Ham 'bánh vẽ' việc nhẹ lương nghìn USD và những cuộc trốn chạy thoát thân
Xã hội - Ngày đăng : 20:30, 19/08/2022
Sự việc 40 người nghi chạy trốn khỏi casino ở Campuchia về Việt Nam tại huyện An Phú (tỉnh An Giang) ghi nhận đêm 18/8 đang khiến nhiều người "ngã ngửa", đặt câu hỏi về thực hiện thỏa thuận không đúng khi sang làm việc ở nước bạn?.
Lời kể nhân chứng
Theo nhân chứng Q. (19 tuổi, quê Quảng Nam) vừa được cứu về từ Campuchia cách đây chưa đầy 2 tháng, những người lừa thanh niên Việt Nam sang nước bạn làm việc có nhiều cách. Phổ biến nhất là họ đưa ra nhiều công việc nhẹ nhàng, yêu cầu chỉ cần biết máy tính cơ bản nhưng với mức lương trên 1.000 USD/ tháng.
Lướt qua nhiều trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, vào các nhóm việc làm Campuchia, nhiều lời mời giới thiệu công việc hấp dẫn như: Nhân viên làm game (sale marketing), nhân viên nhân sự, biết máy tính, lương khởi điểm rao với 1.000 USD. Những tài khoản đăng tải tuyển dụng này hầu hết là tài khoản ảo.
Những đối tượng này nhắm thẳng vào các thanh niên vùng quê, vì ở đây nhiều người muốn thay đổi cuộc sống từ câu chuyện ra nước ngoài làm việc.
Kiểu "lật kèo", muốn thoát phải chuộc?
Khi “con mồi” cắn câu sẽ được đưa đến TP.HCM để làm hộ chiếu. Từ đây, các cửa khẩu dọc biên giới Việt – Cam sẽ là nơi được chọn để chuyển người, một trong cửa khẩu được ưa chuộng là Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh).
Sang đất Campuchia, những thanh niên Việt Nam sẽ được đưa đến nhiều tỉnh khác nhau với các công việc tương ứng. Theo Q., đến nước bạn, môi giới sẽ bán “con mồi” vào các công ty với giá khoảng 2.000-3.000 USD. Công việc của các thanh niên tại đây sẽ vào các game cờ bạc, giả làm gái, nhắn tin làm quen, ve vãn nam giới ở Việt Nam.
Sau 2-3 ngày, khi “con mồi” đã bắt đầu cắn câu, tài khoản giả gái của các thanh niên này sẽ được cài đặt nhiều video một cô gái khỏa thân, đưa cho các nam giới Việt Nam xem miễn phí. Sau thời gian trò chuyện, các “con mồi” sẽ đồng loạt nạp tiền chơi game để tiếp tục vừa đánh bạc vừa xem.
Một số người sẽ được bán vào công ty lừa đảo trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada hoặc sòng casino, công việc của họ là làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý.
Nếu muốn về Việt Nam, người bị lừa phải đưa tiền chuộc từ 90 triệu và có thể lên đến gần 200 triệu đồng.
Trốn chạy
Từ đầu năm đến nay, rất nhiều vụ được báo chí đăng tải, mới nhất vừa xảy ra ngày hôm qua (18/8), khoảng 9h45, 40 người (35 nam, 5 nữ) nhập cảnh trái phép vào Việt Nam qua cửa khẩu Long Bình (huyện An Phú).
Những người này khai họ trốn khỏi một casino thuộc ấp Chrey Thum (xã Sampeou Poun, huyện Kaoh Thom, tỉnh Kandal, Campuchia), rồi bơi qua sông Bình Di nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.
Qua khai thác nhanh, họ khai xuất cảnh trái phép sang Campuchia và làm việc tại một casino. Công việc của họ là làm game online và lên các trang mạng xã hội theo sự chỉ đạo của quản lý casino.
Do làm việc quá thời gian quy định, không được nghỉ ngơi và không được trả lương, họ bàn cách vượt biên về Việt Nam. Lợi dụng sự sơ hở của bảo vệ casino, họ đồng loạt chạy ra cổng Casino và bơi qua sông Bình Ghi để nhập cảnh vào Việt Nam.
Hay những vụ việc bị lừa như vào ngày 5/4, anh N.V.P. (SN 1995, trú phường Hải Thành, TP Đồng Hới, Quảng Bình), đã bị một nữ nhân viên massage tên Linh lừa bán sang Campuchia.
Linh hẹn anh P. bắt xe khách vào TP.HCM, sau đó đến tỉnh Long An chơi. Họ cùng ăn nhậu với 5 người bạn của Linh. Sau đó, nhóm này đã trói tay, khống chế anh P. Hai nam giới trong nhóm đã chở anh P. vượt biên qua Campuchia trong đêm theo đường mòn bằng xe máy rồi bán cho một cơ sở.
Đến cuối tháng 5, người lao động trong cùng cơ sở anh P. làm việc đã tổ chức phản đối, đình công. Nhờ đó, nhiều người chạy thoát ra ngoài và được cơ quan chức năng Campuchia phát hiện, bắt giữ, trục xuất về Việt Nam.
Cảnh báo khẩn
Vừa qua, Bộ Công an đã phát cảnh báo bẫy lừa 'việc nhẹ, lương cao' ở Campuchia. Theo Bộ Công an, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia làm việc chủ yếu trong độ tuổi từ 18 -35 tuổi, thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội (zalo, facebook...) hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu sang Campuchia làm việc nhẹ nhàng, lương cao.
Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị tuyển vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... trên không gian mạng; bị cưỡng ép lao động từ 12-16 tiếng/ngày, không cho ra khỏi cơ sở, bị bán sang các chủ sử dụng lao động khác hoặc bắt gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc mới cho về nước với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác nhau.
Các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của công dân Việt Nam tập trung chủ yếu tại Campuchia ở các khu vực: Ba Vẹt - tỉnh Svayrieng; Banteay Meanchey - tỉnh Poipet; TP Sihanoukville - tỉnh Preah Sihanouk, Chrey Thom - tỉnh Kandal và TP Phnompenh.
Đối tượng cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc, có sự tham gia, giúp sức của các đối tượng người Việt hiện đang hoạt động tại Campuchia.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại Campuchia.
Bộ Công an cũng đưa ra cảnh báo, người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao, không mất chi phí đi lại... của các đối tượng trên mạng xã hội. Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thật kỹ về địa danh, địa điểm nơi mình định đến làm việc, đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc tại đó như thế nào.
Khi phát hiện thông tin về các đối tượng, đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo, mua bán người, cần thông báo cho người thân, gia đình và kịp thời trình báo cho cơ quan công an để cơ quan chức năng kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn, điều tra, xử lý.