Tin công nghệ 25/8: Hàng loạt ngân hàng lớn bị giả mạo tên định danh

Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 07:00, 25/08/2022

Hàng loạt ngân hàng lớn bị giả mạo tên định danh; phương thức mua sắm mới được dự báo sẽ ‘làm mưa làm gió’ tại Việt Nam...

- Có đến 72% các tổ chức ở châu Á - TBD và Nhật Bản bị tấn công mạng

Công ty phần mềm an ninh và bảo mật Sophos Group plc (Anh) phối hợp với hãng tư vấn Tech Research Asia (TRA) đã công bố các phát hiện bổ sung báo cáo khảo sát “Tương lai của an ninh mạng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản”.

Theo đó, 11% ngân sách công nghệ được dành riêng cho an ninh mạng trong năm 2022, tăng so với mức 8,6% của năm 2021.

Cụ thể, các tổ chức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản (APJ) đã xác định "săn tìm" mối đe dọa là trọng tâm để tăng cường khả năng phòng thủ an ninh mạng và hầu hết các tổ chức này (90%) đã tiến hành công việc trên trong năm 2021, trong đó 85% cho biết cách tiếp cận là rất quan trọng đối với khả năng an ninh mạng tổng thể của các doanh nghiệp.

Báo cáo về mã độc tống tiền của Sophos cho thấy 72% các tổ chức APJ đã bị tấn công mạng vào năm 2021, tăng so với mức 39% của năm 2020. Với tình hình này, các tổ chức quan trọng cần xem xét các chiến lược mạng thường xuyên và giải quyết các lỗ hổng.

- Phương thức mua sắm mới được dự báo sẽ ‘làm mưa làm gió’ tại Việt Nam

Kết quả báo cáo "Shoppertainment: APAC's Trillion-Dollar Opportunity" (Mua sắm kết hợp giải trí: Cơ hội trị giá hàng ngàn tỉ đô la cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương) do TikTok và Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) thực hiện khảo sát tại các thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy xu hướng Shoppertainment đang mở ra lộ trình hấp dẫn để các thương hiệu cách mạng hóa cách họ tương tác với các đối tượng mục tiêu thông qua định dạng ưu tiên video và có âm thanh.

Phân tích được thực hiện bởi BCG cũng dự đoán Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là các thị trường phát triển ấn tượng nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại 3 thị trường này cùng với Úc, Shoppertainment sẽ đạt tốc độ 63% tăng trưởng kép hằng năm trong vòng 3 năm tới, đồng thời tăng gấp 4 lần giá trị thị trường từ 24 tỉ USD lên 100 tỉ USD.

Báo cáo cũng chỉ ra rằng trải nghiệm quảng cáo trực tuyến đã đạt đến điểm bão hòa. 26% người tiêu dùng muốn có thêm thời gian để cân nhắc mua hàng và 46% quyết định mua hàng vào một ngày khác; 89% người tiêu dùng tìm kiếm thông tin cả trong và ngoài ứng dụng;63% cần xem nội dung ít nhất 3-4 lần và 85% chuyển đổi ứng dụng trên hành trình mua sắm; 34% người tiêu dùng hoài nghi về các nội dung thương hiệu, gây cản trở trong việc đưa ra quyết định mua hàng.

- Ứng dụng tìm kiếm của công ty mẹ TikTok âm thầm ra mắt

ByteDance, công ty mẹ TikTok, vừa lặng lẽ giới thiệu công cụ tìm kiếm Wukong, cam kết không quảng cáo như đối thủ.

Wukong ra mắt âm thầm chỉ vài ngày sau khi Tencent đóng cửa ứng dụng tìm kiếm Sogou. Tencent mua lại Sogou năm 2021. Wukong có mặt trên cả chợ App Store và Google Play, cạnh tranh với Baidu, công cụ tìm kiếm số 1 của Trung Quốc.

Wukong đại diện cho thách thức mới với Baidu. Trước đây, ByteDance có một công cụ tìm kiếm khác là Toutiao Search, ra mắt năm 2019. Tuy đã bị gỡ bỏ, ByteDance vẫn tiếp tục cải thiện chức năng tìm kiếm trong ứng dụng Douyin và Jinri Toutiao.

- Hàng loạt ngân hàng lớn bị giả mạo tên định danh

Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt (Trung tâm VNCERT/CC, Bộ TT-TT) ghi nhận phản ánh từ người dùng cho thấy, hàng loạt ngân hàng lớn bị giả mạo tên định danh (brandname).

Trung tâm VNCERT/CC cho biết, các đối tượng lừa đảo sử dụng các brandname giả mạo các tổ chức ngân hàng để gửi tới người dùng với nhiều nội dung khác nhau trong đó có gắn kèm các liên kết nhằm mục đích hướng người dùng truy cập vào các link, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và thực hiện việc chiếm đoạt tài sản của người dùng.

Các tin nhắn giả mạo này thường được gắn nội dung về việc thông báo tài khoản của khách hàng đã bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền… với đường dẫn đính kèm yêu cầu người dùng nhập user/mật khẩu/ OTP để làm theo hướng dẫn.

Trung tâm cũng ghi nhận hàng loạt ngân hàng lớn như: ACB, SCB, VPBank… bị giả mạo. Mỗi ngân hàng bị giả nhiều link khác nhau và nhiều người đã bị “sập bẫy”.

Việt Báo (Tổng hợp)