Dấu hiệu trẻ sốt xuất huyết, tay chân miệng cần nhập viện

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:30, 18/08/2022

Sau khi đi khám, các trẻ mắc sốt xuất huyết hoặc tay chân miệng thể nhẹ sẽ được cho về nhà tự theo dõi và chăm sóc. Lúc này, phụ huynh sẽ cần chú ý nhiều hơn.

Vừa qua, Bộ Y tế đã có báo cáo ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tại Việt Nam năm nay có xu hướng tăng, thậm chí cao hơn gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, số ca mắc tay chân miệng, dù thấp hơn năm 2021, đang cho thấy xu hướng gia tăng.

Trong số này, trẻ em là nhóm đối tượng có nguy cơ cao và cần sự theo dõi sát sao từ bác sĩ cũng như gia đình. Đáng nói, việc theo dõi sức khỏe cho trẻ tại nhà cũng đặt ra nhiều áp lực cho phụ huynh.

Nhận diện dấu hiệu diễn biến nặng do sốt xuất huyết


Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), trong thời điểm dịch diễn biến phức tạp hiện nay, phụ huynh khi thấy con sốt cao liên tục trong 2-3 ngày kèm triệu chứng nôn, đau bụng, có chấm xuất huyết trên da cần nghĩ ngay đến sốt xuất huyết.

“Dù thể nặng hay nhẹ, cha mẹ cần cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm xác định có chắc chắn là sốt xuất huyết hay không, đồng thời chẩn đoán, chỉ định trường hợp nào cần nhập viện, trường hợp nào có thể điều trị tại nhà”, vị chuyên gia khuyến cáo.

Sau khi được thăm khám, với các bé được xác định mắc sốt xuất huyết và có thể điều trị tại nhà, vấn đề phụ huynh thường lo lắng nhất là trẻ sốt liên tục 39-40 độ C trong 1-3 ngày đầu.

sot-xuat-huyet-1.jpg

Trẻ mắc sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục trong 1-3 ngày đầu. Ảnh minh họa: kelly_sikkema.

Lúc này, bác sĩ Qui cho rằng gia đình có thể cho con sử dụng thuốc hạ sốt, đơn giản và an toàn nhất hiện nay là paracetamol.

“Cha mẹ nên cho trẻ uống paracetamol cách 4-6 tiếng khi các bé sốt trở lại. Giữa các cữ sốt cao, trẻ chắc chắn vẫn có tình trạng sốt ở mức độ vừa phải. Lúc này, việc làm hiệu quả nhất là lau mát cho trẻ bằng khăn ẩm, qua đó giúp phần nào giảm thân nhiệt cho các bé”, vị chuyên gia gợi ý.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh việc ăn uống, chế độ dinh dưỡng của trẻ trong thời gian mắc sốt xuất huyết thường rất kém. Các bé hay có cảm giác nhạt miệng, biếng ăn.

Do đó, bác sĩ Qui cho rằng cha mẹ lúc này không nên ép. Tuy nhiên, gia đình vẫn nên cố gắng để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho con thông qua đa dạng loại thực phẩm như cơm, cháo, bún, phở, bánh canh…

“Điều quan trọng khi lựa chọn các thực phẩm cho trẻ sốt xuất huyết là các món dễ tiêu, đồng thời tránh các thực phẩm có màu đỏ, đen”, ông nói thêm.

Nguyên nhân là trong trường hợp các bé có triệu chứng nôn, việc ăn những thực phẩm có màu đỏ, đen sẽ khiến cha mẹ khó phân biệt con nôn ra thức ăn hay máu do xuất huyết.

“Xuất huyết trong đường tiêu hóa là dấu hiệu nặng của bệnh. Việc đưa con đến cơ sở y tế nếu trẻ có biểu hiện này việc cần làm khẩn cấp”, bác sĩ Qui nhận định.

Ngoài xuất huyết, vị chuyên gia cũng cho biết một số dấu hiệu cảnh báo cha mẹ cần lưu tâm để phát hiện và cho trẻ nhập viện ngay.

Dấu hiệu đầu tiên là nôn nhiều. Cụ thể, bác sĩ Qui nêu ví dụ trong khoảng 30 phút hoặc một giờ, trẻ nôn tới 3 lần trở lên. Hay trong một buổi sáng, các bé nôn đến 5 lần. Đây là dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đến khám ngay để xác định có cần nhập viện hay không.

Một số triệu chứng nặng khác là trẻ kêu đau bụng ngày càng nhiều, đau vùng hạ sườn bên phải, quanh rốn; trẻ nôn ra máu, đi cầu phân đen; các bé hết sốt nhưng không chịu chơi, lờ đờ…

“Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo cần cẩn trọng trẻ đang bước vào giai đoạn nặng. Lúc này, phụ huynh cần cho con đi khám tại cơ sở y tế gần nhất”, bác sĩ Qui nhấn mạnh.

Kiên nhẫn với tay chân miệng


Tương tự sốt xuất huyết, bác sĩ Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết phụ huynh khi đưa trẻ mắc tay chân miệng tới khám sẽ được các bác sĩ dặn dò các yếu tố cần lưu ý khi theo dõi tại nhà.

“Các bệnh nhi mắc tay chân miệng thường sẽ có ban, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, khuỷu tay, chân. Một số bé thậm chí có loét miệng”, vị chuyên gia nói.

Lúc này, các bé sẽ rất đau miệng, từ đó biếng ăn. Lúc này, phụ huynh cần thông cảm cho con thay vì cố tìm giải pháp nhanh chóng giúp trẻ ăn.

sot-xuat-huyet-2.jpg

Phụ huynh nên kiên nhẫn với các bé mắc tay chân miệng. Ảnh minh họa: rex_pickar.

Bác sĩ Lưu chia sẻ: “Thông thường, trẻ mắc tay chân miệng sẽ sốt nhẹ hoặc cao trong ngày đầu tiên. Từ ngày thứ 2 đến 5, các bé sẽ bước sang giai đoạn bệnh diễn biến nặng và nguy hiểm. Bệnh sẽ thuyên giảm dần trong một tuần sau đó. Vết loét miệng cũng sẽ có trẻ khỏi nhanh chỉ sau 5-6 này. Tuy nhiên cũng có trường hợp bị kéo dài tới 7-10 ngày”.

Theo vị chuyên gia, khi trẻ loét miệng do mắc tay chân miệng, phụ huynh có thể cho con ăn các thực phẩm mềm, dễ tiêu, thậm chí các món mát, lạnh vừa để làm vết loét dễ chịu hơn.

“Cảm giác tê, mát sẽ giúp các bé thoải mái hơn, từ đó chịu ăn”, bác sĩ Lưu nói.

Bà lấy ví dụ phụ huynh có thể để sữa nguội với các bé còn nhỏ tuổi. Với các bé lớn hơn, chúng ta có thể cho con uống sữa tươi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.

Khác với sốt xuất huyết, trẻ mắc tay chân miệng không cần hạn chế đồ ăn màu đỏ, đen. Bác sĩ Lưu cho rằng tất cả thực phẩm bé có thể ăn trong thời gian này, phụ huynh có thể cân nhắc sử dụng.

“Dù vậy, khi đau, mệt mỏi, sức ăn của các bé sẽ không được như bình thường. Do đó, phụ huynh nên kiên nhẫn và bình tĩnh khi các bé bị loét miệng. Đây cũng không phải dấu hiệu bệnh diễn biến nặng”, vị chuyên gia nhận định.

Khi đi khám, các bác sĩ sẽ đánh giá tại thời điểm đó, diễn biến bệnh tay chân miệng ở trẻ như thế nào, em bé có nguy cơ diễn biến nặng hay không.

Dù vậy, phụ huynh cũng có thể quan sát một số dấu hiệu nặng ở trẻ mắc tay chân miệng trong giai đoạn từ ngày thứ 2 đến thứ 5 như sốt cao liên tục trên 39 độ C, uống hạ sốt và lau mát không hạ; đêm ngủ giật mình nhiều; nôn nhiều; rung tay chân, cầm đồ vật run; thở mệt…

Bác sĩ Lưu nhấn mạnh: “Bất cứ khi nào phụ huynh thấy con có những biểu hiện bất thường so với diễn biến trước đó hoặc sinh hoạt hàng ngày, cần đưa bé đến cơ sở y tế để được thăm khám, đánh giá và theo dõi tốt nhất”.