Quận Tây Hồ đón bằng Di tích quốc gia đối với điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh

Dòng chảy - Ngày đăng : 18:30, 24/08/2022

Lễ đón bằng Di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An (23-25/8/1945) được tổ chức long trọng vào tối 23/8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng gửi lẵng hoa chúc mừng.

Tham dự lễ đón bằng có Ủy viên Trung ương Đảng, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải; ông Hoàng Đạo Cương,Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành thành phố và quận Tây Hồ. Đặc biệt, đông đảo người dân tề tựu ở trụ sở UBND phường Phú Thượng để chứng kiến lễ trao bằng di tích quốc gia.

b48d7a7cdeb71be942a622-2542.jpg
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến. (Ảnh: Duy Phạm)

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, làng Phú Gia và Phú Xá (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) là một trong những cơ sở cách mạng đặc biệt quan trọng. Trung ương Đảng còn đặt cơ sở in báo Cờ giải phóng, trạm liên lạc với các cơ sở của Xứ ủy, tỉnh ủy trong cả nước. Bến đò Phú Xá là đầu mối giao thông nối liền hai vùng Bắc và Nam sông Hồng trong An Toàn Khu (ATK) của Trung ương Đảng, nhân dân địa phương đã chở đò và bảo vệ rất nhiều cán bộ của Đảng đi lại qua sông Hồng được an toàn.

Ngày 23/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội để ra mắt Quốc dân đồng bào, đọc Bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Người đã nghỉ chân tại nhà cụ Nguyễn Thị An tại làng Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ). Nơi đây sau trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi người dân Việt Nam.

Sau đó, gia đình và địa phương vinh dự đón Bác Hồ về thăm vào năm 1946. Cho tới thời điểm này, ngôi nhà của gia đình cụ An vẫn được bảo tồn nguyên vẹn với các di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại đây.

Với những ý nghĩa tiêu biểu đó, di tích nhà cụ Nguyễn Thị An được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích quốc gia vào ngày 03/12/2021.

c387a59d0156c4089d4712-2212.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An. (Ảnh: Duy Phạm)

Cùng với lễ đón nhận bằng Di tích quốc gia, UBND quận Tây Hồ tổ chức chương trình nghệ thuật Phú Thượng in dấu chân Người do NSƯT Trường Bắc làm đạo diễn. Kịch bản do Lê Thế Song-Như Khôi viết mang đậm tính sử thi, làm nổi bật hình tượng chủ tịch Hồ Chí Minh qua ba phần: Người đi tìm hình của nước, Ánh sáng và niềm tin, Phú Thượng in dấu chân Người.

Sân khấu ngoài trời ở UBND phường Phú Thượng có sự tham gia của khoảng 200 nghệ sĩ, diễn viên đến từ Học viện âm nhạc Quốc Gia Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, nhà hát Cải Lương Việt Nam và các nghệ sỹ nổi tiếng như NSND Thu Hiền, NSND Đăng Dương, NSƯT Trọng Tấn....

f70b94da3011f54fac0030-7193.jpg
Chương trình nghệ thuật tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Phạm
792bdad77e1cbb42e20d24-2726.jpg
Ca sĩ Trọng Tấn biểu diễn ca khúc "Đất nước trọn niềm vui" (Ảnh: Duy Phạm)
6aac1867bcac79f220bd28-8434.jpg
Tiểu phẩm sân khấu do NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng.
d2cbf51651dd9483cdcc31-1138.jpg
Một số tiết mục nghệ thuật trong chương trình Phú Thượng in dấu chân Người (Ảnh: Duy Phạm)