Giữ thói quen tự mua thuốc uống, nhiều người rước thêm bệnh

Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 12:00, 20/08/2022

Ngành y tế đã nhiều lần cảnh báo việc người dận tự mua thuốc uống khi bị bệnh sẽ có những nguy hại khôn lường, nhưng hiện nay vẫn có nhiều người vẫn giữ thói quen “tự làm bác sĩ” cho mình mỗi khi bị bệnh. Kết quả họ bị loét da toàn thân, chảy máu tiêu hóa....

Cứ bệnh là tự mua thuốc uống

Ông L.V.N (65 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh gút nhiều năm nay, nhưng thường xuyên tự mua và uống thuốc giảm đau, không có sự kê đơn hoặc hướng dẫn của bác sĩ. Ông cho biết mỗi lần uống thuốc thấy giảm đau nên rất tin tưởng.

chay-mau-tieu-hoa.jpg
Các bác sĩ đang nội soi dạ dày cho ông L.V.N. Ảnh: BVCC

Gần đây, ngoài sưng đau các khớp, ông N còn xuất hiện đau bụng vùng thượng vị, đại tiện phân đen, hoa mắt chóng mặt, đi lại không vững. Ông được gia đình đưa đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng mệt mỏi, da xanh niêm mạc nhợt, đại tiện phân đen, huyết sắc tố thấp.

Sau khi thăm khám và tiến hành nội soi dạ dày tá tráng, các bác sĩ kết luận, người bệnh bị chảy máu tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng ở người có tiền sử bệnh gút.

May mắn, sau hai ngày được truyền máu, dùng thuốc cầm máu, sức khỏe người bệnh đã ổn định, không có dấu hiệu chảy máu thêm, chỉ số huyết sắc tố ổn định.

lyell2.jpg
Da chị T.T.H lở loét, đen sạm sau khi tự mua thuốc đau bụng về uống. Ảnh: BVCC.

Cũng vì giữ thói quen tự mua thuốc uống, chị T.T.H (47 tuổi, ở phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường đã phải đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, ăn uống kém, đau rát nhiều vết loét người. Các bác sĩ chẩn đoán, chị bị hoại tử thượng bì (hội chứng Lyell) do dị ứng thuốc, suy thận cấp, viêm kết mạc hai mắt.

Nữ bệnh nhân được các y bác sĩ Khoa Da liễu bệnh viện điều trị bằng cách sử dụng kháng sinh, truyền dịch, chăm sóc tại chỗ vùng mắt, niêm mạc miệng, sinh dục và vùng da trợt loét, cân bằng nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ…

Sau khi sức khỏe ổn định, các vùng da tổn thương dần khô, nữ bệnh nhân thấy hối hận, kể rằng trước đây mỗi lần đau bụng chị thường tự mua thuốc về uống.

Giữa tháng 7, chị cũng thấy đau bụng nên nhờ người thân ra tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc về uống. Vừa uống thuốc được một lúc, chị H bị sốt, trên da chân tay, mặt… bắt đầu nổi ban đỏ. Sau đó, chị bị viêm kết mạc hai mắt, miệng và vùng sinh dục trợt loét nhiều, toàn thân nổi ban đỏ tím có bọng nước.

lyell1.jpg
Da lưng của chị T.T.H trước và sau khi điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Nguy hại khôn lường

Theo các bác sĩ ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, lâu nay mỗi khi bị bệnh rất nhiều người dân đã tự ra các nhà thuốc mua thuốc về uống. Ban đầu, các triệu chứng bệnh sẽ giảm hoặc khỏi bệnh thì ngưng uống thuốc nên tin và xem là chuyện bình thường. Tuy nhiên, họ không biết rằng, đây là thói quen tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe và tính mạng như hai trường hợp bệnh nhân trên.

Không chỉ vậy, việc tự ý sử dụng thuốc còn dẫn đến hậu quả nghiện thuốc. Tai hại càng tăng thêm khi người sử dụng thuốc không hiểu được sự tương tác giữa thuốc này với thuốc kia, sự tương tác giữa dược phẩm với thực phẩm, rượu bia... Đã có trường hợp một bệnh nhân uống thuốc Aspirin khi bụng đói, hậu quả là xuất huyết bao tử nếu cấp cứu không kịp dễ tử vong.

“Những dạng thuốc khác thường được người sử dụng tự ý mua dùng là các loại kem thoa da và lotion. Đừng nghĩ rằng thuốc bôi ngoài da là vô hại, bởi vì thuốc sẽ ngấm qua da và đi vào hệ tuần hoàn máu. Trong các loại kem thoa da và lotion có chứa rất nhiều hóa chất vốn là “bạn” ở da người này nhưng lại là “thù” ở da người khác”, các bác sĩ khuyến cáo.

Đồng tình với các ý kiến trên, BS.CKI. Bùi Nhung Hằng, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La cũng cho rằng, việc người dân tự ý uống thuốc trong thời gian dài sẽ dẫn đến những tác hại nghiêm trọng như loét dạ dày, tổn thương gan, suy giảm chức năng thận, cao huyết áp, rối loạn điều hòa hoạt động các cơ quan như loãng xương, hội chứng cushing do thuốc…

Ngoài ra, sử dụng thuốc giảm đau bừa bãi còn gây ra những phản ứng phụ như dị ứng, mẫn cảm, thậm chí là phản ứng phản vệ nguy hiểm có thể gây tử vong.

d1-11-.jpg
Các bác sĩ khuyến cáo, khi gặp các vấn đề về sức khỏe, người dân cần đi khám bác sỹ để được tư vấn, kê đơn thuốc phù hợp, tránh các tác dụng không mong muốn Ảnh minh họa.

Bác sĩ Hằng kể, mới đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La tiếp nhận nữ bệnh nhân 65 tuổi vào viện vì bị sốc phản vệ độ III.
Người nhà bệnh nhân cho biết bà bị đau thần kinh tọa nhiều năm.

Trước khi đến viện, bệnh nhân tự ra ngoài mua thuốc, chủ yếu là thuốc giảm đau, chia thành nhiều gói nhỏ về uống. Sau khi uống thuốc, bà bị khó thở, choáng váng, da toàn thân đỏ, mạch quay khó bắt, huyết áp không đo được. Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ và tiếp tục duy trì adrenalin.

Bác sĩ Hằng khuyến cáo, người dân không được tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ. Khi thấy bản thân có các dấu hiệu của bệnh, cần đi khám bệnh tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, tư vấn và điều trị đúng, tránh những hậu quả, biến chứng đáng tiếc mới đến viện thì đã muộn.

Vị bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, trước khi mua và sử dụng thuốc cần tìm hiểu kỹ nguồn gốc, hạn sử dụng, công dụng, cách dùng, liều dung ra sao mới được uống.

“Tốt nhất, khi bị bệnh, chúng ta cần tập thói quen đi khám bác sĩ để được hướng dẫn dùng thuốc. Chúng ta cũng cần nên giáo dục con cái về tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc, không uống thuốc theo kiểu truyền miệng hoặc uống thuốc theo đơn của người khác”, bác sĩ Hằng khuyên.

Phương Linh