Từng bay cao bay xa, nay các ‘ông lớn’ công nghệ Trung Quốc cũng cắt giảm chi phí
Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:55, 22/08/2022
Alibaba và Tencent thường thảo luận về sản phẩm, dịch vụ mới trong cuộc điện đàm với các nhà đầu tư. Song quý II họ đã phải chuyển hướng, lãnh đạo hai công ty tập trung vào một thứ kém hào nhoáng hơn: tiết kiệm chi phí.
Alibaba gặp nhiều khó khăn về vĩ mô trong thời gian gần đây. (Ảnh: Getty Images) |
Từng liên tục phá kỷ lục doanh thu song những ngày tươi đẹp ấy không còn nữa. Alibaba lần đầu tiên gần như không tăng trưởng từ tháng 4 tới tháng 6, trong khi Tencent cũng lần đầu ghi nhận doanh thu sụt giảm trong cùng kỳ. Cả hai đều cảm nhận được hiệu ứng từ kinh tế giảm tốc do Covid-19 ở Trung Quốc, dẫn đến người dùng phải “thắt lưng buộc bụng”. Các quy định siết chặt trong ngành công nghệ cũng gây sức ép lên kết quả kinh doanh của họ.
Vì vậy, họ phải kỷ luật hơn trong chi tiêu. CEO Tencent Ma Huateng cho biết trong quý II, công ty đã tích cực rút khỏi các mảng kinh doanh không phải nòng cốt, tiết giảm chi phí tiếp thị và vận hành. Điều đó giúp doanh thu tăng bất chấp điều kiện thị trường khó khăn. Chủ tịch Tencent Martin Lau chia sẻ, hãng rút khỏi các mảng như giáo dục trực tuyến, thương mại điện tử, livestream game. Chi phí tiếp thị và bán hàng của tập đoàn đã giảm 21% so với một năm trước. Số nhân sự cũng giảm 5.000 so với quý I.
Theo Giám đốc chiến lược James Mitchell, các sáng kiến nói trên kết hợp với đầu tư vào lĩnh vực mới có thể giúp Tencent phục hồi tăng trưởng, ngay cả khi điều kiện vĩ mô vẫn như hiện tại.
Đối với Alibaba, công ty nhấn mạnh các biện pháp cắt giảm chi phí từ đầu năm và sẽ tiếp tục làm như vậy trong các quý tiếp theo.Giám đốc tài chính Toby Xu tiết lộ đã “thu hẹp lỗ” trong một số mảng kinh doanh chiến lược.
Alibaba và Tencent phải thuyết phục được nhà đầu tư rằng trong khi giảm chi phí, họ vẫn đầu tư cho tương lai. Winston Ma, trợ giảng Giáo sư Luật tại Đại học New York, nhận định: “Để quay lại con đường tăng trưởng doanh thu, tối ưu hóa chi phí là chưa đủ. Họ cần tìm ra động lực tăng trưởng mới”.
Alibaba tập trung đẩy mạnh kinh doanh điện toán đám mây, lĩnh vực mà lãnh đạo và các nhà đầu tư tin là đem lại lợi nhuận lớn hơn trong tương lai. Đám mây là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất của Alibaba xét theo doanh thu trong quý II.
Tencent nhắc đến tiềm năng quảng cáo trong tính năng video ngắn của ứng dụng WeChat. WeChat là ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc với hơn 1 tỷ người dùng.
Du Lam (Theo CNBC)