Sinh viên TP.HCM chế tạo máy giặt mũ bảo hiểm trong 10 phút
Xã hội - Ngày đăng : 08:36, 27/08/2022
“Máy giặt nón (mũ) bảo hiểm tự động” là sản phẩm của nhóm Lê Tiến Đạt, Bình Trịnh Thắng, Sơn Xê Rây Oáte, sinh viên khoa Cơ khí Chế tạo máy, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.
Làm sạch tự động
Sinh viên Bình Trịnh Thắng, thành viên của nhóm chia sẻ, ở Việt Nam, lượng người sử dụng xe máy nhiều nhưng ít người có thói quen giặt hay vệ sinh mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm là vật bất ly thân của mọi người khi tham gia giao thông, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với da đầu.
Thời tiết oi bức khiến bụi, mồ hôi, nhờn từ da đầu dính bết vào mũ bảo hiểm nhiều hơn. Một chiếc mũ bảo hiểm bẩn cộng thêm việc không được vệ sinh trong thời gian dài là điều kiện lý tưởng để nấm mốc và vi khuẩn sinh sôi. Từ đó, nhóm nghĩ đến việc vệ sinh nón bảo hiểm bằng máy.
Cấu tạo của máy gồm khoang giặt mũ, mạch điều khiển, khoang nước giặt, tụ điện. Người dùng sẽ cho mũ bảo hiểm vào khoang, máy sẽ giặt và sấy theo lập trình cài sẵn. Máy có chế độ giặt, xả, sấy, thời gian do người dùng cài đặt, có thể giặt nhanh, giặt chậm hay giặt vừa. Chế độ giặt nhanh nhất là 10 phút, chế độ giặt lâu nhất là 30 phút và giặt trung bình là 20 phút.
Khi đưa mũ bảo hiểm vào khoang giặt, hệ thống các ghim bằng kim loại sẽ giữ chặt mũ cố định trong khoang. Dưới áp lực mạnh của nước và dung dịch giặt tẩy, mũ sẽ được làm sạch bụi bẩn, kể cả bụi bẩn bám lâu ngày. Sau đó, hệ thống phun hơi nóng sẽ được kích hoạt làm khô mũ. Mũ sau giặt có mùi thơm dễ chịu, sạch bóng, không bị bong tróc các phần phụ kiện như lót nỉ hay quai mũ.
Sinh viên Sơn Xê Rây Oáte, thành viên nhóm chế tạo cho biết, để có sản phẩm, nhóm phải thực hiện nhiều công việc từ lên ý tưởng, chọn vật liệu chế tạo máy, thiết kế máy để giải quyết bài toán cơ khí. vật liệu làm máy ưu tiên sử dụng đồ có sẵn trên thị trường. Phức tạp nhất là phần cơ cấu phây nón, khi nón xoay tạo không gian bên trong để lắp đặt béc phun và ống sấy.
“Sau 4 tháng miệt mài, sản phẩm máy giặt mũ bảo hiểm của nhóm đã hoàn thiện, được các thầy cô trong trường đánh giá cao về ý tưởng và thiết kế”, đại diện nhóm cho hay.
Mong được thương mại hóa
Sinh viên Sơn Xê Rây Oáte chia sẻ, hiện máy giặt mũ bảo hiểm là sản phẩm trong đề tài làm đồ án tốt nghiệp của nhóm. Hy vọng thời gian tới, nhóm sẽ có điều kiện và kinh phí để tiếp tục hoàn thiện máy, cải tiến thời gian giặt nhanh hơn nữa.
“Nhóm muốn cải tiến thời gian giặt mũ còn khoảng dưới 5 phút để người có nhu cầu giặt không mất thời gian chờ lâu. Chỉ trong một lúc chờ đợi là mũ đã được làm sạch, như thế sẽ khuyến khích được khách hàng tích cực dùng dịch vụ giặt mũ”, Sơn Xê Rây Oáte chia sẻ.
Khi hoàn thiện, những chiếc máy này có thể sử dụng để mở dịch vụ giặt mũ bảo hiểm, hoặc lắp đặt ở các nhà xe, trung tâm thương mại, bệnh viện… những nơi có mật độ người đi xe máy cao. Việc làm sạch mũ bảo hiểm thường xuyên sẽ hạn chế rất nhiều các bệnh liên quan đến nấm, ngứa da đầu. Chi phí làm sạch một chiếc mũ bảo hiểm sẽ chỉ dưới 10.000 đồng.
TS Nguyễn Vũ Lân, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, người hướng dẫn nhóm nghiên cứu đánh giá cao sản phẩm của nhóm. Hiện trên thị trường đã có một số loại máy giặt mũ bảo hiểm tự động. Một số đơn vị cũng đã triển khai dịch vụ này.
Sáng tạo của nhóm là hoàn toàn từ những vật liệu trong nước, nhóm đã thiết kế, chế tạo máy hoạt động trơn tru, hiệu quả. Khi ứng dụng thử nghiệm, máy hoạt động tốt, mũ bảo hiểm được làm sạch mà không ảnh hưởng đến kết cấu sản phẩm.
“Nếu được đầu tư để tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để thương mại hóa, đây sẽ là sản phẩm máy made in Việt Nam với tính ứng dụng cao. Các cơ quan, công sở, siêu thị, bệnh viện… có thể trang bị để giặt mũ bảo hiểm tự động hoặc mở các dịch vụ làm sạch mũ, đáp ứng nhu cầu của người dùng hiện nay. Chi phí chế tạo máy thấp, chi phí vận hành do đó cũng không cao, việc làm sạch mũ bảo hiểm với giá thấp nằm trong khả năng của nhóm”, TS Lân nhận định.
Đề tài “Thiết kế chế tạo máy giặt nón bảo hiểm” của nhóm sinh viên cũng là đồ án tốt nghiệp được đánh giá xuất sắc trong năm học 2021 - 2022 của khoa Cơ khí Chế tạo máy, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM.