45 năm EU-ASEAN: Thêm thấu hiểu, thêm gắn kết

Đối ngoại - Ngày đăng : 07:31, 20/08/2022

Năm nay đánh dấu cột mốc 45 năm thiết lập quan hệ giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU). Nỗ lực thúc đẩy quan hệ và sẵn sàng thấu hiểu nhau là các yếu tố quan trọng giúp hai khối hàng đầu khu vực Á-Âu này ngày càng gắn kết.
45 năm EU-ASEAN: Thêm thấu hiểu, thêm gắn kết
Trong 45 năm qua, ASEAN và EU bất chấp những khác biệt để đạt được sự thấu hiểu. (Nguồn: Euraxess)

Theo các chuyên gia, mối quan hệ ASEAN-EU trong 45 năm qua đã thật sự trưởng thành và có nhiều bước tiến quan trọng.

Thẳng thắn và cởi mở

Bà Shada Islam, Cố vấn chính sách cấp cao của Trung tâm chính sách châu Âu (EPC), đồng thời là giảng viên môn quan hệ Á-Âu tại Đại học châu Âu (Ba Lan), nhận định ASEAN và EU đã bất chấp những khác biệt để đạt được sự thấu hiểu sâu sắc.

Chuyên gia chỉ ra rằng giờ đây, ASEAN và EU thường xuyên trao đổi trực tiếp với nhau mọi vấn đề. Đó là điều rất khác so với quá khứ.

Theo bà Islam, sự thấu hiểu mà đôi bên có được hiện nay đòi hỏi "độ chín" nhất định trong quan hệ và sự nỗ lực thúc đẩy từ một số nhân tố chủ chốt. Vị chuyên gia này cho rằng đã có một sự thay đổi nền tảng trong cách nhìn nhận của cả hai khu vực về nhau, đặc biệt trong 15 năm trở lại đây.

“EU đã khiêm tốn hơn, sẵn sàng hơn trong việc chấp nhận sự khác biệt của thế giới, trong khi ASEAN đã tự tin hơn với vị thế địa chính trị của mình. Hai bên đã không còn do dự khi trao đổi về những khác biệt”, bà Islam nói.

Bà Federica Mogherini, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, đánh giá các diễn đàn khu vực và các cuộc gặp song phương giữa các bộ trưởng đã góp phần tăng cường mối quan hệ giữa ASEAN và EU.

Bà Mogherini nhấn mạnh: "Tôi đã sử dụng tất cả các cuộc gặp đó để thúc đẩy quan hệ nhiều nhất có thể, nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa EU và ASEAN".

Theo nguyên Phó Chủ tịch EC, hai khối đã trở thành những đối tác cùng nhau vượt qua các thách thức nhờ sự thẳng thắn và cởi mở. Sự cởi mở này sẽ là nền tảng tốt cho một tình bạn và quan hệ đối tác thực sự.

“Chúng tôi đã tích cực để hai bên lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau và cố gắng vượt qua trở ngại. Với một chút sáng tạo, tôi nghĩ chúng tôi đã vượt qua được nhiều khó khăn trên chặng đường đã qua”, bà Mogherini nói.

Sự tham gia của giới trẻ

Đưa thanh thiếu niên tham gia vào các cuộc thảo luận toàn cầu là một trong những mục tiêu chung của cả hai khối, qua đó giúp cung cấp các nền tảng để những người trẻ tuổi có thể trao đổi ý kiến ​​về các vấn đề ảnh hưởng đến tương lai của họ.

ASEAN đã mở rộng cơ hội cho thanh niên tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và phát triển cộng đồng thông qua nhiều chương trình, diễn đàn như Đối thoại thanh niên ASEAN, Diễn đàn Thanh niên ASEAN (AYF) và Hội thảo Hành động vì khí hậu của Thanh niên ASEAN (ASEANYouCAN) được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Môi trường lần thứ 16 (AMME).

Trong khi đó, EU cũng thành lập Ban thanh thiếu niên (YSB) gồm 25 thanh niên từ khắp nơi trên thế giới, tạo nền tảng cho các nhà lãnh đạo tương lai đề xuất ý tưởng, đưa ra giải pháp, tác động vào chương trình nghị sự của liên minh về những vấn đề xã hội quan trọng mà quốc gia họ đang phải đối mặt.

Ông Benjie Allen Aquino đến từ Philippines chia sẻ, việc trở thành thành viên của YSB đã giúp ông nâng cao tinh thần trách nhiệm nhằm đảm bảo các vấn đề được giải quyết thông qua phản hồi.

“Tôi nghĩ rằng nhiệm vụ đối với chúng tôi, các thành viên của YSB, không chỉ là làm cho tiếng nói cá nhân được lắng nghe, mà còn hướng sự quan tâm đến phản hồi và trải nghiệm của những lĩnh vực ít được chú ý”, ông Aquino nói.

45 năm EU-ASEAN: Thêm thấu hiểu, thêm gắn kết
Hội thảo Hành động vì khí hậu của Thanh niên ASEAN (ASEANYouCAN) năm 2021 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: AMME)

Ủng hộ những ý tưởng tăng cường sự đóng góp của thanh niên, bà Rosario Manalo, Hiệu trưởng Đại học Phụ nữ Philippines, cho rằng các diễn đàn như vậy giúp định hình các nhà ngoại giao tương lai, tạo điều kiện học hỏi từ các thế hệ cũ và chia sẻ ý tưởng của thế hệ mới.

Bà Mogherini cũng kỳ vọng vào những thanh niên tham gia các chương trình của EU-ASEAN: “Tôi rất vui mừng khi thấy các nhà lãnh đạo trẻ của chúng ta liên kết và cùng nhau suy nghĩ về chương trình nghị sự của hiện tại và tương lai”.

Đồng quan điểm, ông Senja Mulia, nhà sáng lập Chương trình ASEAN Youth Organization đến từ Indonesia, chỉ ra rằng việc xây dựng cầu nối giữa thanh niên là cần thiết, nhằm ươm mầm các nhà hoạch định tương lai.

“Chúng tôi kết nối những người trẻ từ những hoàn cảnh khác nhau. Họ thảo luận, xây dựng các mối quan hệ gắn kết và tiến tới một tình bạn tốt đẹp. Cuối cùng, họ sẽ trở thành những nhà hoạch định tương lai”, ông Mulia nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Aquino, giao lưu giữa các thế hệ và giữa các nền văn hóa sẽ nâng cao vị thế của thanh niên trong quá trình ra quyết định.

“Tôi hy vọng rằng trẻ tuổi sẽ được xem như một lợi thế thay vì một điểm trừ. Tuổi trẻ đầy sức mạnh và lý tưởng. Tôi hy vọng rằng điều này sẽ trở thành một xu hướng và trở thành thông lệ được chấp nhận nhiều hơn ở ASEAN và EU”, ông Aquino bày tỏ.

Mở rộng cơ hội giáo dục

Một thành quả khác của quan hệ đối tác ASEAN-EU là tạo ra các cơ hội cho giáo dục, tác động rộng rãi đến các cá nhân và tổ chức.

Theo ông Mulia, những cơ hội giáo dục này lấp đầy khoảng trống đang có, bởi Đông Nam Á từ lâu đã gặp khó khăn trong đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp: “Kiến thức học ở trường không phù hợp với thị trường việc làm hiện tại. Việc cung cấp nền tảng cho sinh viên tốt nghiệp có thể thắt chặt mối quan hệ trong ASEAN”.

Trao đổi chuyên môn và giáo dục giữa EU và ASEAN có thể tăng cường hơn nữa mối quan hệ song phương dựa trên sự hiểu biết lẫn nhau.

Ông Mulia gợi ý rằng EU có thể cung cấp cho thanh niên ASEAN học bổng, các suất nghiên cứu sinh, các chương trình trao đổi hoặc thực tập, để học hỏi từ các chuyên gia và đối tác.

Ngược lại, người trẻ châu Âu cũng có thể đến quốc gia Đông Nam Á để tìm hiểu về văn hóa, trao đổi ý tưởng, kích thích tư duy, đóng góp cho mối quan hệ song phương bền vững hơn.

Giáo sư Tommy Koh, chuyên gia về luật quốc tế và là cựu Đại sứ Singapore tại Mỹ, đánh giá giới trẻ “khá công tâm”. Đây là điểm mạnh có thể được tận dụng và nâng cao qua giáo dục.

Theo vị chuyên gia này, hai bên nên cung cấp cơ hội du học, thực tập ở nước ngoài, tham dự các hội thảo, hội nghị do những người đi trước dày dặn kinh nghiệm tổ chức.

“Tôi mong chờ có thể nhìn thấy một thế hệ thanh niên mới ở EU và ASEAN, những người sẽ nhìn nhau bằng con mắt không định kiến, những người sẽ coi nhau như anh chị em bình đẳng”, cựu Đại sứ Singapore tại Mỹ bày tỏ kỳ vọng.

Lan Anh