Chính phủ Pháp tài trợ tu bổ mái tòa lâu đài - nơi gia đình cựu hoàng triều Nguyễn từng sinh sống

Dòng chảy - Ngày đăng : 23:00, 26/08/2022

Dự án “Tu bổ mái Khải Tường lâu - cung An Định, Huế” do Bộ Văn hóa - Chính phủ Pháp thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tài trợ nhằm trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài cổ và phát huy giá trị tổng thể của di tích độc đáo này. Qua đó tạo thêm điểm nhấn về tham quan du lịch, kết nối với các điểm đến khác dành cho du khách thuộc Quần thể di tích cố đô Huế.

Chiều 26/8, thông tin từ UBND tỉnh TT-Huế cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương vừa ký quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại dự án “Tu bổ mái Khải Tường lâu - cung An Định, Huế”.

Theo đó, dự án “Tu bổ mái Khải Tường lâu - cung An Định, Huế” do Bộ Văn hóa - Chính phủ Pháp thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tài trợ, với kinh phí hơn 843 triệu đồng nhằm mục đích xử lý triệt để thấm, dột từ mái Khải Tường lâu xuống công trình và hạn chế nguy cơ gây hư hỏng các bộ phận khác của di tích.

cung-an-dinh-1-36.jpg
Khải Tường lâu - cung An Định nhìn từ cổng phía sông An Cựu vào. Ảnh: N.V

Khải Tường lâu - cung An Định là nơi tỉnh TT-Huế thường tổ chức các sự kiện văn hóa trong khuôn khổ các kỳ Festival Huế và giao lưu văn hóa, nghệ thuật hàng năm của tỉnh.

cung-an-dinh-5-7489.jpg
Một căn phòng bên trong cung điện. Ảnh: N.V

Dự án “Tu bổ mái Khải Tường lâu - Cung An Định, Huế” hoàn thành sẽ trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài và phát huy giá trị tổng thể di tích cung An Định, tạo điểm nhấn tham quan du lịch, kết nối với các điểm tham quan khác thuộc Quần thể di tích cố đô Huế.

Từ đó góp phần phục vụ người dân địa phương, du khách, các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích cung An Định.

cung-an-dinh-3-205.jpg
Cung điện được xây dựng từ thời Hoàng đế Khải Định. Ảnh: N.V

Cung An Định được xây dựng vào năm 1917, hiện tọa lạc bên bờ sông An Cựu (đường Phan Đình Phùng, TP Huế).

Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn mang phong cách châu Âu kết hợp trang trí truyền thống cung đình.

Dưới triều hoàng đế Khải Định (1916-1925) và hoàng đế Bảo Đại (1926-1945), cung An Định là nơi tổ chức các lễ tiếp tân, khánh hỷ của hoàng gia với sự tham dự của đình thần và các quan chức thuộc Chính phủ bảo hộ Pháp.

cung-an-dinh-4-anh-tu-lieu-4602.jpg
Bên trong cung An Định. Ảnh tư liệu

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cung An Định là nơi gia đình cựu hoàng Bảo Đại chuyển về sinh sống sau khi rời khỏi Hoàng cung. Sau năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã tịch thu cung An Định. Sau năm 1975, Đức Từ Cung (mẹ vua Bảo Đại) đã hiến cung An Định cho chính quyền cách mạng.

cung-an-dinh-2-404.jpg
Việc hỗ trợ kinh phí tu bổ phần mái Khải Tường lâu - Cung An Định nhằm trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài cổ và phát huy giá trị tổng thể của di tích độc đáo này. Ảnh: N.V

Sau gần nửa thế kỷ bị rơi vào quên lãng, dưới tác động của thời gian, chiến tranh, cung An Định bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Từ năm 2002, cung An Định được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và trùng tu, tôn tạo để trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài tráng lệ đầu thế kỷ XX.

cung-an-dinh-6-6492.jpg
Nơi đây thường tổ chức các cuộc trưng bày cổ vật xưa quý giá. Ảnh: N.V

Ngày nay, cung An Định là một phần của khu Di sản Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nơi đây hiện là điểm đến tham quan nổi tiếng dành cho du khách trong nước và quốc tế.