Nửa năm chiến cuộc Nga - Ukraine: Mọi triển vọng hòa bình đều không rõ ràng
Hồ sơ - nhân vật - Ngày đăng : 02:00, 27/08/2022
Ngay cả mặt trận Kherson ở phía nam, nơi quân đội Ukraine muốn đánh chiếm lại từ Nga, cũng thường xuyên diễn ra cảnh giằng co giữa 2 bên. Trong chuyến thăm Odessa vào cuối tuần trước, khi được hỏi về tương lai của Ukraine, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhận định rằng “tình hình đang rất khó khăn, trong đó mọi triển vọng hòa bình đều không rõ ràng”.
Nga vẫn làm chủ trên chiến trường Donbass
Từ hơn 1 tháng trước, Bộ Tổng tham mưu và truyền thông Ukraine liên tục nhắc đến một cuộc “phản công” ở khu vực Kherson. Thậm chí, cuối tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine còn thông báo kế hoạch huy động “1 triệu người” để giành lại khu vực này ở miền nam - một trong những khu vực đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của Nga hồi đầu tháng 3.
Bộ trưởng Tái hòa nhập các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm cũng cho biết “có một trận chiến lớn sắp xảy ra”. Ukraine quyết giành lại quyền kiểm soát ở Kherson, ngăn chặn Moscow hình thành một hành lang dẫn đến bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là những tuyên bố được lặp lại nhiều lần, và đến nay, Ukraine vẫn chưa cụ thể hóa ý đồ trên. Trên thực tế, các cuộc tấn công của Ukraine chỉ là chiến lược từng bước nhỏ.
Bán đảo Crimea - khu vực cho đến nay vẫn “miễn nhiễm” với chiến tranh dù là nơi cất cánh hầu hết các máy bay chiến đấu của Nga - những ngày gần đây đã chứng kiến một loạt vụ nổ lớn phá hủy một số kho đạn dược. Quân đội Nga cho rằng đây là hậu quả của các “hành động phá hoại”, nhưng không nêu tên bất kỳ đối tượng chịu trách nhiệm nào.
Ở miền đông Ukraine, các tỉnh Donetsk và Luhansk - vốn được Moscow công nhận độc lập - đã gần như hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Ngày 3/7, các lực lượng Nga tuyên bố đã giành quyền kiểm soát đối với Luhansk sau khi phá được các chốt chặn Sieverodonetsk và Lysychansk. Nga đang dồn sức tấn công phần còn lại của tỉnh Donetsk để chiếm toàn bộ vùng Donbass.
Tại các thành phố đã kiểm soát, Moscow thực hiện chính sách Nga hóa, đặc biệt là phổ biến đồng rúp và phát hành hộ chiếu Nga. Các cuộc trưng cầu dân ý cũng được lên kế hoạch để chính thức hóa việc sáp nhập vào Nga.
Tại Donetsk, các lực lượng Ukraine đang cố gắng giữ vững tiền tuyến, đặc biệt là ở Bakhmout bị Nga pháo kích không ngừng. Trước những dấu hiệu nguy cấp, Tổng thống Ukraine Zelensky ngày 30/7 đã kêu gọi dân thường tại những khu vực còn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine sơ tán.
Tác động với thế giới
Chiến sự ở Ukraine đã làm đảo lộn cán cân kinh tế của khu vực, nhất là trong lĩnh vực năng lượng. Phương Tây cáo buộc Nga sử dụng năng lượng làm vũ khí trả đũa các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt. Gazprom đã cắt giảm nguồn cung đối với các khách hàng châu Âu từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Xuất khẩu khí đốt của Nga - vốn rất quan trọng đối với châu Âu - đang giảm dần, đặc biệt là sang Đức và Italy.
Chiến sự Nga - Ukraine: Nguy cơ kéo dài, hệ lụy khôn lườngXem ngayVới ngũ cốc, việc Nga phong tỏa Biển Đen đã khiến Ukraine không thể xuất khẩu khoảng 20 triệu tấn được lưu trữ trong các kho chứa. Với một thỏa thuận ký ngày 22/7 dưới sự bảo trợ của LHQ và nhờ vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ, chuyến tàu đầu tiên chở 26.000 tấn ngô đã có thể rời cảng Odessa.
Giao thông đường biển đang dần hoạt động trở lại, nhưng tình hình vẫn còn rất mong manh và các tàu chở hàng có nguy cơ dính thủy lôi bất cứ lúc nào.
Đúng 6 tháng kể từ khi Nga phát động chiến dịch, hôm 24/8, Ukraine tổ chức kỷ niệm ngày độc lập từ Liên Xô. Trong một phát biểu trên truyền hình ngày 20/8, Tổng thống Zelensky cảnh báo Nga có thể tăng cường bắn phá Ukraine vào tuần tới.
Trước đó, Mykhailo Podoliak, một cố vấn của ông Zelensky, dự đoán rằng Nga có thể tăng cường oanh tạc vào các thành phố của Ukraine trong hai ngày 23-24/8.
Ngày 21/8, một số nhà lãnh đạo phương Tây, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã có những cuộc điện đàm và đều nhất trí quan điểm sẽ duy trì sự ủng hộ đối với Ukraine. Đặc biệt, họ kêu gọi 2 bên “kiềm chế” hành động quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền nam Ukraine. Cho đến nay, cả Moscow lẫn Kiev đều đổ lỗi cho nhau về các cuộc tấn công xung quanh địa điểm này.
Theo một thông cáo chung, 4 nhà lãnh đạo nói trên đã đề nghị Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) “nhanh chóng” triển khai phái đoàn thanh tra đến thực địa. Ngày 19/8, điện Elysée và điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Pháp Macron đã nhất trí triển khai các thanh sát viên của IAEA đến nhà máy trên.
Mùa đông đang tới gần
Theo các chuyên gia, chậm nhất là vào tháng 11 tới, khi thời tiết chuyển sang mưa rét, giao tranh ở Ukraine có khả năng tạm lắng hoặc chỉ diễn ra các cuộc giao tranh nhỏ. Tình hình mùa Thu này sẽ quyết định mức độ thành công của 2 bên trong mùa Đông.
Văn phòng Tổng thống Ukraine thậm chí muốn kết thúc xung đột vào đầu mùa Đông vì hiện tại, Nga được cho là đã bắt đầu phá hủy ngày càng nhiều cơ sở hạ tầng năng lượng và sưởi ấm của Ukraine. Tuy nhiên, mong muốn này của Ukraine liệu có thực hiện được?
Theo Viện Nghiên cứu chiến tranh Mỹ (ISW), Moscow đang lên kế hoạch cho một cuộc xung đột lâu dài và muốn tăng chi tiêu quốc phòng thêm 10 tỷ USD từ tháng 9 tới. Sau 6 tháng, Nga đã kiểm soát khoảng 24% diện tích Ukraine - khu vực tạo ra gần 80% giá trị kinh tế của nước này.
Về phía Ukraine, bất chấp những thành công nhỏ trong những ngày gần đây, họ vẫn chỉ nhận được quá ít vũ khí từ phương Tây để có thể tự bảo vệ mình. Đại tá Markus Reisner, làm việc tại Bộ Quốc phòng Áo và là một trong những nhà phân tích quân sự hàng đầu ở châu Âu, cho biết hiện tại vũ khí từ phương Tây chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu thực tế của Ukraine.
Sự thành công trong phòng thủ hay một cuộc tấn công mạnh mẽ, mang tính quyết định của quân đội Ukraine hiện vẫn không được kỳ vọng xảy ra trong ngắn hạn.
Kịch bản cho tương lai
Trong 12 tháng tới, chúng ta có thể hình dung 3 kịch bản:
Kịch bản 1: Tới tháng 11 năm nay, Nga sẽ chinh phục toàn bộ Donbass. Ở phía nam, các lực lượng Ukraine không thể thực hiện một cuộc phản công thành công. Người Ukraine thiếu lương thực và năng lượng trong mùa Đông.
Khi đó, nếu Nga có thể tiến đến bờ tây của sông Dnepr như thời điểm xung đột mới bắt đầu và bảo vệ được khu vực này, Moscow khả năng sẽ cố gắng hướng các cuộc tấn công về phía các thành phố Mykolaiv và Odessa vào mùa Xuân 2023 để đạt mục tiêu chiến lược quan trọng thứ hai: chia cắt hoàn toàn Ukraine với Biển Đen.
Khi đó, Ukraine sẽ khó có khả năng tự tồn tại. Đồng thời, giá năng lượng ở châu Âu sẽ tiếp tục tăng trong mùa Đông. Tổng thống Pháp Macron - với sự ủng hộ của Thủ tướng Đức Scholz và Tổng thống Mỹ Biden - sẽ thúc giục Ukraine đàm phán. Ông Zelensky không còn lựa chọn nào khác. Xác suất của kịch bản này ở mức “cao".
Kịch bản 2: Ukraine thành công trong các cuộc phản công ở khu vực Kherson nhờ các loại vũ khí hiện đại mới do phương Tây cung cấp và chuẩn bị tái chiếm bán đảo Crimea. Moscow không thể chiếm toàn bộ Donbass. Cả hai bên thảo luận nghiêm túc về một giải pháp ngoại giao trong mùa Đông. Xác suất của kịch bản này ở mức "rất thấp”.
Kịch bản 3: Không bên nào giành được thêm lãnh thổ cho tới mùa Đông. Trong giai đoạn ngừng bắn mùa Đông, cả 2 bên tiếp tục chuẩn bị cho các cuộc tấn công mới trong mùa Xuân. Đàm phán không thành công. Vào mùa Xuân, Ukraine nỗ lực tiến hành phản công. Xác suất của kịch bản này ở mức "có thể xảy ra”.