Thế giới già đi, mình Start-up?

Xã hội - Ngày đăng : 11:47, 25/08/2022

Vô tình đọc bài “Thế giới dai dẳng của người già” của tác giả Nguyễn Vũ trên Tuổi trẻ Cuối tuần số ra ngày 21.08.22, tôi liên tưởng đến một đề tài khác, cũng khá “hot” với giới trẻ: start-up (khởi nghiệp).

Mười năm, thế giới già trông thấy

Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ

Cho vội vàng thêm gió cuối mùa

Tô Thuỳ Yên (trích Ta về)

Thế lưỡng nan của “người già”

Trong bài viết trên, tác giả Nguyễn Vũ dí dỏm mở ngoặc đơn kế bên bút danh của mình: 83 tuổi. Ai trong giới cầm bút thì cũng biết, Nguyễn Vũ là bút danh khác của nguyên Tổng thư kí toà soạn Thời báo Kinh tế Saigon (nay là tạp chí Kinh tế Saigon): nhà báo, thạc sĩ QTKD Nguyễn Vạn Phú. Tuổi thật của cây bút này cũng đã ngoại lục tuần, nhưng nói 83 thì đúng là… hơi quá.

startup-cn.jpg

Trở lại với nội dung bài viết trên, Nguyễn Vũ tổng hợp các góc nhìn từ lãnh đạo Đông – Tây trong giới chính trị, học thuật, kinh tế,… cho thấy các “ghế” lãnh đạo, quản lý,… đang thuộc về rất nhiều bô lão, tuổi suýt soát 60 hoặc hơn thế nữa. Bài báo có đoạn: “Nhà văn Paul Millerd gọi hiện tượng này là “Boomer blockage”, tức các lão làng ở nhiều vị trí cứ yên vị, ngáng đường tiến thân của các thế hệ trẻ hơn, khiến thế hệ này mắc kẹt trong các vị trí quản lý cấp trung.”

Kẹt trong vị trí quản lý cấp trung có vẻ là một thực tế không dễ chịu chút nào. Nhưng ở đây, tôi nhận thấy xu hướng “Boomer blogkage” của các nước tiên tiến có khác với sự tương đồng trên bề mặt tại nước ta về câu chuyện khủng hoảng nhân sự. Trong khi ở nước ngoài, người giỏi ngày càng nhiều nên “đất dụng võ” có vẻ ít lại, thì tại nước ta, có những nơi, thực tế còn… càng không vui vẻ hơn, khi giới trẻ bị kẹt trong vị trí nhân viên (executive) trong nhiều năm do “văn hoá xếp hàng”. Cho đến khi đi làm hơn 20 năm, kể cũng hơi chồn chân, mỏi gối, mới lên được trưởng, phó phòng.

Và “vấn nạn” này nghe chừng có vẻ rất quen thuộc tại Việt Nam, một thị trường lao động đang dần “hội nhập quốc tế” trên nhiều phương diện. Vậy thì động lực nào nữa để các nhân sự tuổi 40 – 50 vừa được lên quản lý làm việc? Hay chính vị trí của các trưởng, phó phòng “sống lâu lên lão làng” sẽ là trở lực cho thế hệ trẻ vươn lên? Đúng là tiến thoái lưỡng nan, “lên” cũng khó, mà “xuống” thì… xuống đâu? E lại càng khó hơn.

Viết đến đây lại nhớ một cách… xiên xẹo thơ của cố thi sĩ Tô Thuỳ Yên. Trong khi thế giới “già trông thấy”, “đất đai” do quá nhiều người “thâm canh” nên bạc phết, thì “ta” cũng thành “bóng chim qua trễ”… Chẳng ai mà vui nổi khi cái tuổi nó đuổi Xuân đi!

Người trẻ về đâu?

Nhưng trong vô số những éo le của thời cuộc, may sao, làn gió công nghệ và khởi nghiệp đổi mới – sáng tạo cũng giúp cho giới trẻ toàn cầu và Việt Nam còn chút… oxy để thở. Và dù cho tỷ lệ thành công của các start-up trên thế giới vẫn chỉ là một vài phần trăm nhỏ bé, ít ra những VNG, Seedcom, hay những câu chuyện khởi nghiệp của thế hệ doanh nhân đi trước cũng đang cổ vũ cho sự liều lĩnh khai phá vùng đất mới của giới trẻ.

Từ thực tế giảng dạy tại đại học, tôi nhận thấy có rất nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn bước chân vào con đường start-up chông gai ngay từ năm nhất. Các bạn kết hợp kiến thức về design, marketing, ẩm thực,… với việc tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng Gen Z, tức bạn bè đồng trang lứa, rồi từ đó sáng tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, chủ yếu bán qua mạng xã hội. Vô tình hay hữu ý, đó cũng chính là chiến lược digital marketing, social marketing được giới hàn lâm nghiên cứu và giảng dạy một cách bài bản trong trường lớp.

startup.jpg
Mang đến sản phẩm phù hợp với thời đại sẽ giúp các start - up thành công.

Cũng có nhiều bạn bỏ thời gian, công sức mày mò, nghiên cứu kỹ lưỡng, đi học nhiều khoá dạy “digital” rồi mới khởi nghiệp. Cũng rất đáng hoan hô cái sự dám đầu tư vào chất xám chứ không đổ thời gian, tiền bạc cho những thú tiêu khiển giết thì giờ vô ích, “giết” luôn cả tương lai.

Có thể thấy ở đây, sự chủ động nắm bắt xu thế và sáng tạo dựa trên nguồn lực sẵn có (thường là hạn chế) chính là thế mạnh của giới trẻ, để nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp một cách lành mạnh, không hô hào hình thức mà đi vào chiều sâu thực chất.

Thôi thì mặc kệ thế giới già đi, mình cứ việc mình mình làm. Start-up được, thì càng tốt. Mong cho một thế hệ mới chân cứng đá mềm, dám đương đầu với thử thách của cả thời cuộc, văn hoá lẫn sự khắc nghiệt chốn thương trường. Để mọi thứ tốt dần lên…

Lê Anh Tú

Lê Anh Tú- Giảng viên khoa QHCC - TT - ĐH Văn Lang