Làm thế nào giữ cá voi lại với vùng biển Bình Định?
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 18:04, 24/08/2022
Ông Nguyễn Công Bình - Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bình Định - đã dành riêng cho VTC News một cuộc phỏng vấn nói rõ về hiện tượng lạ này và các biện pháp giữ cá voi ở lại vùng biển Bình Định.
- Thưa ông, vừa qua, cá voi liên tục xuất hiện ở vùng biển Đề Gi, ông nhìn nhận ra sao về hiện tượng này?
Về mặt tập tính, việc cá voi mẹ chọn vùng biển Đề Gi để nuôi con và kiếm ăn là một tín hiệu tích cực cho thấy cho thấy môi trường biển gần bờ của Bình Định được cải thiện, có nhiều thức ăn.
Các thông tin đăng tải trên mạng xã hội cho thấy cặp mẹ con cá voi Bryde đã xuất hiện tại vùng biển Đề Gi từ ngày 26/7/2022, và hiện tại vẫn đang kiếm ăn tại đây. Do loài cá voi Bryde có tập tính nuôi con bằng sữa hết 6 tháng, nên các cá thể mẹ thường chọn những vùng biển êm, có lượng thức ăn phong phú để nghỉ và nuôi con.
Thật vui khi cá voi xuất hiện tại vùng biển Đề Gi - Bình Định. Việc cặp cá voi mẹ con xuất hiện thường xuyên ở Đề Gi phần nào cho thấy môi trường biển ở đây đáp ứng các yêu cầu của loài thú biển này".
Ông Nguyễn Công Bình - Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản Bình Định
- Được biết, sự xuất hiện của cá voi đã thu hút nhiều nhà khoa học đến tìm hiểu?
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (CBES) phối hợp với Chi cục Thủy sản Bình Định đã khảo sát nhanh cá voi tại khu vực biển Đề Gi nhằm thu thập những dẫn liệu khoa học liên quan đến loài cá này.
- Kết quả khảo sát như thế nào, thưa ông?
Khảo sát được tiến hành trong 4 ngày (12 - 15/8). Theo báo cáo chúng tôi nhận được của CBES, đoàn đã ghi nhận một cặp mẹ con loài cá voi Bryde, tên khoa học Balaenoptera edeni, tại khu vực khảo sát vào lúc 12h10 ngày 14/8.
Kích thước cá mẹ ước lượng khoảng 12 m, cá con ước lượng khoảng 6 m. Loài này được liệt kê trong Phụ lục 1 của Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế; Công ước về Bảo tồn các loài di cư của động vật hoang dã CMS; thuộc bậc VU (có nguy cơ) theo Quyết định 82/2008 của Bộ NN-PTNT về việc công bố Danh mục các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Hai mẹ con cá voi quý hiếm xuất hiện ở vùng biển Đề Gi.
- Đặc điểm nào để có thể phân biệt cá voi Bryde với các loài cá voi khác, thưa ông?
Cá voi Bryde là một loài thú biển thuộc họ cá voi răng lược (Balaenopteridae). Thường rất dễ bị nhầm lẫn với các loài khác trong họ Balaenopteridae. Tuy nhiên, đặc điểm nổi bật có thể phân biệt cá voi Bryde với các loài cá voi khác là “ba đường gờ” trên đỉnh đầu, phía trước lỗ thở của chúng.
Cá voi Bryde có từ 40 đến 70 nếp gấp ở cổ họng để mở rộng miệng và cổ họng trong khi kiếm ăn. Loài này khi trưởng thành có kích thước tương đối lớn, với chiều dài từ 11 - 15.5 m, và có thể nặng từ 12 - 20 tấn. Trong khi đó, cá voi mới sinh chỉ có chiều dài từ 3 - 5m và nặng từ 1 - 2 tấn.
- Xin ông chia sẻ thêm về tập tính của loài cá voi Bryde này?
Cá voi Bryde có thể xuất hiện ở hầu hết tất cả các đại dương trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ưa thích các vùng nước ấm hơn (trên 16 độ C) và thường được tìm thấy ở cả khu vực ven bờ và ngoài khơi của các vùng biển nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Một số quần thể cá voi Bryde di cư ngắn theo mùa và một số quần thể khác không di cư.
Trong lần bắt gặp ngày 14/08/2022, cặp cá voi Bryde mẹ con đã nổi lên khỏi mặt nước tổng cộng 21 lần. Nhìn chung, hai cá thể cá voi Bryde nổi và hoạt động xung quanh vùng nước gần mỏm núi đá phía ngoài cảng Đề Gi.
Cá voi Bryde nổi và hoạt động xung quanh vùng nước gần mỏm núi đá phía ngoài cảng Đề Gi săn cá Liệt ghi nhận của đoàn khảo sát chiều 14/8/2022.
Trong số lần quan sát được, có 11 lần cá voi thể hiện hành vi kiếm ăn, 4 lần là hoạt động giao tiếp xã hội, 6 lần di chuyển. Nhìn chung, chỉ quan sát được cá voi mẹ kiếm ăn và săn mồi. Cá voi con chỉ có các hành vi như theo mẹ.
Hành vi cá voi Bryde ăn dựng tại biển Đề Gi ghi nhận của đoàn khảo sát chiều 14/8/2022
Thức ăn của cá voi Bryde tương đối đa dạng, bao gồm các loài cá nhỏ thường đi theo đàn, sinh vật phù du, cũng như các loài giáp xác có kích thước nhỏ. Cá voi Bryde là loài đơn độc, thường chỉ được ghi nhận một mình nhưng đôi khi chúng cũng đi thành cặp, hoặc thậm chí đi theo đàn nhỏ từ 4 đến 6 cá thể để kiếm ăn.
Độ tuổi trưởng thành và có thể giao phối của cá voi Bryde vào khoảng năm thứ chín. Chúng có thể giao phối quanh năm. Quá trình mang thai thường kéo dài từ 10 đến 12 tháng và thời gian nuôi con khoảng 12 tháng (cá voi con hoàn toàn sử dụng sữa mẹ trong 06 tháng đầu). Cao điểm của mùa sinh sản và đẻ con thường diễn ra vào mùa thu.
Hai con cá voi mẹ con Bryde đang hoạt động theo ghi nhận của đoàn khảo sát chiều 14/08/2022.
- Vừa qua du lịch Đề Gi - Vũng Bồi hút hàng trăm lượt khách du lịch với mong muốn ngắm cá voi. Vì vậy đã xuất hiện các tour ngắm cá voi tự phát, việc này có hại thế nào cho cá voi, thưa ông?
Theo các chuyên gia, vấn đề du lịch xem cá voi tự phát tại Đề Gi nên được quan tâm quản lý. Trên thực tế, sự xuất hiện của cá voi là niềm vui không chỉ riêng cộng đồng dân cư tỉnh Bình Định và mà là niềm vui chung của người dân cả nước Việt Nam. Quan sát thực địa cho thấy hiện tượng này thu hút hàng trăm lượt khách du lịch đến Đề Gi chỉ để ngắm cá voi.
Nếu được quản lý bảo vệ tốt, đây sẽ là nguồn lợi không nhỏ cho cộng đồng địa phương. Trái lại nếu thiếu các biện pháp quản lý, lượng khách quá đông sẽ có thể dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả cá và khách tham quan.
Thứ nhất, cá voi Bryde là động vật hoang dã. Tuy bản tính hiền lành, nhưng chúng vẫn có bản năng tự vệ nhất định nếu bị khiêu khích hoặc tấn công. Ở các cá thể cá voi cái đang nuôi con nhỏ, bản năng tự vệ càng mạnh.
Việc các ca-nô nhỏ hoặc các khách du lịch chèo thuyền phao, hoặc lặn tự do tiếp cận quá gần mẹ con cá voi có thể kích hoạt bản năng tự vệ của cá mẹ, gây nguy hiểm cho khách tham quan.
Thứ hai, các tàu và phương tiện chở khách tiếp cận quá gần cá (Ví dụ: tiếp cận gần hơn 20 m) có thể khiến cá voi mẹ và cá voi con rơi vào trạng thái căng thẳng.
Quy định và hướng dẫn tiếp cận cá voi an toàn của chính phủ Úc.
Các loài cá voi răng lược như cá voi Bryde sử dụng hạ âm (âm thanh có tần số dưới 20Hz) để giao tiếp. Tiếng động cơ tàu có thể gây ảnh hưởng đến khả năng nghe của cá voi, khiến chúng căng thẳng.
Nếu vấn đề tiếp diễn lâu dài, cá voi mẹ và cá voi con có thể bỏ đến khu vực khác, hoặc mạo hiểm đi vào các sinh cảnh không phù hợp với chúng để tránh xa các hoạt động của con người. Trường hợp xấu nhất chúng có thể bị mắc cạn do căng thẳng và mất phương hướng.
Hành vi bơi trên bề mặt của cá voi mẹ ghi nhận của đoàn khảo sát chiều 14/8/2022
Thứ ba, việc quá nhiều tàu chở khách (đặc biệt là các ca-nô cao tốc) thường xuyên di chuyển tại khu vực cá voi kiếm ăn có thể dẫn đến va chạm giữa tàu và cá voi. Các va chạm này thường để lại thương tật vĩnh viễn cho cá voi, hoặc có dẫn đến cái chết. Tuy hiện tại nhóm nghiên cứu chưa trực tiếp ghi nhận các vấn đề đã nêu tại khu vực biển Đề Gi, các biện pháp quản lý bảo tồn vẫn nên được cân nhắc nhằm bảo vệ loài động vật biển quý hiếm này.
Một số hoạt động và tác động của con người quan sát được tại khu vực cá voi kiếm ăn ngày 14/8/2022.
- Quan điểm của ông về những tour du lịch ngắm cá voi tự phát này như thế nào?
Sau khi đàn cá voi liên tục xuất hiện ở vùng biển Đề Gi, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Định đã đề nghị các tàu thuyền, dịch vụ du lịch ngắm cá voi phải bảo đảm giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 100 m để không làm hại đến cá. Đồng thời, các tàu thuyền khi di chuyển trên các khu vực cá voi săn mồi cần chú ý quan sát để không đâm hoặc va vào cá voi.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!