Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế: Nhiều vướng mắc nảy sinh sau 2 năm chống dịch
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:44, 21/08/2022
Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước. Đặc biệt, sau hơn 2 năm chống dịch Covid-19 đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
"Dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường, khó dự đoán; xuất hiện các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn làm số ca mắc có xu hướng gia tăng. Cùng với đó là sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết. Trong khi đó, nước ta cũng thường trực nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân...", Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân tiếp tục gia tăng
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được về tỷ lệ bao phủ BHYT, cải thiện tầm vóc người Việt, nâng cao tuổi thọ…, ngành y tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể là tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, bỏ việc, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, chậm sửa đổi, bổ sung hành lang pháp đặc biệt là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết…
Bên cạnh đó, tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối. Ngân sách nhà nước cho y tế và BHYT có tăng nhưng tổng chi chăm sóc sức khỏe bình quân theo đầu người vẫn thấp. Tỷ lệ chi tiền túi từ hộ gia đình vẫn ở mức cao (trên 40% tổng chi).
Theo WorldBank, chi phí từ tiền túi của người dân Việt Nam cho y tế vẫn tiếp tục gia tăng, kể từ năm 2010 (khoảng 37%), đến 2019 là gần 43% tổng chi cho dịch vụ y tế; cao thứ 3/11 ở khu vực Đông Nam Á (sau Myanmar khoảng 76%; Campuchia 64%); cao hơn trung bình chung của Thế giới (ở mức 18%).
Giá dịch vụ y tế cũng chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế. Việc thực hiện chính sách xã hội hóa, liên doanh, liên kết trong các bệnh viện công lập còn nhiều tồn tại, chưa có hành lang pháp lý cụ thể.
Theo Quyền Bộ trưởng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do ảnh hưởng của bối cảnh kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước, của những vấn đề đã tồn tại lâu dài của hệ thống y tế nhưng chưa được giải quyết triệt để, tác động của đại dịch Covid-19… Ngoài ra, tại một số đơn vị vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ thanh tra, kiểm tra…
Thời gian tới, ngành y tế tập trung giải quyết những tồn tại trước mắt như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công… Song song với đó là giải quyết các vấn đề mang tính lâu dài như hoàn thiện thể chế, chính sách; đổi mới tài chính y tế; đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở… Cụ thể, nâng cao chế độ chính sách đãi ngộ, điều chỉnh giá dịch vụ theo hướng tính đúng, tính đủ, giải quyết các vướng mắc trong xã hội hóa.
Đề nghị sớm tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu thầu
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đồng thời, sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%, Quyền Bộ trưởng cho biết.
Đồng thời, cho phép Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam… xây dựng, đề xuất phương án cụ thể của lộ trình tính giá dịch vụ.
Đa số ý kiến của các địa phương đều tập trung vào tình hình dịch bệnh, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng tính đủ, công tác đấu thầu mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế còn khó khăn…
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết một bộ phận cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ y tế có tâm lý hoang mang, lo sợ, không an tâm công tác do có nhiều bất cập hiện nay, nhất là công tác mua sắm thuốc, hóa chất vật tư y tế và trang thiết bị y tế. Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế có 111 viên chức y tế xin thôi việc (48 bác sĩ, 24 điều dưỡng, 15 kỹ thuật y, 24 nhân viên y tế khác) cũng gây ảnh hưởng đến các hoạt động của ngành.
Đại diện Bệnh viện Chợ rẫy cũng nêu nhiều khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị như yêu cầu báo cáo 3 báo giá khó thực hiện, giá kế hoạch là giá trong 12 tháng…
Về giá mua sắm, BV kiến nghị không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ giá hợp lý nhất dựa trên nhu cầu điều trị thực tế của từng cơ sở. Bên cạnh đó, cho phép bệnh viện hạng 1 trở lên được lựa chọn "thương hiệu" khi mua sắm các trang thiết bị phù hợp với mặt bệnh chuyên sâu. Lý do vì các thương hiệu lớn mới có máy kỹ năng tốt, thiết bị tốt phục vụ kỹ thuật chuyên sâu.
Với thuốc hiếm, đặc trị khó mua, BV đề nghị Bộ cho vào danh mục mua sắm tập trung hoặc cho phép mua sắm theo hình thức chỉ định thầu rút gọn…