‘Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số’

Cuộc sống số - Ngày đăng : 15:23, 22/08/2022

Nhấn mạnh quan điểm mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần tạo thói quen cho người dân, doanh  nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến thông qua tuyên truyền, hướng dẫn.

Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số tại phiên họp thứ 3 của Ủy ban vào ngày 8/8.

‘Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số’
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ 3 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. (Ảnh: Phạm Hải)

Đánh giá cao những kết quả về chuyển đổi số song Thủ tướng nhận định, đây mới là kết quả bước đầu, còn nhiều vướng mắc cần giải quyết, nhiều việc phải làm. Để đạt được các mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết thiệt, thiết thực, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thống nhất một số quan điểm, định hướng khi chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất. Đổi mới công nghệ, đa dạng hóa thị trường, các chuỗi cung ứng, sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm để góp phần phục hồi, phát triển kinh tế xã hội.

Phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, càng khó khăn, thách thức càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh mọi tư duy cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu, cục bộ, sợ mất lợi ích, va chạm.

Liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương và mỗi cá nhân, tổ chức. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện và hiệu quả hơn. Tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp dùng các dịch vụ trực tuyến thông qua tuyên truyền, hướng dẫn. Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số.

Huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

“Việc chuyển đổi số được triển khai trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua  nở”; dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, từ đơn giản đến phức tạp và thực hiện một cách thực chất, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu nói đi đôi với làm, “không đánh trống bỏ dùi”, đặc biệt tránh mọi biểu hiện hình thức. Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng người dân sử dụng ít; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu (CSDL) thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông thấp. Các bộ, ngành, địa phương phải có cơ chế chia sẻ, dùng chung để khai thác hiệu quả dữ liệu và có nguồn lực để đầu tư tiếp.

Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi  trọng công tác truyền thông, tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thực chất và hiệu quả

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện từ nay đến hết năm 2022 và thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn nữa, quyết liệt chỉ đạo, tổ chức triển khai, tạo ra phong trào, bố trí nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong triển khai chuyển đổi số; khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ chuyển đổi số.

Đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm được phân công tại kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tại các phiên họp của Ủy ban, đặc biệt là 12 nhiệm vụ chưa hoàn thành và những nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tập trung chỉ đạo xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số thực chất, hiệu quả ở tất cả các cấp, các ngành, lĩnh vực.

Tập trung kết nối với các nền tảng dùng chung; xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và đẩy mạnh kết nối với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hình thành hệ thống thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ dựa trên dữ liệu thời gian thực, bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác.

Rà soát, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng và triển khai các giải pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thông tin, CSDL, tránh lộ lọt thông tin.

Đẩy mạnh số hóa, xây dựng CSDL phục vụ quản lý, khai thác, chỉ đạo, điều hành của địa phương và kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; cung cấp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

‘Mọi chính sách hướng đến người dân và phải có công dân số’
Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành phố chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022.

Lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế xã hội. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hơn để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số.

Các bộ, tỉnh còn được yêu cầu rà soát, đăng ký, phân bổ nguồn lực cho phát triển và triển khai các nền tảng số, đặc biệt là kinh phí cho năm 2023; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước…

Trong 27 nhiệm vụ cụ thể giao các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp thứ 2 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, có 15 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, 12 chưa hoàn thành. Một số chỉ tiêu trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022 có tỷ lệ hoàn thành còn thấp, cách khá xa mục tiêu cuối năm như tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 45,78%, mục tiêu là 80%; tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở là 3%, mục tiêu là 50%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số là 6%, mục tiêu là 30%.

Vân Anh