Cùng con chào hè, chờ năm học mới

Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 18:55, 19/08/2022

Cùng con tạm biệt mùa hè, ôn luyện chuẩn bị cho năm học mới là điều phụ huynh nên làm để trẻ quen dần nhịp điệu trở lại.

Mấy tháng hè nhanh chóng qua đi, tháng 8 về đồng nghĩa trẻ cũng cận kề bước vào năm học mới trở lại. Bên cạnh những trẻ học miệt mài, không có hè cũng có không ít trẻ được cha mẹ để cho thoải mái vui chơi khiến trẻ chỉ muốn được… tiếp tục nghỉ.

Muôn mặt ngày hè của trẻ

Anh Vũ An (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) vừa qua tranh thủ con được nghỉ hè đã tận dụng những ngày phép trong năm làm một chuyến đi chơi “hoành tráng” cho cả gia đình. Anh chị cho hai bé về quê chơi cùng ông bà nội rồi kết hợp đi du lịch Hạ Long, Sapa một chuyến. Thời gian cả đi và về đến gần 10 ngày. Đồng nghiệp hỏi sao không sợ con mất buổi ôn hè, anh tự tin bảo: “Cả năm con mới được nghỉ hè một lần, bắt ép nó học hành nhiều quá mụ mị người ra. Nhà em chủ trương cứ cho con nghỉ ngơi thoải mái rồi vào học”.

z3640749119645_30252e1dc4dedcb037e24460edaf2d6d.jpg
Nhiều cha mẹ cho con đi chơi suốt hè, khám phá trên rừng dưới biển...

Tâm lý của anh An cũng là tâm lý chung của nhiều cha mẹ khác khi con bước vào nghỉ hè. Sợ con học nhiều quá căng thẳng, không ít cha mẹ sẵn lòng chiều ý cho con đi chơi “nghỉ xả hơi”. Nhà có điều kiện thì đi nước ngoài du lịch, nhà kém cạnh hơn thì đi trong nước, nhà nào điều kiện và thời gian không cho phép thì cũng thoải mái với việc cho con đi xem phim, đi công viên… Suốt thời gian nghỉ hè, ai cũng cố gắng để con được vui chơi thoải mái nhất có thể.

Bên cạnh những cha mẹ cho con vui chơi thư giãn ngày hè cũng có không ít cha mẹ tranh thủ thời gian này để con học thêm nhiều lớp ôn luyện khác. Nhiều nhà, cha mẹ còn ra sức ép con tham gia kín lịch học vì nhiều nỗi sợ: người sợ con mang tâm lý ỷ lại hè rồi…sinh lười, người sợ con thua bạn bè, người tranh thủ giúp con ôn lại kiến thức còn kém... Với những bé mải mê học hè, ngày hè nghỉ ngơi trở thành xa xỉ. Chuyện bắt nhịp vào năm học với các bé không khó về mặt kiến thức nhưng về kỹ năng xã hội, độ nhanh nhạy, tinh thần thoải mái, các bé có thể chậm hơn những bé được cha mẹ đưa đi nhiều, cho giao tiếp nhiều.

Vì sao trẻ ngại đi học lại?

Hè là thời điểm bé trông đợi nhiều nhất – hơn cả những ngày tết vì thời gian được nghỉ lâu hơn, bé không phải đến trường lại được cha mẹ đưa đi chơi nhiều nơi để bù đắp cho cả năm học vất vả. Chính vì vậy mà tâm lý trẻ con, bé nào cũng mong mau được nghỉ hè kể cả khi năm học còn chưa kết thức.

shutterstock_414630163-scaled.jpg
Nhiều cha mẹ đã bắt đầu hướng trẻ chuẩn bị tâm thế để trở lại cho năm học mới.

Nhiều cha mẹ thương con, nhất là khi báo chí gióng lên hồi chuông cảnh báo trẻ hiện nay không được vui chơi nhiều, chỉ miệt mài “chạy show” học hè, đã tìm cách cho con nghỉ ngơi thư giãn nhiều hơn, giúp bé thoải mái đầu óc. Những chuyến du lịch ngắn ngày đến dài ngày, chuyến ghé thăm họ hàng hay đơn giản chỉ là ở nhà chơi đùa cùng các bạn, xem phim hoạt hình không gò bó thời gian, buổi tối được vui chơi thay vì ngồi vào bàn học như trước… Tất cả những hoạt động mang tính nghỉ ngơi dưới sự đồng ý của cha mẹ khiến trẻ thích thú và ngày hè càng trở thành những ngày tuyệt vời hơn hết. Cũng chính bởi bé quen việc vui chơi thoải mái nên các thứ tự thời gian biểu hầu như bị đảo lộn: không phải dậy sớm đến lớp, không phải thức khuya học bài và làm bài tập, cha mẹ cũng không bắt ép học bài. Tâm lý bé khá thoải mái bởi bé không còn phải sợ nếu không làm bài tập sẽ bị cô gọi lên kiểm tra trên lớp. Những ngày tuyệt vời nhanh chóng qua đi, đến ngày đi học trở lại bé sinh ra ngại, chây ì cũng là điều dễ hiểu.

Cùng con bước vào năm học

Để tránh việc trẻ khó bắt nhịp học trở lại sau nghỉ hè, phụ huynh nên cho trẻ vui chơi kết hợp với ôn luyện bài vở. Phụ huynh nên kết hợp khéo léo cả hai hoạt động cho trẻ. Để trẻ vui chơi nhưng không xao lãng nhiệm vụ đến lớp. Một tháng trước khi bước vào năm học mới cần giúp trẻ ôn luyện lại bài cũ, lập lại thời gian biểu và nghiêm chỉnh thực hiện. Giai đoạn vào đầu năm học được ví như bước đệm tạo đà cho cả năm học. Chính vì vậy, nếu trẻ lười, chán học, không muốn đến lớp ngay từ đầu sẽ khó có động lực để đạt kết quả tốt trong năm học. Cha mẹ cần tranh thủ nhanh chóng giúp trẻ bắt nhịp với lịch học trở lại để trẻ không bị hẫng hụt, mất cân bằng khi vào năm học.

istockphoto-1305763083-170667a.jpg
Việc động viên, khuyến khích từ cha mẹ là điều rất cần cho trẻ trước thềm năm học.

Dành thời gian giúp con ôn luyện:

Nên nhớ, trẻ bắt nhịp học trở lại lâu hay mau phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của cha mẹ. Thường xuyên nhắc nhở con nhiệm vụ học tập và cùng con học bài. Dần dần, trẻ sẽ vào nếp. Cha mẹ hãy ngồi vào bàn học cùng trẻ. Ban đầu có thể thời gian bé ngồi học chưa nhiều nhưng cần kiên trì từ từ lấy lại nhịp độ cho bé. Mẹ hãy giao bài tập cho bé làm, kiểm tra và giảng giải cho bé.

Tập thể dục:

Cha mẹ nên cho trẻ vận động cơ thể bằng những bài tập thể dục buổi sáng để giúp trẻ hưng phấn hơn, năng động hơn. Trước khi trẻ đi học trở lại, cha mẹ có thể gọi trẻ dậy cùng đi bộ, chạy bộ vào sáng sớm, chơi bóng hoặc làm những bài tập nhẹ nhàng. Tập dần hàng ngày sẽ giúp trẻ hình thành thói quen tốt, rất hữu ích khi trẻ bước vào học tập.

Xây dựng thời gian biểu:

Ăn ngủ đúng giờ, giờ học và thức dậy. Cần hạn chế trẻ chơi game, xem ti-vi… Cha mẹ hãy giúp con nhận thức được thời gian hè đã hết, con cần trở lại thời khóa biểu của việc lên lớp. Nên nhắc trẻ ngủ sớm, không cho xem ti-vi quá khuya.

Cho trẻ gặp bạn bè:

Có thể là bạn bè cùng lớp trẻ hay bạn bè quanh nhà của trẻ. Nói trẻ mời bạn đến nhà chơi hoặc gọi điện trò chuyện với bạn. Khi gặp bạn bè, trẻ con có nhiều chuyện để nói cùng nhau và trẻ sẽ thích đi học trở lại hơn.

Tìm niềm vui cho con đến lớp:

istock-586379824_custom-741b39cd56655a0f4bbd70245b26576c774b4049-s1100-c50.jpg
Tìm cách để trẻ thấy niềm vui của việc gặp lại cô và bè bạn sẽ khiến trẻ hào hứng với việc đến lớp trở lại.

Lấy gương những trẻ gương mẫu, chăm học và trao đổi nhẹ nhàng với trẻ. Hãy khuyến khích trẻ bằng những lời động viên như: “Bạn đã bao tập vở và học bài lại rồi. Con có muốn cùng mẹ đi nhà sách mua dụng cụ không?”, “Nghỉ hè này, lên lớp có bao nhiêu chuyện khoe với bạn con nhỉ!”… Hãy tạo thêm những động lực, niềm vui để trẻ bắt tay vào việc chuẩn bị và sẵn sàng đến lớp.

Thủy Nguyên