Không đổi đất rừng để làm năng lượng tái tạo
Xã hội - Ngày đăng : 14:17, 26/08/2022
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế
Ngày 25/8, Đoàn Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó biến đổi khí hậu của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, thông tin từ năm 2016 - 2021, tỉnh đã ưu tiên bố trí hơn 521 tỷ đồng (vốn ngân sách và vốn viện trợ) để thực hiện 22 chương trình, dự án, đề án ứng phó biến đổi khí hậu.
Giai đoạn 2021 - 2025, Bình Định tiếp tục lồng ghép nội dung ứng phó, kết quả giám sát vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tổng kinh phí hơn 450 tỷ đồng.
Việc giảm phát thải khí nhà kính, các chất làm suy giảm tầng ozone, phát triển năng lượng tái tạo với nhiều chương trình, dự án mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp ứng phó vào thực tế trên địa bàn tỉnh vẫn còn khó khăn và bị động. Đội ngũ cán bộ làm công tác chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng.
Nguyên nhân là do các tài liệu điều tra cơ bản về biến đổi khí hậu còn thiếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu…
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết thêm công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về biến đổi khí hậu là nhiệm vụ thường xuyên. Kêu gọi nhân dân sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường trong cộng đồng dân cư.
Tỉnh cũng đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình, các trạm quan trắc, trạm đo mưa, công trình đập dâng, trồng rừng ngập mặn, rừng cảnh quan, đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng.
"Yếu tố môi trường luôn được tỉnh tính đến trong mỗi chương trình, dự án, quy hoạch phát triển của ngành, địa phương, theo hướng kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy sự tăng trưởng kinh tế", ông Nguyễn Tuấn Thanh nói.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban KH-CN&MT Quốc hội đề nghị tỉnh Bình Định cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về biến đổi khí hậu.
Có biện pháp bảo vệ hành lang an toàn công trình, đặc biệt là các công trình chống biến đổi khí hậu; hạn chế tối đa hoặc không sử dụng diện tích rừng để làm năng lượng tái tạo.
Huy động các nguồn lực (vốn ngân sách, vốn viện trợ) đầu tư hoàn thiện các dự án chống biến đổi khí hậu, đảm bảo phát huy hiệu quả như mục tiêu ban đầu của các công trình…
Lo lắng xử lý pin năng lượng mặt trời quá hạn
Tại Bình Định, đoàn giám sát UBKH-CN&MT Quốc hội đã khảo sát thực tế các dự án: Nâng cấp hệ thống đê Đông và trồng rừng ngập mặn; Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 1 và Nhà máy Điện gió Nhơn Hội 2 (TP Quy Nhơn).
Nhà máy Phong điện Phương Mai 1 (huyện Phù Cát, Tuy Phước), Nhà máy Phong điện Phương Mai 3 (huyện Phù Cát); Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ); Đập ngăn mặn trên sông Lại Giang (thị xã Hoài Nhơn).
Đoàn giám sát đề nghị tỉnh Bình Định đặc biệt lưu ý xem xét diễn biến các yếu tố trong kịch bản biến đổi khí hậu đã được công bố và phải tính toán chi phí, lợi ích của các giải pháp đối trong từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm tính hiệu quả.
Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh lưu ý đến những vấn đề như chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tín chỉ carbon.
Đặc biệt là cách xử lý pin năng lượng mặt trời cũ đã hết thời gian sử dụng để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường về lâu dài. Bởi, đây là vấn đề cử tri tỉnh này rất lo lắng