Bệnh viện K cũng xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:15, 22/08/2022

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15.9.2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng, cả 2 bệnh viện này đang "hụt hơi" trước cơ chế thí điểm này.

Bệnh viện K cũng gặp những khó khăn tương tự BV Bạch Mai

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã đề xuất xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Bệnh viện K là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân ung thư thì việc tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 cũng có những bất cập tương tự như Bệnh viện Bạch Mai.

"Trong thời gian tới, nếu Bệnh viện Bạch Mai được cho phép tự chủ theo Nghị định 60 và ở nhóm II thì Bệnh viện K cũng xin áp dụng như Bệnh viện Bạch Mai"- GS Quảng nói.

Theo GS Quảng, Nghị quyết 33 là Nghị quyết của Chính phủ có tính chất là thí điểm đề án và hiện nay mới có Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện thí điểm nhưng hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị quyết này thì đang được soạn thảo, chưa hoàn thiện.

Thời gian qua, việc tự chủ mua sắm trang thiết bị là một trở ngại khó khăn đối với bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện. Về vấn đề này, GS Quảng cho rằng đối với ngành y tế, việc có đầy đủ máy móc, thiết bị rất quan trọng trong công tác khám chữa bệnh. Hơn nữa, các máy móc, thiết bị phục vụ việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ung thư thường rất đắt tiền.

"Do vậy, bệnh viện sẽ khó khăn trong việc chủ động đầu tư máy móc, thiết bị này. Trong hai năm thực hiện việc thí điểm tự chủ toàn diện, Bệnh viện K chưa đầu tư được thiết bị mới nào"- ông Quảng nói.

Liên quan đến giá dịch vụ y tế, GS Lê Văn Quảng cho rằng: "Hiện nay, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ. Hơn nữa, giá dịch vụ theo yêu cầu phải theo khung giá nhưng đến nay khung giá cũng chưa được ban hành. Việc tính giá dịch vụ y tế phải theo quy định nên việc bệnh viện tự xây dựng giá là khó thực hiện và cần có cơ quan chức năng xây dựng, hướng dẫn cho bệnh viện".

Các bác sĩ Bệnh viện K tham gia điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Các bác sĩ Bệnh viện K tham gia điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

2 bệnh viện là "xương sống của bệnh viện công"

Tại hội nghị của ngành y tế do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 21.8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề nghị Bộ Y tế đánh giá lại việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công.

Hiện nay, chi phí giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, nghĩa là một số mức thu chi chưa được đưa vào. Vậy việc tự chủ có ảnh hưởng tới các bệnh viện không? Phải xây dựng lại định mức, xây dựng lại đơn giá… Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế chỉ đạo.

Thứ hai là đánh giá sắp xếp lại các bệnh viện công lập theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Nếu đơn vị nào tự chủ được 100% thì cho phép thực hiện tự chủ, nếu cơ sở nào tự chủ một phần (chi thường xuyên) thì thực hiện sắp xếp theo Nghị định 60, nếu không làm được thì dừng lại.

Theo Nghị quyết 33, Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai đã hoàn thành thí điểm tự chủ bệnh viện. Hai bệnh viện này có tiếp tục không hay quay trở lại tự chủ một phần? Đây là 2 bệnh viện là "xương sống của bệnh viện công", của ngành y tế, nếu để các bác sĩ đi sang hệ thống tư nhân thì chúng ta sẽ thất bại, trong khi một trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội chính là y tế.

Vì vậy, Bộ Y tế phải đánh giá lại và sắp xếp hợp lý. Nếu chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Nhà nước sẽ đầu tư trang thiết bị để phục vụ nhân dân. Đây là vấn đề Bộ Y tế cần phải khẳng định sớm, nếu muộn thì sẽ phải mất 3 năm nữa mới làm được, vì hiện nay Bộ Tài chính đang lập ngân sách cho năm 2023, tháng 10 tới sẽ trình Quốc hội. Khi đó, nếu vấn đề này không nằm trong dự toán ngân sách thì phải đến năm 2026 mới có thể bàn lại vấn đề này.

Liên quan vấn đề khắc phục tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc, thiết bị y tế, đầu tiên phải sửa Nghị định 98, Thông tư 14 của Bộ Y tế liên quan trang thiết bị và Thông tư 15 của Bộ Y tế liên quan đến thuốc. Nếu Bộ Y tế không làm được thì các cơ sở y tế không bao giờ có đủ trang thiết bị vật tư y tế tối thiểu phục vụ người dân.

"Tôi đề nghị Bộ Y tế và các cơ sở y tế, địa phương rà soát lại lần nữa, gửi về Bộ Tài chính để chúng tôi tiếp thu và đưa vào sửa đổi Thông tư 58. Thông tư 58 là hướng dẫn chung, chúng tôi sẽ sửa thông tư này sớm"- Bộ trưởng Bộ Tài chính nói.

Thùy Linh