Dân "nơm nớp" sợ khi sống trong nhà nứt toác cạnh metro ngầm Nhổn - ga HN
Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 20/08/2022
Từ ngày nhà ga S9 (tuyến đường sắt metro Nhổn - ga Hà Nội) đi ngầm, căn nhà của bà Nguyễn Thị Bích (53 tuổi) tại số 431 đường Kim Mã (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) bắt đầu sụt lún, nứt và nghiêng.
Kể từ 2019, mức độ ảnh hưởng ngày càng rõ rệt. Trong căn phòng dưới tầng hầm, tường nứt thành nhiều mảng to, cột trụ chính bong tróc và lộ hẳn lõi bê tông cốt thép. Gia đình không thể tiếp tục sử dụng căn phòng, buộc chuyển công năng thành nhà kho cất trữ đồ đạc.
Chủ nhà cho biết, chính quyền địa phương và nhà thầu dự án đã từng mời một đơn vị độc lập đánh giá tình trạng ngôi nhà, kết luận "mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng". Mỗi tuần, nhân viên kĩ thuật sẽ đến đo độ nứt của ngôi nhà thông qua thiết bị quan trắc.
"Căn nhà có xu hướng nghiêng và tựa vào nhà bên cạnh. Chúng tôi đã nhiều lần nộp đơn cầu cứu, tham gia nhiều cuộc họp với các bên liên quan, nhưng đến nay, mọi việc vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm", chủ hộ nói.
Tuy bên nhà thầu từng đưa ra giải pháp bồi thường, nhưng gia đình bà Bích đánh giá mức đền bù chưa thỏa đáng. "Kết cấu căn nhà bị ảnh hưởng lớn, chúng tôi sợ đêm đang ngủ nhỡ may nhà sập thì không biết kêu cứu ai", chủ hộ cho hay.
Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chính quyền địa phương nhận được 2 đơn thư phản ánh của các hộ gia đình tại số nhà 431 và 433 đường Kim Mã.
Theo vị lãnh đạo, ngay khi tiếp nhận đơn thư, phường Ngọc Khánh đã mời chủ đầu tư, nhà thầu, bên giám sát dự án xuống hiện trường khảo sát, đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc đo hiện tượng sụt lún, nứt,… đối với những công trình nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng.
"Dự án đường sắt metro Nhổn - ga Hà Nội có một đoạn đi qua địa bàn phường Ngọc Khánh gây ảnh hưởng các công trình liền kề. Trong đó, căn nhà số 431 Kim Mã bị nghiêm trọng nhất. Một số trường hợp khác chưa đến mức nặng nề đã tự khắc phục hoặc phối hợp với nhà thầu tìm phương án xử lý", đại diện phường Ngọc Khánh thông tin.
Trong khi đó, căn nhà số 15 ngõ 51 phố Quốc Tử Giám (phường Văn Chương, quận Đống Đa) gần ga ngầm S11 của ông Lê Hữu Đa (81 tuổi) cũng bị nghiêng và nứt trầm trọng.
Để tránh sập, ông Đa tự bỏ ra 2 triệu đồng làm khung sắt "chống nạng" tạm cho ngôi nhà.
Theo chủ nhà, căn nhà 1,5 tầng được xây dựng từ năm 1994. Trước khi dự án đường sắt đi vào hoạt động, nhà thầu và chủ đầu tư đã đến khảo sát, chụp ảnh hiện trạng căn nhà.
"Khi dự án bắt đầu, tường nhà xuất hiện những vết nứt nhỏ. Theo thời gian, vết nứt càng to, tạo thành những kẻ hở vài centimet. Tôi cảm giác run sợ ngay trong chính căn nhà của mình", ông Đa nhớ lại.
Tháng 4/2021, chủ dự án hỗ trợ vợ chồng ông Đa mỗi tháng 5 triệu đồng thuê chỗ ở mới. Nhưng chỉ được 5 tháng là dừng, gia đình quay trở lại cuộc sống "nơm nớp" lo lắng trong căn nhà có thể bị "sập" bất cứ lúc nào.
Mỗi lần vào bếp hay đi qua cầu thang nứt lên tầng phơi quần áo, ông Đa chỉ sợ gạch vữa rơi trúng đầu. "Mọi sinh hoạt đều nhanh nhanh chóng chóng", ông nói.
5 người con của ông từng nhiều lần bày tỏ mong muốn thuê cho bố mẹ căn nhà mới để đảm bảo an toàn, nhưng bà Chu Thị Thắm (vợ ông Đa) không đồng ý.
"Vợ tôi bị ốm nặng, muốn ở lại căn nhà này vì gần bệnh viện, cũng mong chờ xử lý tình trạng xuống cấp sớm. Nhưng bà ấy đã vừa mới qua đời, không thể chờ được nữa…", ông Đa buồn rầu.
Người đàn ông 81 tuổi đã nhiều lần làm đơn "kêu cứu". Cách đây 2 tháng, các cơ quan, ban ngành tổ chức cuộc họp tại nhà ông, nhưng chưa đưa ra kết luận chính thức, chỉ đưa ra kết luận: "Nghi do việc xây dựng nhà văn hóa bên cạnh".
"Tôi có nguyện vọng được chính quyền địa phương quan tâm, tìm cách hỗ trợ và chấm dứt tình cảnh này", ông Đa nói.
Đứng trước căn nhà vừa được sửa chữa để kiên cố hơn, bà Nguyễn Thị Quỳ (90 tuổi) cho hay, các ngôi nhà cạnh công trình ga ngầm S11 trong ngõ 51 Quốc Tử Giám đều được chủ dự án đóng cọc đo độ lún.
Bà Quỳ chỉ cho phóng viên điểm đóng cọc đo độ lún, tỏ ra chán nản vì biết đến bao giờ người dân mới thôi phải "kêu cứu".
Trao đổi với PV Dân Trí, lãnh đạo UBND phường Văn Chương (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, ngày 13/7, phường nhận được đơn phản ánh của gia đình ông Lê Hữu Đa và bà Chu Thị Thắm. Trong đơn, ông Đa viết "gia đình bất an, lo lắng vì căn nhà tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn, trực tiếp đe dọa tính mạng và tài sản".
Ngày 15/7, UBND phường Văn Chương đã có văn bản gửi Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội về việc phối hợp xem xét nội dung ý kiến của gia đình ông Đa liên quan công tác thi công thực hiện dự án metro Nhổn - ga Hà Nội.
Đầu tháng 8, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã gửi văn bản đến Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng quận Đống Đa. Theo nội dung, nhà thầu đã có đơn thư xác nhận "các thiệt hại đối với gia đình ông Lê Hữu Đa không phải do nhà thầu gây ra".
Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km.
Dự án đang triển khai thi công 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và gói thầu tư vấn chung thực hiện dự án.
Dự án này được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Hiện tại, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt 74,36%, trong đó tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,1%.
Do gia hạn thời gian thực hiện và bổ sung các chi phí nên Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết sẽ đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án là 34.532 tỷ đồng, tăng thêm gần 5.000 tỷ đồng.