Vua Gia Long bệnh gì trước lúc băng hà?

Dòng chảy - Ngày đăng : 11:30, 21/08/2022

… May là đến thời điểm này, chúng tôi được Tiến sĩ Trần Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I nhiệt tình khai nhỡn cho trước khi cánh cửa kho báu mở ra. Lại được cán bộ nghiệp vụ hướng dẫn cho cái cách để có thể tiếp cận chiêm quan những thứ cần tìm trong Châu bản Triều Nguyễn.

Và chúng tôi được tiếp cận với một số tư liệu quý từ đó hầu mong hình dung về bệnh trạng của Vua Gia Long.

Có lẽ cũng phải biên ra đây số lượng Châu bản Triều Nguyễn được thống kê vào năm 1959. Thời điểm bị coi là thương tích đầy mình vì những hao hụt mất mát rách nát.

Số châu bản hiện còn 611 tập, không bằng 1/5 của ngày trước (thống kê năm 1942- 1943 là 3.171 tập). Số còn lại trong tình trạng bị hư nát và mất tích trong thời kỳ tản cư (Mục lục châu bản... Tập I trg. XII. Thời Gia Long. NXB Văn hóa Thông tin).

Rồi từ thời điểm ấy, kế nhau những tao loạn, binh đao. Châu bản di dời từ Huế vào Sài Gòn. Rồi từ Sài Gòn lại lên Đà Lạt. Sau 1975 lại vòng về TP Hồ Chí Minh. Và đầu năm 1990 mới lại được chuyển ra Hà Nội. Không dám trưng lên con số Châu bản hiện đương lưu ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I ở phố Vũ Phạm Hàm Hà Nội để tránh đi những tiếc xót này khác…

May thay vẫn chưa đến nỗi nào…

Năm 2014, UNESCO đã xếp hạng Châu bản là Di sản nhân loại.

Buổi ấy, tôi may mắn được bắt đầu cảo thơm lần giở những tờ ngự phê của Vua Gia Long.

Nhờ Trung tâm có phương pháp làm mục lục châu bản theo phương pháp ghi chép phiếu chỉ, chỉnh đốn từng tờ một đã phát lộ cho hậu thế một tài liệu hết sức quý giá. Như góp phần giải mã Vua Gia Long đã mắc phải bệnh gì trước lúc băng hà.

Đó là tập số 5 (Gia Long V) trên bìa đề Ngự Dược Nhật Ký. Gồm 94 tờ. Những tờ này do Thái Y Viện trình trong khoảng một năm kể từ ngày 15 tháng Giêng cho đến ngày 15 tháng Chạp năm Gia Long thứ 18 (1819).

Với văn bản này, hậu thế biết được vua Gia Long băng hà ngày 18 tháng 12 năm 1819. Nhưng bệnh trạng của vua Gia Long là gì? Những ngự y nào đã trực tiếp bắt mạch kê đơn chữa bệnh cho nhà vua?

Thử lần giở...

Xuất xứ từ Thái Y Viện. Bài thuốc dùng cho vua Gia Long. Thể loại tấu (thượng tiến). Năm Kỷ Mão. Nhật ký Ngự dược (từ 15 tháng Giêng đến sau ngày 28 tháng Mạnh đông).

Ngày 15, sáng dùng thang Bát vị (8 vị thuốc đông y. Trong phạm vi bài báo này xin phép không biên cụ thể) có gia giảm. Ngày 20 bài thuốc bôi ngoài da.

Ngày 15 tháng Giêng năm Gia Long 18. Thái y Đoàn Đức Hoảng và Nguyễn Tiến Hậu xin kính dâng. Thang Bát vị có gia giảm uống vào buổi sáng. Thang Dị Công ( 9 vị thuốc Đông y) có thêm vị uống vào buổi chiều.

Ngày 20 tháng Giêng Gia Long 18. Thần Nguyễn Ngọc Huy xin kính dâng bài thuốc bôi ngoài da. Gồm bạch chỉ thạch cao. Bạch phàn. Thuốc bột dùng tay xoa bóp vào chỗ ngứa.

Ngày 20 tháng Giêng Gia Long 18. Thần Nguyễn Tiến Bảo xin kính dâng bài thuốc bôi ngoài da. Thuốc hòa với nước chè xanh bôi vào chỗ ngứa.

Ngày 2 tháng 2 Gia Long 18. Thần là Nguyễn Văn Thành ở phủ Hà Trung Thanh Hoa xin kính dâng bài thuốc Hồng Thăng (gồm 6 vị). Thuốc hòa với dầu thơm thoa vào chỗ mụn nhọt.

Ngày 10 tháng 2 Gia Long 18 Thái y Đoàn Đức Hoảng và Nguyễn Tiến Hậu lại dâng...

Chép đến đây, cứ nghĩ, có lẽ giới y học hiện đại sẽ căn cứ vào khí mạch của nhà vua qua những lần chẩn bệnh cùng những vị thuốc mà có thể biết được căn bệnh gốc dẫn đến việc tử vong của vua Gia Long?

Đầu tiên là sau Tết Thượng nguyên, nhà vua phát bệnh bằng triệu chứng mẩn ngứa. Có thể đó là khởi phát của một nội tạng nào đó bị tổn thương mà các quan ngự y thời ấy đã bỏ sót chỉ chữa ngọn chứ không trị gốc?

Hóa ra chả hề đơn giản!

20220817-102718-2928.jpg
Châu bản có Ngự phê ( bút tích) vua Gia Long

Chợt nhớ chuyên gia sử học Trần Kính Hòa, người từng được Ngô Đình Diệm năm 1959 tiến cử việc coi sóc nghiên cứu (và cả bảo quản) kho tàng Châu bản đã nhận xét khá bất ngờ như thế này.

Đối với các sử gia thế giới châu bản triều Nguyễn vẫn là bộ bí tịch không dễ dàng tham khảo được.

Lại mạo muội nghĩ đến nguyên lý của Đông y là vọng, văn, vấn, thiết (nhìn ngó sắc diện, nghe, hỏi, bắt mạch bệnh nhân để chẩn bệnh) nhưng các ngự y thời ấy có thể sợ phạm thượng hoặc kiêng cữ đã không dám nói thật, nói thẳng ra các triệu chứng căn bệnh của nhà vua! Thử coi kỹ, tất thảy tờ tấu của các quan Ngự y đều không có một chữ nào đề cập đến việc văn vấn vọng cả mà chỉ có thiết (chẩn mạch) thôi!

20220817-104732-8275.jpg
Vua Gia Long

Sắc diện vua ra sao? Hình hài cụ thể thế nào? Thất khiếu, ngũ khiếu ra làm sao? Từng có câu, Vạ tòng khẩu xuất nhưng trong Đông y, bệnh cũng tòng (từ) khẩu mà ra vậy! Bằng cớ là trăm ông thày lang ai cũng phải coi xét sắc rêu lưỡi của con bệnh để gia giảm thuốc thang. Nhưng những chi tiết tưởng như lặt vặt ấy cũng đã là phức tạp là bí mật quốc gia của thời ấy mất rồi!?

Rồi những Ngự y quan, không biết đóng ở chức gì nhưng đã tự dâng bài thuốc lên nhà vua(?). Chắc trong tâm trạng có bệnh phải vái tứ phương, nhà vua đã dễ dàng chuẩn y tất với mấy chữ ngự phê là Tri đạo liễu (đã biết, đã coi).

Xin dẫn ra đây các ông ngự y tên Nguyễn Ngọc Huy, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Tiến Hậu suốt gần một năm (từ 15 tháng Giêng đến 18 tháng Chạp) không biết tài y thuật đến đâu nhưng rất được nhà vua lẫn triều đình tin dùng và luôn được dâng các bài thuốc.

Ba vị ngự y này thân phận như thế nào? Có lẽ cũng là điều thú vị cho giới y học cùng là sử học tìm hiểu nghiên cứu thêm?

Ngày 15 tháng Giêng Gia Long 18, khởi đầu việc chữa bệnh cho Gia Long là ngự y Nguyễn Tiến Hậu dâng thuốc. Gần 1 năm chữa trị (không có tài liệu nào trong châu bản đề cập đến việc nhà vua bệnh tật tăng giảm thế nào) thì ngày 15 tháng 12 năm Gia Long 18 (trước thời điểm vua Gia Long mất 3 hôm, ngày 18-12) cũng ngự y Nguyễn Tiến Hậu dâng bài thuốc cuối cùng.

Có lẽ cũng biên ra đây bài thuốc cuối cùng ấy.

Ngự y chính viện Thái y thần Nguyễn Tiến Hậu xin kính trình rõ. Chúng thần xin dùng Thang Thất vị có gia giảm uống vào sớm tối để bổ thận khí và thanh thọ tỳ có gia giảm sắc uống buổi trưa để trợ tỳ âm.

Thang thất vị

Thục địa 2 đồng cân/ Hoài sơn 3 đồng cân/ du nhục 0,7 đồng cân/ phục linh ( 0,5 đồng cân/ nhục quế 0,3 đồng cân ngũ vị 0,1 đồng cân liên nhục 0,5 đồng cân/ thổ ty tử 0,3 đồng cân/ Nước một bát rưỡi sắc lấy 6 phần uống xa bữa ăn.

Tiếp được bản tấu đơn thuốc dâng lên nhà vua còn tỉnh táo ngự phê Nguyện như y ngôn, hoan hỉ hà hạn (Mong được như thày thuốc nói thì vui mừng biết chừng nào) - Châu bản. Gia Long tập số 5 tờ số 115.

Qua những cụm từ này, tất thảy việc thăm khám dâng thuốc cùng thể trạng bệnh tình của vua Gia Long toát lên vẻ bình thản bình thường như những lần chữa trị trước?

Nhưng với bài thuốc cuối cùng ấy, vua Gia Long vĩnh viễn về với tiên tổ!

Nhớ thêm lời than thở của GS Trần Kinh Hòa tiếc rằng những sử liệu quý báu Châu bản triều Nguyễn là bộ bí tịch không dễ dàng tham khảo được.

Vậy nên góp phần giải mã căn bệnh của vua Gia Long là điều thú vị.

Nhưng mà nan giải?

Châu bản là những văn kiện dùng vào việc quản lý hành chánh điều hành đất nước từ năm 1802 đến năm 1945 của 13 triều vua, từ Gia Long đến Bảo Đại. Châu bản, nghĩa đen là bản chữ son. Từ trào Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675- 1725) do kỵ húy mà chữ chu được gọi là châu. Chu là son. Châu bản là những bản tấu sớ đã được vua châu điểm hoặc châu phê, châu khuyên và châu mạt.

Điểm. Phê. Khuyên. Mạt là những động thái của vua thể hiện thái độ chấp thuận hay từ chối trước một bản tấu của các quan về một việc nào đó.

Văn bản (bản tấu) gửi lên vua thường bắt đầu bằng một chữ tấu. Vua đồng ý chấp thuận hết thì chấm một chấm son lên đầu chữ tấu. Động thái ấy gọi là châu điểm.

Nếu vua không đồng ý hoặc chỉ chấp thuận một phần nào hoặc cần thêm thông tin để quyết định việc thưởng phạt thì vua sẽ tự tay viết vào bản tấu gọi là châu phê.

Bản tấu ở dưới dâng lên về một danh sách về nhân sự hoặc vật phẩm nào đó để vua lựa chọn. Nếu vua đồng ý người hay vật phẩm nào đó thì vua dùng bút son khuyên một vòng tròn nhỏ trước tên người hoặc vật phẩm. Động thái ấy gọi là châu khuyên.

Cuối cùng, những bản tâu mà vua không đồng ý người và việc thì dùng bút son quệt lên tên người hoặc việc gọi là châu mạt hay châu cải. (Mạt nghĩa là bôi, xóa, gạch bỏ).