'Đáng sợ là điều dưỡng nghỉ việc nhưng không tuyển được người mới'
Tin Y tế - Ngày đăng : 10:05, 19/08/2022
Sinh viên không còn mặn mà với ngành điều dưỡng
Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đang đào tạo 6 nghề, trong đó có một nghề trọng điểm cấp độ khu vực Asean là điều dưỡng và 3 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia là: dược, kỹ thuật phục hồi chức năng và kỹ thuật xét nghiệm y học. Tuy nhiên, số lượng sinh viên đầu vào của trường vẫn rất thấp chỉ đạt 50-60% công suất đào tạo.
Theo lý giải của đại diện Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc tuyển sinh ngành điều dưỡng gặp nhiều khó khăn là do thu nhập của điều dưỡng tại các cơ sở y tế công lập hiện rất thấp. Không những thế, áp lực công việc lớn, phải trực đêm vất vả nên nhiều sinh viên không còn mặn mà với ngành điều dưỡng.
Cũng theo khảo sát, 100% sinh viên ngành điều dưỡng ra trường đều có việc làm. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên ra trường lại chọn làm việc ở các phòng khám đa khoa tư nhân, các cơ sở làm đẹp hoặc một số cơ sở y tế tư nhân ở TPHCM. Nguyên nhân là do làm việc tại những nơi này thu nhập cao hơn, không bị quá nhiều áp lực, vất vả như làm việc tại các bệnh viện công lập.
Ngoài Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh còn có 2 trường đại học, cao đẳng tư thục cũng tuyển sinh, đào tạo chuyên ngành điều dưỡng gồm: Trường đại học Công nghệ Đồng Nai và Trường cao đẳng Lê Quý Đôn. Tuy nhiên, việc tuyển sinh điều dưỡng, hộ sinh cũng rất trầy trật.
Những điều trên, càng khiến các bệnh viện “khó càng thêm khó” khi đối mặt làn sóng y bác sĩ nghỉ việc nhưng không tuyển được người thay thế. Như tại trung tâm y tế huyện Vĩnh Cửu, khoảng 2-3 năm gần đây trung tâm cũng rất khó tuyển điều dưỡng và hộ sinh, mặc dù chỉ tiêu năm 2022 được tuyển trên 30 điều dưỡng nhưng thực tế chỉ nhận được lác đác vài hồ sơ.
Điều dưỡng chạy như con thoi nhưng chỉ sống bằng lương
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS.BS.CKII Phạm Văn Dũng – Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất Đồng Nai cho biết: Hiện tại ngoài bác sĩ nghỉ việc, điều đáng sợ là điều dưỡng nghỉ việc nhưng không tuyển được người mới.
Theo lý giải của ông Dũng, bản chất của điều dưỡng là không làm bên ngoài được mà chỉ sống bằng đồng lương ở bệnh viện. Trong khi thực tế công việc của điều dưỡng phải gắn bó rất nhiều với bệnh nhân. “Đây là đối tượng chủ chốt chăm sóc bệnh nhân và đây cũng là vấn đề chính khiến chúng tôi lo lắng vì bác sĩ còn làm thêm bên ngoài để kiếm thêm thu nhập được còn điều dưỡng chỉ làm ở bệnh viện sống nhờ lương” – ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng còn lo lắng, điều dưỡng làm kỳ cựu ở bệnh viện, có đủ bản lĩnh kinh nghiệm thì các bệnh viện tư ở bên ngoài rất cần nên họ cũng bị kéo đi, khiến y tế công lập “mất đơn, mất kép” cả bác sĩ và điều dưỡng… “Bây giờ tuyển sinh điều dưỡng cũng khó vì phụ huynh ít cho con em theo ngành điều dưỡng vì phải học hành vất vả mà ra trường thì lương rất thấp” – ông Dũng nói.
Theo một ThS.BS CKI từng có nhiều năm làm quản lý một bệnh viện công chuyên về nhi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chia sẻ: “Điều dưỡng, đặc biệt là điều dưỡng hồi sức sơ sinh, để đào tạo được, thực hiện thủ thuật nhỏ trên sơ sinh vô cùng quý giá và khó kiếm, để đào tạo được một điều dưỡng như vậy mất rất nhiều thời gian nên khi họ nghỉ việc đều rất đáng tiếc”. Trong khi đó, hiện nay liên hệ với các trường y cũng không tuyển được nguồn điều dưỡng, hộ sinh vì rất ít và rất thiếu. “Điều dưỡng luôn chạy như con thoi để chăm sóc bệnh nhân, từ vệ sinh, lấy mẫu, giải thích trấn an người bệnh, hướng dẫn dinh dưỡng…” - người này chia sẻ.
Công việc vất vả, nhưng thu nhập thấp. Như chị T - điều dưỡng Trưởng công tác tại một bệnh viện công tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai - cho biết, chị đã có 15 năm công tác nhưng mức thu nhập chỉ 9 triệu đồng/tháng. Còn đối với điều dưỡng mới ra trường ở khoa chị cũng chỉ đạt mức tổng thu nhập từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Theo đó, chị T cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận đầy đủ về vai trò, chức năng của điều dưỡng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ đó đưa ra những cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút, giữ chân điều dưỡng như giữ chân bác sĩ, thu hút bác sĩ. Chỉ khi đồng lương và thu nhập đảm bảo đời sống thì điều dưỡng mới có thể an tâm công tác, học sinh mới dám thi và học ngành điều dưỡng.
BS CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Đồng Nai cho biết: Do phải làm việc nhiều, áp lực cao mà thu nhập không đảm bảo đời sống nên dẫn đến tình trạng điều dưỡng lại tiếp tục xin nghỉ việc. Điều này tạo thành vòng xoáy luẩn quẩn khiến các bệnh viện công lập đã khó lại càng thêm khó.
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - cho biết: Tổng số cán bộ viên chức ngành y tế thôi việc, bỏ việc, chuyển việc từ năm 2021 đến nay là gần 500 người trên tổng số 9.264 người. Trong đó, riêng bác sĩ là 151 người/1.800 người. Điều dưỡng là 168 người, kỹ thuật viên y là 24 người, hộ sinh 24 người, dược 28 người, và nhân viên y tế các khác là 101 người. Do đó, trong dự thảo nghị quyết thu hút hỗ trợ cán bộ y tế sắp tới, Đồng Nai tập trung thu hút không chỉ bác sĩ, mà cả điều dưỡng, kỹ thuật viên nhân viên y tế khác.