Bảo kê vật liệu xây dựng ở Hà Nội: Dân “cắn răng” chịu phí, doanh nghiệp nhỏ không có cửa tồn tại

Xã hội - Ngày đăng : 23:00, 27/08/2022

Hà Nội - Với việc kết hợp độc chiếm, bảo vệ địa bàn tuyệt đối bằng cái gọi là “dân xã hội”, người mua nhà tại các khu đô thị cao cấp, khu dân cư sẽ phải “cắn răng” mua vật liệu xây dựng với giá cao mà không có sự lựa chọn. Còn các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ dường như không có “cửa” để tồn tại.
Bảo kê vật liệu xây dựng ở Hà Nội: Dân “cắn răng” chịu phí, doanh nghiệp nhỏ không có cửa tồn tại

Tranh quyền cung cấp vật liệu xây dựng phải có "thế" và "lực"

Như đã đề cập ở bài trước của loạt phóng sự “Bảo kê vật liệu xây dựng ở Hà Nội: Côn đồ lộng hành tranh giành địa bàn” được đăng tải trên Báo Lao Động trong những ngày qua, nêu một thực trạng đáng báo động về việc mua bán vật liệu xây dựng tại các khu vực đặc biệt là các khu đô thị cao cấp ở Hà Nội.

Bởi từ lâu, việc kinh doanh loại dịch vụ này đã không còn là câu chuyện “thuận mua vừa bán” đơn thuần, mà thực chất đã bị phân chia, độc chiếm bởi các đối tượng “bảo kê” có tổ chức chặt chẽ, thậm chí là sử dụng hành vi manh động cùng phương thức táo tợn.

Nói về vấn nạn này, anh Nguyễn Văn T. (quê Thanh Hóa) - nhân viên của Công ty CP Thương binh Thành Luân (địa chỉ 279B Đội Cấn, Ba Đình), người may mắn thoát khỏi vòng vây truy sát của nhóm bảo kê tự xưng đang phân phối vật liệu xây dựng ở khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây - thuật lại rằng: “Vì thị trường bị độc chiếm nên nhóm bảo kê không cho ai mang bất cứ một cái gì liên quan đến xây dựng vào và ra khỏi khu đô thị. Nếu cố tình thì cũng sẽ bị trả thù về sau”.

 
 Nhóm thanh niên chặn xe tải và hành hung anh Nguyễn Văn T sau khi anh này mang xà bần rời khỏi khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây.

Để tìm hiểu thực hư, phóng viên Báo Lao Động đã quay trở lại khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây dưới vai trò là chủ nhân của một căn hộ đang cần xây sửa.

Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây nhìn từ trên cao.
Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây nhìn từ trên cao.

Liên hệ đến bảo vệ khu đô thị này, chúng tôi được giới thiệu đến một đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng có tên Lan Hương và được mô tả là đơn vị đang phân phối chủ lực nguồn cung vật liệu cho khu đô thị Starlake.

Trùng hợp, đây cũng là cái tên được ông Phạm Huy Hoàng - Giám đốc Công ty Thành Luân - khẳng định nhiều lần trong buổi phỏng vấn với phóng viên rằng, đã cho người gọi điện đe dọa không cho nhân viên của Công ty Thành Luân được cung cấp vật tư xây dựng vào khu đô thị Starlake.

Theo ông Hoàng, công trình tại địa chỉ H11-LK61 (Khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây) đang được Công ty Thành Luân cung cấp vật tư xây dựng là một dự án văn phòng. Do đó, đại diện công trình yêu cầu phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Tuy nhiên, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng Lan Hương không thể đảm bảo điều kiện này nên Thành Luân được lựa chọn và vì cũng có mối quan hệ thân quen từ trước nên được ưu tiên.

“Họ gọi điện đe dọa chúng tôi và tự xưng là bãi vật liệu Lan Hương. Nếu chúng tôi cố tình sẽ phải lĩnh hậu quả” - Giám đốc Công ty Thành Luân nói.

 
Lối vào bãi vật liệu Lan Hương.

Tìm đến đúng địa chỉ của đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng Lan Hương theo lời mô tả, qua quan sát, bãi vật liệu này được dựng lên bởi những túp lều tạm và được bố trí ôm theo tường của chính khu đô thị Starlake. Lan Hương cũng được biết đến là một trong những cái tên thâu tóm có quyền kinh doanh tại đây.

Tiếp chúng tôi là một người đàn ông tên H - tự xưng là đại diện của đơn vị kinh doanh này. Ngay khi nắm được nhu cầu của khách hàng, H cho biết, đã nhiều năm kinh doanh ở đây với “thế” và “lực” ở tầm không nhỏ.

“Để bãi vật liệu Lan Hương có thể đứng vững chắc tại Starlake, anh chị cũng phải biết rằng bọn em đã phải chi những gì mới tồn tại được ở đây 7 năm nay. Có mỗi nhà em làm ở khu này thôi” - H tự tin nói.

H. nhiều lần khẳng định, tất cả các ngôi nhà trong dãy liền kề mà chúng tôi chuẩn bị chuyển đến đều do một tay bãi vật liệu Lan Hương của mình cung cấp.
H nhiều lần khẳng định, tất cả các ngôi nhà trong dãy liền kề mà chúng tôi chuẩn bị chuyển đến đều do một tay bãi vật liệu Lan Hương của mình cung cấp.

Do kinh doanh độc quyền trong khu đô thị, H nhiều lần khẳng định, tất cả các ngôi nhà trong dãy liền kề mà chúng tôi chuẩn bị chuyển đến đều do một tay bãi vật liệu Lan Hương của mình cung cấp. Và bởi là đơn vị duy nhất được phép làm việc này nên H cũng không ngại chào mời giá dịch vụ cung cấp vật liệu với mức phí “trên trời”.

H khẳng định, giá nguyên vật liệu hiện nay do Lan Hương đưa ra khá cao so với giá ngoài thị trường. Bởi vì cung cấp trong khu đô thị, nên mỗi viên gạch xây dựng bán được cũng chỉ lãi từ 300 - 500 đồng/viên. Trong khu H11 (Khu đô thị Starlake), tất cả các căn hộ đều được bãi của H cung cấp  gạch với giá là 1.700 đồng/viên.

Nếu chấp nhận được cái giá mà H đưa ra, khách hàng sẽ được “bao” mọi vấn đề liên quan đến xây sửa nhà từ ban quản lý khu đô thị, cho đến môi trường, chính quyền địa phương. H tự tin cho rằng, đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng của mình đã rất “lễ phép” và “đi đêm” với các nơi cần đến trong nhiều năm tồn tại.

"Luật ngầm" của ngành dịch vụ cung cấp vật liệu xây dựng

Không những vậy, người đàn ông này cũng liên tiếp đưa ra những giải thích mà thực chất là “ngầm” khẳng định việc độc quyền trong kinh doanh tại đây.

Cụ thể, H thông tin, hiện tại khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây có 2 bãi cũng cấp vật liệu xây dựng. Đa số người dân sống trong khu vực đều sử dụng dịch vụ của 2 đơn vị này và Lan Hương là một trong số đó. Vì vậy, hầu như các đơn vị cung cấp khác bên ngoài sẽ không bước vào khai thác thị trường vì đã được phân chia rõ ràng. Theo H, đây cũng là “luật ngầm” của ngành dịch vụ cung cấp vật liệu xây dựng.

 
 
Lối vào nơi tập kết vật liệu xây dựng của bãi Lan Hương. 

“Ở đâu cũng thế thôi, mình làm luật ở phường này thì cũng sẽ không muốn đến địa bàn của phường khác cung cấp vật tư. “Vuốt mặt phải nể mũi”, anh em  trong ngành đều giữ nguyên tắc như vậy” - H giải thích.

Trước những chênh lệch về giá mà H đưa ra, chúng tôi ngỏ ý không hài lòng và muốn chọn một đơn vị cung cấp khác để sửa nhà.

Ngay lập tức, H thể hiện quan điểm cứng rắn: “Bọn em đang làm ở đây mà anh chị đến bảo không mua, nói thật là cũng hơi buồn và cũng hơi khó chịu ấy. Cái thứ nhất là bọn em làm rất nhiều năm rồi, thứ hai là cái ngành nghề xây dựng của bọn em thì bao giờ cũng “tôn trọng” nhau. Khu vực của ai người đấy làm”.

Chưa dừng lại, H tiết lộ, để kinh doanh có lãi cao và duy trì được lâu dài, các đơn vị cung cấp nguyên vật liệu như H thường “ăn bớt” chi phí bằng việc vận chuyển quá tải, sử dụng các xe tự chế không được phép lưu thông để thi công.

Thực tế, với việc kết hợp độc chiếm, bảo vệ địa bàn tuyệt đối bằng cái gọi là “dân xã hội”, người mua nhà tại các khu đô thị cao cấp, khu dân cư sẽ phải “cắn răng” mua  vật liệu với giá cao mà không có sự lựa chọn. Còn các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ dường như không có “cửa” để tồn tại.

Vậy hiện tượng bảo kê, sử dụng cái gọi là “dân xã hội” để tạo thế áp đảo người bán, chèn ép người mua nhằm kinh doanh độc quyền vật liệu xây dựng có chỉ diễn ra tại khu đô thị Starlake Tây Hồ Tây? Trong vai những người trực tiếp cung cấp vật tư xây dựng vào các chung cư, khu đô thị lớn tại Thủ đô, phóng viên Báo Lao Động đã thâm nhập và làm rõ một thực trạng vẫn âm ỉ diễn ra bên trong thế giới ngầm của các “ông trùm” kinh doanh vật liệu xây dựng kiểu “dân anh chị”.

Video: Bảo kê vật liệu xây dựng ở khu đô thị cao cấp: “Luật của ngành“.