Từ chuyện "dao mổ rạch 3 lần": Cần đẩy mạnh số hoá quản trị mua sắm vật tư
Tin Y tế - Ngày đăng : 20:54, 25/08/2022
Còn lỗ hổng ở tiêu chuẩn đánh giá chất lượng
Theo ông Hứa Phú Doãn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thiết bị y tế TPHCM có 2 lí do có thể khiến vật tư y tế kém chất lượng vào đến tận phòng mổ. Thứ nhất là hàng rào kỹ thuật trong hồ sơ mời thầu lỏng lẻo và lí do thứ 2 đến từ khâu giám sát.
Trường hợp nguyên nhân thứ nhất có thể hiểu là khi ”ra đề” để mời thầu mà các tiêu chuẩn như ISO, CE, thành phần thép không rỉ… không được nêu ra một cách cụ thể. Từ đó, khiến những mặt hàng không đạt tiêu chuẩn có thể trúng thầu.
Trường hợp thứ 2 là khi điều kiện được đưa ra chặt chẽ, doanh nghiệp nộp hồ sơ thầu cũng nói rằng thiết bị đạt các tiêu chuẩn đó, nhưng khi thực tế hàng giao vào thì không đạt.
"Khi tiếp nhận các thiết bị, nếu thấy không đạt tiêu chuẩn thì cần mời trung tâm kiểm định là bên thứ 3 xem các dụng cụ này có đạt được tiêu chuẩn như đã nói hay không, để trả lại lô hàng đó"- ông Doãn nói.
Cho rằng những bất cập trong công tác mua sắm đấu thầu là một nguyên nhân khách quan khi hàng hoá chất lượng thấp, giá thấp có thể trúng thầu, bà Phạm Khánh Phong Lan - Đại biểu Quốc hội đã nhấn mạnh, cơ chế đấu thầu còn tồn tại rất nhiều vấn đề và còn nhiều kẽ hở, song đó lại được cho là cách duy nhất để có thể cung ứng thuốc và vật tư y tế đến với hệ thống điều trị.
Bà Lan cho rằng không thể áp dụng luật đấu thầu cho tất cả các loại mặt hàng mà phục vụ cho nhu cầu xã hội được, bởi thuốc và vật tư y tế là mặt hàng đặc biệt.
"Về yếu tố chất lượng, cái quan trọng nhất mà rất khó lượng giá đó là tác dụng thực tế theo ý kiến của các bác sĩ trong từng bệnh viện, tính toán xem nó ảnh hưởng thế nào đến chất lượng điều trị, số ngày điều trị, uy tín của bệnh viện, chưa kể đến nguy cơ nguy hiểm về tính mạng… Đó là điều quan trọng nhất, hiện nay chúng ta đang mắc vào lỗi là quá quan tâm vào giá cả"- Bà Lan bày tỏ.
Phải số hoá quản trị bệnh viện
Bên cạnh việc hàng hoá kém chất lượng vẫn có khả năng trúng thầu, một thực trạng khá nhức nhối hiện nay đó là việc kế hoạch đấu thầu bị muộn. Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thiết bị y tế TPHCM cho rằng, nguyên nhân một phần do cơ chế khi việc dự trù kinh phí, dự toán trong mua sắm trải qua rất nhiều bước. Song, cũng có một nguyên nhân dẫn đến chậm trễ là do thói quen “nước đến chân mới nhảy”, điều này đến từ tầm nhìn của người lãnh đạo bệnh viện.
Theo chuyên gia, nếu có 1 cái nhìn khái quát, tổng quan và khoa học về việc mua sắm, trang bị một hệ thống kiểm soát vật tư trang thiết bị bằng phần mềm thông minh, có thể thông báo sắp hết vật tư hoặc sắp hết hạn bảo hành thì hỗ trợ rất nhiều trong việc mua sắm.
"Theo tôi, chúng ta phải nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số 4.0 trong việc quản lý bệnh viện, thì lúc đó việc cập nhật tình hình trang thiết bị y tế nhanh hơn từ đó, việc chuẩn bị cho mua sắm sẽ nhanh hơn.
Đồng thời, tôi kiến nghị các cấp Trung ương, cấp lãnh đạo phải áp dụng số hoá các quy trình trong việc quản trị việc mua sắm ở các địa phương, tránh việc kéo dài thời gian"- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội thiết bị y tế TPHCM bày tỏ.