Trung Quốc tạo mưa nhân tạo để cứu cây trồng khỏi hạn hán
Đối ngoại - Ngày đăng : 15:25, 22/08/2022
Theo đó, mùa hè năm nay ở Trung Quốc là nóng nhất trong 61 năm. Hạn hán làm cạn kiệt một nửa các hồ chứa và dẫn đến mùa màng khô héo. Các nhà máy ở Tứ Xuyên đã phải đóng cửa để tiết kiệm điện cho các hộ gia đình. Nguyên nhân là nhu cầu sử dụng điều hòa không khí tăng mạnh, do nhiệt độ lên tới 45 độ C.
Bộ trưởng Nông nghiệp Trung Quốc Tang Renjian cho hay, 10 ngày tới là “thời kỳ phục hồi quan trọng” đối với vụ lúa ở miền nam nước này.
Trung Quốc tạo mưa nhân tạo để cứu cây trồng khỏi hạn hán. (Ảnh: Global Look Press) |
Theo AP, các nhà chức trách Trung Quốc sẽ hành động khẩn cấp để cứu vụ mùa thu hoạch, chiếm 75% sản lượng thu hoạch hàng năm của nước này, bằng cách gây mưa nhân tạo với sự hỗ trợ của hóa chất.
Trước đó, mực nước ở con sông dài nhất Trung Quốc, sông Dương Tử, đang ở mức thấp kỷ lục, khiến việc vận chuyển hàng hóa qua các đoạn đường thủy trọng yếu bị ngừng trệ. Mực nước tại hồ Bà Dương, hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, giảm 75%, mức thấp nhất kể từ năm 1951.
Hôm 20/8, Cơ quan Thời tiết quốc gia Trung Quốc đã phải ban hành thêm cảnh báo đỏ về đợt nắng nóng - cấp cảnh báo cao nhất trong hệ thống 3 cấp - cho khu vực phía nam. Đây là ngày thứ 9 liên tiếp có cảnh báo đỏ và là ngày thứ 31 liên tiếp cảnh báo nhiệt độ cao được đưa ra.
Theo Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc, trong tháng qua, một nửa diện tích nước này ghi nhận các mức nhiệt độ từ 35 độ C trở lên. Ngoài ra, hơn 200 trạm quan trắc quan sát được mức nhiệt cao kỷ lục, với nhiệt độ lên tới 45 độ C ở Bắc Đài, Trùng Khánh. Trung tâm dự báo cho biết, đợt nắng nóng này ít nhất sẽ kéo dài đến ngày 26/8.
Một báo cáo khoa học của Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng những đợt nắng nóng khắc nghiệt vốn xuất hiện theo chu kỳ 50 năm sẽ tấn công 5 năm một lần nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Ở mức tăng 4 độ C, điều này sẽ xảy ra gần như hàng năm.
“Thời tiết khắc nghiệt có những tác động khác nhau đối với các lĩnh vực khác nhau. Mỗi ngành nên có một hệ thống cảnh báo và dự báo sớm, đồng thời thực hiện các biện pháp thích hợp. Điều này cũng liên quan đến sự hợp tác giữa các ngành”, Li Zhao, nhà nghiên cứu rủi ro khí hậu tại Greenpeace East Asia ở Bắc Kinh cho biết.
“Trong khi đó, các quốc gia phải tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính càng sớm càng tốt”, chuyên gia này nói thêm.
Thanh Bình (lược dịch)