Người dân TPHCM phấn khởi khi lô cốt án ngữ 6 năm trên đường Lê Lợi tháo dỡ
Xã hội - Ngày đăng : 13:30, 21/08/2022
Đường Lê Lợi dài khoảng 800m, từ nút giao với phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành đang trong giai đoạn hoàn trả mặt bằng sau khi bị rào chắn để phục vụ thi công dự án metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) suốt 6 năm qua.
Việc hoàn trả mặt bằng đường Lê Lợi được thực hiện dần từ đầu năm 2021. Trước đó nhiều năm, hàng loạt lô cốt án ngữ phần nào ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, làm mất vẻ mỹ quan đô thị.
Hiện tất cả rào chắn trước đây trên mặt đường Lê Lợi đã được tháo dỡ, chỉ còn hàng rào dã chiến để điều hướng giao thông.
"Chúng tôi được nhà thầu yêu cầu đẩy nhanh việc lát đá vỉa hè đường Lê Lợi để hoàn thành và bàn giao trước ngày 25/8. Đội của tôi có hơn 10 người chia ca làm việc liên tục mỗi ngày", ông Huy (giữa, công nhân lát đá vỉa hè) cho biết.
Cũng theo Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM, nhiều ngày qua các đơn vị thi công đã khẩn trương phá vỡ sàn tạm, cắt tường vây, gia cố nền đường, lắp ống thoát nước, bó vỉa hè và thu dọn vật liệu xây dựng trên công trường.
Dải phân cách trên đường Lê Lợi (đoạn gần giao lộ đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) đang được thi công bồn trồng hoa, cây cảnh.
"Việc thi công bồn trồng hoa sẽ hoàn tất trong vòng 2-3 ngày tới. Đội thi công 3 người của tôi được yêu cầu làm việc khẩn trương, thậm chí làm thêm vào giờ nghỉ trưa để sớm hoàn thành", anh Ngọc (công nhân thi công) nói.
Sáng 20/8, trên công trường đường Lê Lợi, công nhân tiếp tục dùng xe lu gia cố mặt đường nhựa vừa được thảm ngày hôm trước.
Mặt đường Lê Lợi cơ bản đã hoàn thành việc thảm nhựa. Sau tái lập, đường sẽ có 10 làn xe chạy (giống như ban đầu), vỉa hè khá thông thoáng.
Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM cho biết, sắp tới đường Lê Lợi tiếp tục được thi công một số phần việc liên quan đến cáp viễn thông và hệ thống chiếu sáng đô thị. Nhà thầu được yêu cầu đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện dải phân cách, lát đá vỉa hè, sau đó tổng vệ sinh và tiến hành bàn giao.
Một đoạn dãy phân cách trên đường Lê Lợi được trồng hoa kiểng tạo cảnh quan sau khi được tái lập.
"Đường Lê Lợi được tái lập không còn cảnh lô cốt án ngữ, người dân chúng tôi rất phấn khởi. Tôi đang vận động bà con sống ven đường sơn, sửa nhà cửa để tạo cảnh quan cho phố thị", ông Quang - tổ trưởng Tổ 103, Khu phố 6, phường Bến Thành, quận 1 - chia sẻ.
"Nhiều năm nay mặt tiền bị án ngữ khiến việc kinh doanh của gia đình không được như ý. Hy vọng sau khi đường Lê Lợi tái lập hoàn toàn thì tình hình sẽ được cải thiện", ông Thanh - chủ một cửa hiệu bán tranh trên đường Lê Lợi - cho biết.
Hiện có khá nhiều nhà mặt phố, cửa hàng, cửa hiệu trên đường Lê Lợi được sơn sửa, chỉnh trang.
Du khách nước ngoài đi dạo trên mặt đường Lê Lợi ở đoạn vừa được giải phóng lô cốt.
Dãy nhà mặt phố trên đường Lê Lợi bị ảnh hưởng công trình thi công nhiều năm, việc kinh doanh ế ẩm nên không thường xuyên được chỉnh trang, mang diện mạo nhếch nhác, xuống cấp.
Trước khi bị công trường tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) án ngữ, đường Lê Lợi là một trong những tuyến đường có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp, sầm uất bậc nhất TPHCM.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hiện đạt hơn 90% khối lượng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào năm 2023. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20km từ depot Long Bình (TP Thủ Đức) đến ga Bến Thành (quận 1, TPHCM). Đây cũng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên tại TPHCM.