1/3 thí sinh bỏ xét tuyển đại học do học phí hay thiếu thông tin?
Xã hội - Ngày đăng : 19:36, 23/08/2022
Đại diện Học viện Ngân hàng cho rằng, 1/3 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học là bất thường, Bộ GD&ĐT cần sớm xác định nguyên nhân vì sao tỷ lệ thí sinh bỏ thi năm nay tăng vọt so với 2 năm trước. Việc này rất quan trọng và không khó để thực hiện. Bộ GD&ĐT có thể thống kê, khảo sát hơn 300.000 thí sinh này vì các em đều có thông tin, tài khoản trên hệ thống tuyển sinh trực tuyến, không phải thí sinh ảo hay thiếu thông tin để tìm kiếm.
Cũng theo vị đại diện này, trong suốt mùa tuyển sinh năm nay, Bộ GD&ĐT, các chuyên gia nhiều lần giải thích với thí sinh về quy trình đăng ký xét tuyển trực tuyến hoàn toàn khác với mọi năm. Tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển (kể cả đã trúng tuyển sớm vào các trường) đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ. "Thế nhưng chắn chắn vẫn sẽ xảy ra tình trạng một số thí sinh nhận giấy báo trúng tuyển sớm từ các trường sẽ chủ quan nghĩ đã đậu đại học nên không cần đăng ký nữa", vị này nhấn mạnh.
Mặt khác, năm nay tất cả các trường đại học đều tăng học phí lên cao hơn so với năm trước từ 2 - 10 triệu đồng. Điều này ảnh hưởng tới định hướng lựa chọn ngành học, trường học của thí sinh. Rất có thể nhiều em phải bỏ ước mơ vào đại học, lựa chọn học cao đẳng, trường nghề hoặc đi làm để lo bài toàn kinh tế cho gia đình.
Do đó, Bộ cần xác định nguyên nhân chính xác của việc số lượng các em bỏ đăng ký xét vào đại học, lấy đó làm căn cứ cho công tác tuyển sinh, định hướng các năm tới, đại diện Học viện Ngân hàng chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) đề nghị Bộ GD&ĐT sớm tìm hiểu nguyên nhân vì sao hơn 1/3 thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển.
"Nếu do các em chưa nắm được thông tin vì ở các vùng khó khăn với mê hồn trận các hướng dẫn, quy định về tuyển sinh năm nay thì việc lùi thêm thời hạn để tránh trường hợp thí sinh nào đó chưa kịp đăng ký theo lịch trình là cần thiết. Bên cạnh đó cũng có đường dây nóng ở Bộ để hỗ trợ thí sinh, phụ huynh. Lần đầu thực hiện những thay đổi, không thể tránh khỏi khiếm khuyết... Cố gắng không để một thí sinh nào thiệt thòi do thiếu hiểu biết thông tin", ông Vinh đề nghị.
Thầy giáo Nguyễn Đức Hoàng, trường THPT Bùi Thị Xuân (Huế) bày tỏ, ngoài các lý do về học phí cao, chọn học cao đẳng... rất có thể nhiều em đang thiếu thông tin đăng ký xét tuyển, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Thầy cho rằng, quy trình đăng ký xét tuyển, lọc ảo của Bộ GD&ĐT năm nay khá phức tạp khiến nhiều thí sinh, đặc biệt là các em ở vùng khó khăn không nắm bắt hết được. Như các năm trước, khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT các em có thể đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng bằng hai phương thức trực tuyến và trực tiếp. Phương thức trực tiếp được hầu hết các em ở Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Quảng Bình... lựa chọn bởi cơ sở về mạng Internet những vùng này không thuận lợi.
Mặt khác, các thí sinh vùng khó thường không có thói quen đọc báo hay theo dõi các thông tin truyền thông thời sự nên rất dễ xảy ra tình trạng nhiều em mù mờ, không nắm được thông tin đăng ký xét tuyển. "Dù số lượng thí sinh vùng khó không nhiều nhưng cũng cần quan tâm đúng mức để đảm bảo công bằng cho các em", thầy Hoàng nói và đề nghị có giải pháp thấu đáo hơn để các thí sinh không bị thiệt thòi.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT khẳng định, thí sinh không đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay nhiều hơn các năm trước là bình thường, không đáng quan ngại. Mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học (sau đó có thể điều chỉnh thông tin đăng ký nguyện vọng xét tuyển trong thời gian quy định). Do đó, thí sinh có xu hướng và tâm lý đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng, sau đó mới dần điều chỉnh. Tuy nhiên, năm nay, tới khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh mới thực sự đăng ký nguyện vọng xét tuyển cụ thể và nộp lệ phí.
So với năm 2020 (642.270 thí sinh đăng ký) và 2021 (794.739 thí sinh đăng ký), năm nay số lượng thí sinh đăng ký giảm. "Tuy nhiên số liệu này lại thể hiện sự thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, thực sự mong muốn vào học đại học", bà Thuỷ nhấn mạnh.
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có thể tự đánh giá năng lực của bản thân đang ở mức độ nào, thực lực đạt được của mình thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thức thấy rằng không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học, do vậy không đăng ký nữa. "Bởi vậy, việc nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống là chuyện bình thường”, bà nhấn mạnh.
Một lý do khác được PGS Nguyễn Thu Thuỷ đưa ra, năm nay lượng lớn thí sinh lựa chọn đi du học nên không đăng ký xét tuyển. Cụ thể, vào các năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh bỏ lỡ việc đi du học do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều thí sinh quyết định du học.
"Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền… đối với số lượng 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới", Vụ trưởng nói.
Cả nước có hơn 616.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển, còn 325.716 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học (chiếm 34,6% tổng thí sinh, giảm gần 180.000 so với năm 2021) - dù trước đó các thí sinh này đều có tài khoản trên hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT. Việc 1/3 thí sinh bỏ đăng ký xét tuyển khiến nhiều chuyên gia băn khoăn và đặt câu hỏi về nguyên nhân các em từ bỏ xét tuyển.