Hấp dẫn món gỏi khô bò ngon nức tiếng Sài Thành
Ẩm thực - Ngày đăng : 19:45, 21/08/2022
Thuở còn cắp sách tới trường ê a đánh vần vẽ chữ; mỗi trưa tan học, trước cổng trường, xe gỏi đu đủ của ông Ba lách cách đôi kéo gọi mời; và cứ thế, đám tiểu học túa ra cổng là xáp lại í ới, lao xao.
Những dĩa gỏi đu đủ khô bò hấp dẫn bao thực khách
Món gỏi đu đủ khô bò, món ăn vặt dễ tìm, dễ thấy ấy lại quá đỗi thân quen thuộc với người Sài Gòn. Có thể bất chợt bắt gặp xe gỏi khô bò từ bất kì nơi đâu, từ trong nhà ra phố thị, từ đường lớn vào hẽm nhỏ, nhưng nơi dễ tìm thấy nhất là trước cổng trường giờ tan học.
Thế nhưng nhắc tới món ngon, hấp dẫn này lại gợi nhớ dĩa gỏi khô bò sắc màu hấp dẫn của cô Sáu, món ăn vặt đi cùng khuyến cáo “thử là ghiền” mà cũng chưa bao giờ hết hấp dẫn đối với du khách, kể cả du khách phương xa: Á, Âu, Mỹ, Úc…
Mỹ Lệ, cháu gái cô Sáu nhanh tay chuẩn bị và giới thiệu thành phần món gỏi
Với thành phần chính là đu đủ bào nhuyễn
Ngoài ra còn rau thơm, đậu phộng, bánh gạo chiên phồng…
Không thể thiếu khô phổi bò được chế biến theo công thức riêng, góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của gỏi cô Sáu
Xe gỏi đu đủ cô Sáu vẫn thế, hơn 5 thập kỷ vẫn nằm khiêm tốn ngay góc tường đối diện công viên Lê Văn Tám. Món ngon đường phố với những dĩa gỏi nhiều màu sắc bắt mắt, ngon lành ấy đã làm nên thương hiệu “gỏi khô bò cô Sáu”, “gỏi đu đủ công viên Lê Văn Tám”, hay ngắn gọn hơn: “gỏi Hai Bà Trưng”…
Nguyên liệu chính đơn giản chỉ là đu đủ già vừa ươm, bào sợi nhuyễn, khô (phổi) bò, bánh gạo phồng tôm chiên giòn, cộng với đậu phộng, vài loại rau thơm, thêm thìa ớt xay nhuyễn với tỏi thơm nồng. Thoạt nhìn không có gì đặc biệt nhưng những hương vị ấy được hòa trộn trong một dĩa nhỏ đầy đủ hương hoa mỹ vị khiến bao thực khách dù đi xa vẫn lưu luyến tìm về.
"Theo tôi, ăn món này phải húp kèm thêm tí nước dùng mới đúng điệu”, ông Lành thích thú cho biết
Một khách quen người gốc Hà Thành vào Nam lập nghiệp và bén duyên cùng gỏi cô Sáu bấy lâu nay, ông Phạm Văn Lành nhận xét, theo giới thiệu của bạn bè, ban đầu ghé ăn thử thấy món này quá ngọt nhưng càng ăn lại càng nghiện, nhất là vị beo béo, bùi bùi của miếng khô phổi, nó đặc biệt hơn những nơi khác.
"Thưởng thức món này phải trộn đều tay, xong gắp đũa gỏi vừa phải, kèm thêm miếng khô vừa mềm lại béo, giòn sừn sựt… Ôi chao! Nó đã ghiền tận củ tỉ. Sợi gỏi giòn giòn, miếng khô lực sực cùng đậu phộng, bánh phồng dòn tan…", ông Lành tấm tắc.
Cô Mỹ nói, các dĩa gỏi được cô Sáu và nhỏ cháu chuẩn bị bên kia đường xong bưng qua đây chan thêm nước dùng để khỏi phải đổ ra ngoài sẽ trông dĩa gỏi ngon lành hơn
Nhanh tay chan nước dùng và tương ớt phục vụ khách
Nhưng làm nên hương vị chính của món gỏi phải kể đến thứ nước chấm mà thiếu nó, ắt hẳn đã không thành danh món “gỏi cô Sáu”.
Theo lời người em dâu thứ năm trong gia đình, cô Mỹ chia sẻ, nước chấm trộn gỏi phải được làm từ mắm nhĩ trộn với dấm vừa phải, thêm tí đường cùng vài loại gia vị vừa đủ, hòa thêm ít nước, đun sôi trên lửa liu riu… tiếc là bật mí tới đây, cô Mỹ lại tong tả chạy ra trải tấm lót mời khách ngồi làm tôi hụt mất “bí kíp”.
Đang mon men tìm cách học lóm bí quyết gia truyền cách làm nước tương trộn ớt thì luôn bị các thực khách ghé đến làm gián đoạn
Thấy tôi cứ lấn xấn sáp vô định “chôm” bí quyết gia truyền, cô Hai nhà ở Bình Triệu nheo mắt ghẹo: “Úi xời, gỏi bà Sáu có gì mà ngon cô ơi, nó chỉ khiến tui mỗi lần lên cơn ghiền là phải từ Bình Thạnh qua Q,7 đi làm, xong chiều về lại lặn lội bắt xe bus 2 – 3 chuyến ngược về Hai Bà Trưng, ăn xong lụi cụi bắt tiếp 2 bận xe bus nữa mới về tới nhà.
Cho rằng chính cái không khí nơi góc công viên đã hấp dẫn bao thực khách, cô Hai nói: “Không chỉ bởi gỏi ngon, khung cảnh còn hữu tình nên không quản ngại đường xa và trở thành khách quen hàng chục năm qua”
"Tôi có bà chị định cư ở Mỹ, trước đại dịch thỉnh thoảng về Sài Gòn thăm nhà. Vừa xuống sân bay chưa kịp về cất hành lí là bả đã kêu taxi chạy thẳng một mạch ra đây, gọi liền 2 dĩa ăn cho đỡ thèm. Mà nói nào hay, ngồi ở dưới gốc cây công viên thưởng thức món gỏi, nhìn dòng xe qua lại, gió thổi mát rượi, lại còn được ngắm nam thanh nữ tú dập dìu thì còn gì thú vị bằng", cô Hai thích thú chia sẻ.
Thiên hạ đồn rằng, gỏi cô Sáu gây nghiện, ăn hoài không ngán, rất ngon và chắc chắn nên thử. Hơn 50 năm, lời thiên hạ truyền xa tít mít trời Tây khiến nhiều khách nước ngoài qua Việt Nam làm việc hoặc đi du lịch phải ghé đến; và sẵn sàng ngồi bệt lê la dưới các gốc cây dọc vỉa hè trước công viên, để được thưởng thức dĩa gỏi danh bất hư truyền.
Oliver và Jasmine đến từ trời Tây tấm tắc khen món ăn vặt đất Sài Thành vô cùng kích thích vị giác lẫn khứu giác
Đến từ trời Âu xa xôi, đôi bạn trẻ Oliver và Jasmine, quốc tịch UK (Anh quốc) gật gù khen: "Là người nước ngoài, nhưng khi đến Việt Nam, tôi ăn được nước mắm, thậm chí là ăn cay giống người Việt. Đây là món gỏi ngon nhất mà tôi được ăn ở Sài Gòn, nó gây ấn tượng mạnh đến vị giác lẫn khứu giác".
“Tôi phải wow trước sự khéo léo của người Việt khi làm ra những sợi đu đủ đều và đẹp đến vậy. Quả thật là một trải nghiệm thú vị với tôi khi du lịch đến Việt Nam và đặc biệt nhất khi dừng chân tại mảnh đất Sài Gòn nhộn nhịp và kì thú này”, Oliver bộc bạch nói và không quên bập bẹ câu tiếng Việt: “Cám ơn Việt Nam”.
Thành phần dĩa gỏi tuy đơn giản nhưng kết hợp lại tạo nên sắc màu và hương vị hấp dẫn thực khách gần xa
Ngồi cạnh bên, cô bạn gái Jasmine tiếp lời, chuyến du lịch Sing – Mã – Thái từ hồi trước đại dịch: "Tụi này cũng đã thử món gỏi Thái khi dừng chân tại xứ sở chùa vàng, nhưng quá xá cay. Mặc dù tự tin rằng mình có thể ăn cay được, tuy nhiên cay quá sẽ mất ngon. Rất tiếc, cuối cùng tôi phải bỏ phí hơn nửa dĩa. Còn món gỏi ở đây thì tuyệt vời hơn, vị ngòn ngọt, độ cay vừa phải, đúng là ngon tuyệt, không chỗ nào chê".
Nhìn cô Sáu điệu nghệ bưng 2 khay gỏi xếp tầng hơn chục dĩa, phom phom băng qua đường, mấy ai nghĩ cô nay cũng đã xấp xỉ thất thập cổ lai hi rồi. Cô Sáu chia sẻ, hàng ngày tầm 10 giờ sáng là cô dọn hàng ra, đến hơn 7 - 8 giờ tối bán hết về nghỉ. Phụ bán ở đây cả chục người, cũng toàn chị em, con cháu trong nhà chộn rộn chạy tới chạy lui mới kịp phục vụ khách.
Cô Sáu gỏi bò, người tạo nên danh tiếng món ăn vặt hấp dẫn du khách gần xa
Cô Sáu nói, nhà đông người, mỗi người phụ một tay. Toàn bộ nguyên liệu làm gỏi đều một tay cô đi chợ xong đem về nhà chế biến, nấu nướng; chính vì vậy mà hương vị rất khác biệt, không lẫn vào đâu được. Những người ăn gỏi ở đây đa phần là mối ruột, có người ăn từ nhỏ đến giờ vài chục tuổi, có gia đình rồi vẫn thường xuyên ghé lại đây. Bà con Việt kiều và người nước ngoài ghé lại ăn cũng không ít.
Đối diện quầy gỏi, góc nhỏ nơi công viên Lê Văn Tám, cô Mỹ vô bịch sẵn nước dùng (nước tương) và tương ớt theo công thức riêng của gia đình
Nước tương vô bịch sẳn, kèm theo hộp gỏi bán cho khách đem về
Khách đến ăn, ngồi bệt dưới những gốc cây, lề đường trước công viên nơi có bóng mát. Chỗ ngồi kê bằng các tấm lót bằng nhựa mỏng hình vuông đặt trên bệ xi măng hay những chiếc ghế nhựa nhỏ.
Bộ đàm bên kia đường liên tục gọi qua, khi thì 5, lúc 10 dĩa rột rẹt không ngớt. Mỗi khi bưng gỏi cho khách phải chạy qua, chạy lại thường xuyên hai bên đường. Cảnh người mua, người bán buổi chiều về cũng nhộn nhịp không kém gì với những tiếng còi xe inh ỏi trên đường vào giờ tan tầm.
Trong khi chờ bưng gỏi từ bên kia đường sang, Trung Tuyến giới thiệu thành phần món gỏi và thị phạm cách dùng với 2 bạn đến từ xứ sở Kim Chi
Ngày cuối tuần rảnh rỗi, nhóm bạn sinh viên ĐH XH&NV sau một vòng tham quan, giới thiệu cảnh quan Sài Gòn, dừng chân thưởng thức món gỏi góc công viên Lê Văn Tám
Ngồi bệt dưới gốc cây sát bên tấm bạt che mưa - nắng, các bạn Việt – Hàn trẻ thích thú thưởng thức dĩa gỏi, truyện trò huyên thuyên, nói cười vui vẻ; tôi liền xán lại bắt chuyện làm quen.
Trung Tuyến hồ hởi cho hay, tranh thủ hôm nay cuối tuần không phải lên lớp, em và bạn cùng phòng chở hai anh bạn người bạn Hàn Quốc: Junhun và Mingun ra đây ăn thử món gỏi cho biết.
Junhun và Mingun không ngớt lời khen ngợi sau khi dùng thử
Minghun ngợi khen món ngon đường phố vô cùng hấp dẫn và cho rằng món này còn xuất sắc không thua kim chi xứ mình
Tôi hỏi vui Mingun, so với món kim chi xứ Hàn thì món gỏi ở đây, bạn thấy thế nào ?
Minghun cùng với kí hiệu ngón tay cái thumb-up, gật gù khen: “Thật tuyệt, so với hơn 200 món kim chi ở đất nước tôi thì có thể nói không thua chút nào. Nhất định tôi sẽ giới thiệu cùng bạn bè và người thân biết đến món này và chắc chắn sẽ quay lại đây thưởng thức món ngon vị lạ này nữa”.
Cánh tài xế xe ôm công nghệ cũng là mối quen của quán gỏi góc công viên
Thấy mọi người hào hứng với món gỏi, anh Minh chạy xe ôm công nghệ đứng sát bên góp lời, ngày nào tôi cũng ở đây đón khách, cứ tầm trưa trưa là ghé lại làm một dĩa, ăn riết rồi ghiền. Khách đến ăn gỏi, mình cũng ăn. Thế là có khách để mình chở đi luôn, một công đôi việc.
“Mà ăn gỏi cô Sáu một cách sành điệu nhất, theo tôi là phải húp hết nước mới đã", anh Minh nháy mắt dí dỏm nói.
Tạp chí du lịch TP.HCM sẽ giới thiệu đến bạn đọc chuyên mục “Món ngon đường phố” kể từ số này bạn nhé
Chiều dần buông, lác đác vài hạt mua Thu nhè nhẹ, thực khách sành ăn ghé lại nhộn nhịp, truyện trò huyên náo. Cô Mỹ nói, nghĩ coi, có hôm trời mưa trời gió vậy chứ khách tây, khách ta kéo đến nườm nượp; có lúc phải đội áo mưa, núp dưới những tán cây công viên ngồi ăn ngon lành, ngó mắc cưng ghê…
Còn bạn, thử nghĩ cảnh núp mưa ăn gỏi, quả là trải nghiệm cũng vô cùng thú vị, đúng không nào !