Nhiều vụ ngộ độc rượu nhưng chưa phát hiện vi phạm kinh doanh bia rượu

Xã hội - Ngày đăng : 21:07, 18/08/2022

7 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp vi phạm.

Thời gian qua, tại TPHCM xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu với nhiều lý do khác nhau. Gần đây nhất, vụ ngộ độc tại một nhà hàng ở TP Thủ Đức khiến 2 người tử vong, 6 người trong tình trạng nguy kịch.

Tại buổi họp báo chiều 18/8, ông Lê Minh Hải, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho rằng, những vụ ngộ độc rượu dẫn đến chết người thời gian qua là sự cố rất nghiêm trọng. Qua xác minh, nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc, tử vong khi dùng thực phẩm không an toàn là dùng rượu không đảm bảo.

"Các sản phẩm đồ uống có cồn dẫn đến ngộ độc thường không có nguồn gốc rõ ràng, không truy xuất được nguồn gốc, không biết nơi kinh doanh. Cũng có trường hợp, người dân vô tình sử dụng cồn sát khuẩn pha cùng rượu, dẫn đến ngộ độc và tử vong", đại diện Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM phân tích.

Nhiều vụ ngộ độc rượu nhưng chưa phát hiện vi phạm kinh doanh bia rượu - 1

Ông Lê Minh Hải, Phó Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (Ảnh: H.Q.).

Vị này cũng khẳng định, việc kiểm tra an toàn thực phẩm được thực hiện thường xuyên, liên tục, không phải khi có sự cố mới thực hiện. Đối với đồ uống có cồn, ban triển khai rất nhiều kế hoạch kiểm tra định kỳ, chuyên đề dịp lễ, tết...

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM thông tin, trong 3 tháng cuối năm 2021, đơn vị này đã kiểm tra 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Trong đó, 2 cơ sở bị phạt gần 135 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn và thực hiện các biện pháp khắc phục vì có vi phạm trong kinh doanh, sản xuất bia, rượu.

Từ đầu năm đến hết tháng 7 vừa qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa ghi nhận trường hợp vi phạm.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM khuyến cáo, người dân nên sử dụng, mua đồ uống có cồn ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh đảm bảo điều kiện an toàn và được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, giám sát. Hiện tại, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc được cấp một số giấy chứng nhận khác liên quan.

Cơ quan này cũng nêu khó khăn, các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu, đồ uống có cồn nhỏ lẻ không thuộc diện cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo Nghị định 15/2018 của Chính phủ. Các cơ sở này ít đầu tư trang, thiết bị, nhà xưởng đáp ứng tiêu chuẩn hoặc chỉ đầu tư đối phó.

Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, một số cơ sở đóng cửa, hoạt động về đêm nhằm né tránh các đoàn kiểm tra. Một số cơ sở sau khi bị lập biên bản vi phạm đã đóng cửa, giải thể, chuyển địa điểm...

Q.Huy