Tin công nghệ 26/8: Ngăn chặn, gỡ bỏ nhiều thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 26/08/2022

Ngăn chặn, gỡ bỏ nhiều thông tin xấu độc trên mạng xã hội; các thị trường nước ngoài của Viettel tiếp tục tăng trưởng 2 con số

- Các thị trường nước ngoài của Viettel tiếp tục tăng trưởng 2 con số

Trong nửa đầu 2022, vượt qua nhiều ảnh hưởng bởi các xung đột trên trường quốc tế và bất ổn chính trị tại một số quốc gia đầu tư, các công ty thị trường của Viettel vẫn duy trì mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ 26,5%.

Tất cả các thị trường tại Châu Á của Viettel (Metfone, Unitel, Mytel, Telemor) vẫn giữ vững thị phần số 1 về thuê bao, trong đó Mytel tăng trưởng doanh thu dịch vụ cao nhất trong số các thị trường (gần 80%).

Các thị trường tại Châu Phi (Halotel, Lumitel, Movitel...) tiếp tục tăng trưởng thuê bao ví điện tử. Movitel là công ty có mức tăng trưởng doanh thu dịch vụ cao nhất trong các thị trường châu Phi , 38,6%, nhờ phát triển mạnh thuê bao 4G.

Tại thị trường Châu Mỹ, Natcom duy trì tăng trưởng liên tiếp 2 con số trong 5 năm và là năm có tăng trưởng cao nhất trong 9 năm từ 2014, đạt: 28,6%. Ứng dụng Super app của Bitel (Mi Bitel) đạt 1 triệu users và đứng số 1 trong số các app của các nhà mạng tại Peru.

Doanh thu hợp nhất viễn thông nước ngoài của Viettel trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 755, 5 triệu USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ.

- Ngăn chặn, gỡ bỏ nhiều thông tin xấu độc trên mạng xã hội

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, từ ngày 1/1 đến ngày 30/6, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.374 bài viết có nội dung thông tin xấu độc (đạt tỷ lệ 91%). Đặc biệt, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh và nội dung độc hại với trẻ em như: Hội những người vỡ nợ thích làm liều; Hội những người muốn tự tử...

Bên cạnh đó, Google cũng đã gỡ 5.363 video vi phạm trên Youtube (đạt tỷ lệ 95%). Đáng chú ý, vào tháng 3-2022, Youtube đã ngăn chặn 5 kênh Youtube phản động khỏi truy cập từ lãnh thổ Việt Nam với khoảng 1.500 video.

Cùng với Facebook, Goole thì Tiktok cũng đã chặn, gỡ 182 video vi phạm (đạt tỷ lệ 90%). Ngoài ra, Tiktok đã tự chủ động rà quét, ngăn chặn 800 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình.

- Lỗ hổng bảo mật của Apple có thể khiến hacker kiểm soát toàn bộ thiết bị

Cả hai lỗi đều tồn tại trong WebKit, công cụ trình duyệt của Apple nhằm hỗ trợ cho nền tảng tìm kiếm Safari và một số ứng dụng khác. Dựa trên báo cáo do công ty cung cấp, lỗ hổng bảo mật thứ nhất sẽ cho phép hacker truy cập hoàn toàn vào thiết bị của người dùng.

Một lỗ hổng thứ hai cũng đã được tìm thấy ở các công cụ trình duyệt như Safari, Mail và một số ứng dụng iOS khác. Lỗ hổng bảo mật này cho phép kẻ tấn công tự ý thực thi mã có thể tải phần mềm độc hại xuống thiết bị.

Các báo cáo của Apple rất sơ sài về chi tiết sự cố cũng như không giải thích cách thức và vị trí các lỗ hổng hoạt động đến từ đâu. Một số chuyên gia bảo mật cảnh báo rằng lỗ hổng này ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các thiết bị iPhone và máy tính Mac chạy hệ điều hành macOS Monterey.

- Châu Á Thái Bình Dương chiếm khoảng 24% email độc hại trên toàn cầu

Khu vực châu Á Thái Bình Dương (APAC) chiếm khoảng 24% email độc hại trên toàn cầu, theo ghi nhận từ các công cụ của hãng bảo mật Kaspersky. Điều này có nghĩa là, cứ 4 email độc hại trên toàn thế giới thì có 1 email gửi cho người dùng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Kaspersky cho hay một số quốc gia trong khu vực APAC nhận nhiều thư độc hại hơn so với các quốc gia khác. Trong năm 2022, người dùng Kaspersky tại 5 quốc gia Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Đài Loan nhận hơn một nửa (61,1%) thư độc hại trong khu vực.

Cụ thể, Việt Nam dẫn đầu về số lượng thư rác được phát hiện tại APAC, chiếm 17,9% trong hơn 3 triệu email được phát hiện trong năm 2022. Các nước Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Đài Loan lần lượt chiếm 13,6%, 10,8%, 10,4% và 8,4%.

Việt Báo (Tổng hợp)