọc theo bờ Biển Đen, nhưng vẫn không thể đẩy lùi hoàn toàn quân đội Nga. Trong khi đó, Nga vẫn tiếp tục củng cố các vị trí của mình, tăng cường hiện diện quân sự ở Crimea trong 8 năm qua kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo này.
Cho đến nay, những lời kêu gọi của Tổng thống Zelensky nhằm hối thúc phương Tây viện trợ các loại vũ khí tiên tiến và uy lực hơn được cho là không thành công.
"Người dân Ukraine cho đến nay vẫn đoàn kết và ủng hộ chính phủ, nhưng sự ổn định đó cũng phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm rằng phương Tây sẽ giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến này", Dimitri Minic, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp ở Paris, cho biết.
Thời tiết lạnh giá vào mùa đông tới cũng sẽ thử thách quyết tâm của người dân Ukraine khi họ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu, cắt điện hoặc hệ thống sưởi cùng những khó khăn khác, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng nhiều người phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc giao tranh.
Theo ước tính của Giám đốc Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu Marie Dumoulin, 40% trường học của Ukraine vẫn sẽ đóng cửa khi các lớp học bắt đầu trở lại vào tháng 9. Điều này có thể dẫn đến sức ép nặng nề về tâm lý cho người dân Ukraine.
Mặc dù quân đội Ukraine nhận được viện trợ quân sự đáng kể từ nước ngoài, song nguồn cung cho các hệ thống vũ khí tiên tiến vẫn còn hạn chế với Kiev.
Không giống quân đội Nga, phần lớn quân đội Ukraine tập trung bên ngoài khu vực Donbass, nơi họ đã tiến hành một loạt chiến dịch phản công để giành lại quyền kiểm soát các thành phố. Ukraine đã thành công đáng kể ở miền Bắc, giành lại thành phố Kharkov và đưa binh lính đến sát biên giới Nga. Hiện Ukraine đang tập trung nỗ lực vào việc giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ ở phía Nam, đặc biệt là xung quanh khu vực Kherson.
Bằng cách giành lại Kherson hoặc phá hủy các cây cầu trong thành phố, Ukraine đang hạn chế khả năng của quân đội Nga trong việc di chuyển lực lượng từ Crimea tới phía Nam và phía Tây Ukraine. Khi điều quân đội Nga tới khu vực Donbass, các lực lượng Ukraine tin rằng cuối cùng sẽ có thể tập trung toàn bộ quân lực để giành lại khu vực này.
Giới chức Ukraine những tuần gần đây liên tục tuyên bố phá hủy các kho đạn dược, nhiên liệu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga. Ngoài ra, Kiev được cho là đứng sau các vụ nổ bí ẩn nhằm vào các kho đạn dược, căn cứ không quân của Nga ở Crimea, bán đảo do Nga kiểm soát, cách chiến tuyến ở Ukraine hàng trăm km. Theo New York Times, những diễn biến này cho thấy khả năng của Kiev trong việc tận dụng vũ khí tầm xa do Mỹ cung cấp cũng như lực lượng đặc nhiệm và du kích để tấn công các mục tiêu của Nga nằm sâu sau chiến tuyến.
Với Ukraine, chiến thuật chọc sâu vào sau chiến tuyến Nga được coi là một phần trong chiến dịch phản công nhằm giành lại quyền kiểm soát vùng Kherson ở miền Nam. Vài tháng trở lại đây, Ukraine nhiều lần khẳng định kết cục chiến sự sẽ được quyết định ở mặt trận miền Nam, đồng thời ám chỉ hàng loạt vụ nổ tại các căn cứ ở hậu phương Nga là dấu hiệu cho thấy cuộc phản công đã bắt đầu.
Nền kinh tế Nga có thể trụ vững?
Các đồng minh của Ukraine đã tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế Nga bằng cách hạn chế mua bán dầu và khí đốt, đồng thời áp đặt các lệnh trừng phạt hạn chế nhập khẩu và buộc nhiều công ty phương Tây phải rời khỏi Nga. Tuy vậy, Nga dường như sẵn sàng "trả giá" cho một cuộc chiến tiêu hao kéo dài.
"Doanh thu xuất khẩu, chủ yếu từ dầu, khí đốt, than đá và các mặt hàng khác (của Nga), không chỉ tăng mà còn vượt mức mong đợi", Chris Weafer, nhà phân tích lâu năm về Nga tại tổ chức tư vấn Macro-Advisory, nhận định.
Nga phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy vậy, Moscow đã sớm tìm ra các nguồn cung mới cho các ngành công nghiệp cũng như các nguồn nguyên vật liệu khác từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc châu Á.
"Nền kinh tế, ngành công nghiệp và người dân Nga đã có 8 năm để thích nghi với các lệnh trừng phạt để bây giờ, họ được chuẩn bị tốt hơn và có khả năng tự cung tự cấp cao hơn, mặc dù chỉ ở mức độ cơ bản", chuyên gia Weafer đánh giá.
Tuy nhiên, tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt có thể trở nên nặng nề hơn trong những năm tới, khi Nga chuyển các nguồn vốn từ đầu tư sang nỗ lực chiến tranh và các công ty nước ngoài vẫn còn nhiều e ngại.
"Chúng ta sẽ cảm nhận tác động đầy đủ (của các lệnh trừng phạt) trong khoảng 5 năm nữa", nhà phân tích Nga Kalachev cho biết.
Kịch bản nào có thể xảy ra?
Nếu cuộc xung đột Nga - Ukraine "sa lầy" tới mùa đông và kéo dài sang năm 2023, tình hình chiến sự phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc liệu phương Tây có thể duy trì sự ủng hộ cho Kiev hay không, nhất là khi các nước phương Tây đang nhận ra rằng, chi phí bỏ ra cho một cuộc xung đột ngày càng cao hơn, chưa kể đến giá nhiên liệu và lương thực tăng vọt.
"Có lẽ sẽ đến lúc Nga "tranh thủ" sự mệt mỏi của phương Tây và đề xuất một số phương án để thúc đẩy các nhà lãnh đạo phương Tây gây áp lực, buộc Ukraine phải chấm dứt xung đột theo các điều kiện của Nga", chuyên gia Dumoulin nhận định.
Ngoại trừ tính toán quân sự sai lầm gây tổn thất nặng nề, quân đội Ukraine khó có thể bị đánh bại hoàn toàn. Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng khó chấp nhận bất kỳ cuộc đàm phán nào mà Ukraine không giành lại toàn bộ vùng lãnh thổ đang nằm trong tầm kiểm soát của Nga, bao gồm bán đảo Crimea. Trong trường hợp các đồng minh của Ukraine tiếp tục viện trợ và cung cấp các loại vũ khí cho Kiev, lợi thế quân sự của Nga có thể mất dần.
Tướng Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, nhận định đến năm 2023, quân đội Ukraine có thể đẩy lùi lực lượng Nga về vị trí biên giới trước xung đột quân sự. Ông Hodges cho rằng lực lượng Nga dần "kiệt sức" sau cuộc xung đột với Ukraine và khả năng Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga về biên giới ban đầu sẽ phụ thuộc vào việc phương Tây tiếp tục hậu thuẫn cho Kiev thông qua viện trợ vũ khí và áp lệnh trừng phạt Moscow.
Ở thời điểm hiện tại, một số chuyên gia cũng cho rằng, Ukraine khó phản công quy mô lớn và không thể nhanh chóng xoay chuyển cục diện chiến trường khi chưa có thêm nhiều vũ khí hạng nặng viện trợ. Nga vẫn liên tục thông báo phá hủy các vũ khí phương Tây cấp cho Ukraine và khẳng định Kiev "thiệt hại nặng nề".
Thành Đạt
28/08/2022