Bài 2: Lời cảnh tỉnh để ‘không dám, không muốn’ tham nhũng

Xã hội - Ngày đăng : 08:57, 18/08/2022

Những kết quả tích cực đạt được trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua được ví như hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe đối với các cá nhân, tổ chức để buộc họ phải thay đổi hành vi, nhận thức nếu không muốn bị “nhúng chàm” và phải trả giá.
Bài 2: Lời cảnh tỉnh, rung chuông: ‘Không dám, không muốn’ tham nhũng - Ảnh 1.

Nhiệm kỳ Đại hội XII: 8 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đương nhiệm bị kỷ luật

Kiên trì, liên tục, ‘không dừng’, ‘không nghỉ’

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong suốt thời gian qua đã được tiến hành với quyết tâm chính trị cao, hành động mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả; kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không dừng", "không nghỉ" ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương… đã mang lại những kết quả khả quan, từng bước ngăn chặn vấn nạn này.

Kết quả nổi bật là, qua công tác kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao, cả đương chức và đã nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, cán bộ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước.

Trong nhiệm kỳ khóa XII, Đảng đã thi hành kỷ luật 8 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có 2 Ủy viên Bộ Chính trị. Bên cạnh đó, Đảng cũng đã thi hành kỷ luật đối với nhiều quan chức cấp cao, tướng lĩnh lực lượng vũ trang.

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, công xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trực tiếp là công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh với tinh thần không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai; "đánh" tham nhũng được hiểu theo đúng nghĩa là "tắm từ đầu trở xuống".

Tính riêng trong năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 32 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 26 cán bộ liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 3.725 vụ/7.066 bị can (tăng 1.186 vụ/2.652 bị can so với năm 2020) về tội tham nhũng, lạm dụng chức vụ, kinh tế. Trong đó, riêng án tham nhũng, lạm dụng chức vụ đã khởi tố 390 vụ/1.011 bị can.

Đặc biệt, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Nổi bật như, ngày 1/10/2021, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Cảnh sát biển Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020; quyết định khai trừ Đảng với 2 thiếu tướng và cách toàn bộ chức vụ trong Đảng với 7 tướng lĩnh khác là tư lệnh, phó tư lệnh, chính ủy, phó chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam do suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Đây là vụ việc thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến khẳng định, việc thi thành kỷ luật những tướng lĩnh cấp cao trong quân đội - vốn được xem là khó triển khai, thực hiện do có nhiều đặc thù trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng cho thấy quyết tâm lớn của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tổng Bí thư với tinh thần "không có vùng cấm".

Tại phiên họp thứ 21, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực (ngày 21/1/2022) xác định, năm 2022, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng". Tiếp đó, ngày 6/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề cập đến nhiều nội dung mới, quan trọng nhằm tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó, nội dung đáng chú ý được nêu ra trong Kết luận số 12-KL/TW là "từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước". Đây là nội dung được cử tri và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, bày tỏ tin tưởng, kỳ vọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ phát triển lên tầm cao mới, là "gọng kìm" thứ hai tấn công trực diện vào "sân sau" của các nhóm lợi ích.

Việc đồng thời thực hiện hai "gọng kìm" ở cả khu vực công và khu vực ngoài Nhà nước, bảo đảm công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai toàn diện, hiệu quả hơn, tạo ra môi trường phát triển bình đẳng, lành mạnh, góp phần quan trọng để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng thực chất và hiệu quả.

Những diễn biến đáng chú ý trong "vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", "đưa hối lộ, nhận hối lộ", "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) các đơn vị, địa phương liên quan là dẫn chứng thực tế để chứng minh cho quan điểm, chủ trương "từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước" của Đảng.

Theo đó, quá trình điều tra, xác minh làm rõ, các cơ quan chức năng đã phát hiện những hành vi cấu kết giữa quan chức cấp cao với doanh nghiệp tư nhân để trục lợi ở diện rộng, trên phạm vi toàn quốc, trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh, một số lãnh đạo cấp vụ thuộc Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ, giám đốc CDC và các cán bộ y tế của một số địa phương...

Hiện nay, Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra các vụ án thuộc diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được xem là đánh vào "sân sau" của nhóm lợi ích như: "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và một số cơ quan liên quan, "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" ở Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh, "Vụ thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Tập đoàn FLC... Đây là những vụ án phản ánh những dấu hiệu về sự xuất hiện của mối liên hệ giữa "sân sau" và nhóm lợi ích" một cách tinh vi, phức tạp.

Bài 2: Lời cảnh tỉnh, rung chuông: ‘Không dám, không muốn’ tham nhũng - Ảnh 2.

Trịnh Văn Quyết bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán

Tại họp báo sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, trả lời các câu hỏi của báo chí về tiến độ điều tra các vụ án nêu trên, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an khẳng định, tất cả bị can trong vụ án Tân Hoàng Minh, FLC, Việt Á, Cục Lãnh sự đều xác định hành vi vi phạm pháp luật hiện hành, "có đặc điểm ở những bị can này là rất nhiều trong số họ là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo. Họ đã lợi dụng chính sách để trục lợi, lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm các quy định về đấu thầu, đưa hối lộ và nhận hối lộ".

Có thể khẳng định, việc xử lý, kỷ luật, thậm chí là khai trừ Đảng đối với những cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng là rất đáng buồn, nhưng buộc phải làm, nếu không muốn mất Đảng, mất chế độ.

Theo đó, những kết quả trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng thời gian qua được dư luận xã hội ví như hồi chuông cảnh báo, lời cảnh tỉnh, răn đe đối với các cá nhân, tổ chức để rồi buộc phải thay đổi, hành vi, nhận thức nếu không muốn phải trả giá khi "nhúng chàm". Đây cũng chính là mục tiêu, giá trị nhân văn mà công tác xây dựng Đảng nói chung, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng đặt ra và hướng đến.

Xây dựng văn hóa liêm chính ‘không dám, không muốn’ tham nhũng

Để xảy ra tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Nguyên nhân khách quan là bởi cơ chế kinh tế thị trường bên cạnh ưu điểm cũng bộc lộ một số nhược điểm. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt, sự chi phối của lợi ích vật chất làm cho người sản xuất, kinh doanh có xu hướng tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi giá, tìm cách hối lộ để tạo lợi thế trong kinh doanh. Trong xã hội, sự phân hóa giàu nghèo ngày càng rõ rệt, có những giá trị xã hội bị đảo lộn, kiếm nhiều tiền đôi lúc đã trở thành sức ép, làm xuất hiện tâm lý mọi việc đều có thể mua bán.

Đồng thời, mặt trái của nền kinh tế thị trường và sự phân cực giữa các giai tầng trong xã hội ngày càng sâu sắc làm cho giá trị đạo đức bị đảo lộn. Việc chạy theo sức mạnh của đồng tiền làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc. Có không ít tổ chức, cá nhân vì những mục tiêu riêng để tồn tại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt đã dùng mọi thủ đoạn, trong đó thủ đoạn hối lộ được sử dụng phổ biến nhất.

Chính sách pháp luật của chúng ta còn chưa đầy đủ, nhiều lĩnh vực còn thiếu đồng bộ. Việc xây dựng thể chế pháp luật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cũng như điều chỉnh kịp thời những vấn đề đang đặt ra trong quá trình phát triển. Việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương, phân biệt quản lý Nhà nước và quản lý sản xuất, kinh doanh có phần chưa rõ; sự quản lý, thanh tra, kiểm tra còn lỏng lẻo, yếu kém.

TIN LIÊN QUAN
  • Bài 1: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài

    Bài 1: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài

Về chủ quan, nguyên nhân và động cơ chủ yếu của tham nhũng là lòng tham của con người; phẩm chất đạo đức của một số cán bộ, đảng viên bị suy thoái; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Mọi hành vi tham nhũng dù dưới hình thức nào chăng nữa đều có thể quy về lợi ích cá nhân. Vì lợi ích cá nhân, người ta có thể làm tất cả, bất chấp mọi thủ đoạn, mọi hậu quả để đạt được dù hành vi đó là vi phạm đạo đức, pháp luật, hay vi phạm nghiêm trọng kỷ luật Đảng.

Ngoài ra, trước tác động của mặt trái của cơ chế thị trường, nhiều cán bộ, Đảng viên do không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đã có những hành vi phạm pháp, không giữ được đạo đức "cần, kiệm, liêm, chính". Không ít cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành, kể cả cán bộ lãnh đạo cao cấp, còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm.

Bên cạnh đó, chế độ chính sách, tiền lương còn thấp, chưa bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức đủ sống để "không cần tham nhũng". Hiện nay, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức thấp so với mức lương tối thiểu khu vực sản xuất, tư nhân. Hệ thống lương công vụ vẫn nặng tính bình quân, "cào bằng", nặng tính bằng cấp, chưa phù hợp với năng lực làm việc. Điều này khiến cho cán bộ, công chức "không đủ sống", từ đó dẫn đến việc hình thành hành vi tiêu cực, "tham nhũng vặt".

Không những vậy, tập quán văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng có rất nhiều điều kiện khiến tệ nạn tham nhũng nảy nở mà biểu hiện tập trung nhất là nạn quà cáp hối lộ. Chuyện biếu quà được coi là một nét văn hóa của người Việt Nam đã và đang bị lợi dụng để thực hiện hành vi tham nhũng.

Ở nguyên nhân này, môi trường làm việc là điều kiện khách quan ảnh hưởng đến sự suy thoái đạo đức. Hiện tượng đút lót, quà cáp để vụ lợi trong các cơ quan công quyền không phải là điều quá xa lạ và diễn ra ở hầu hết mọi nơi. Nguyên nhân này dần dần hình thành hiện tượng tham nhũng tập thể, khi có thanh tra, kiểm tra thì bao che lẫn nhau, dẫn đến việc khó khăn trong vấn đề phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, tâm lý, truyền thống văn hóa và trình độ nhận thức của một bộ phận người dân còn yếu kém với quan niệm "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" và nghĩ rằng đây là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất để giải quyết công việc.

Chính hành vi tâm lý và trình độ nhận thức này đã vô tình làm cho không ít cán bộ, nhân viên bị tham nhũng thụ động. Vô hình trung điều này tạo nên một cách suy nghĩ, một thói quen xấu trong cả cán bộ công chức và cả những người muốn dùng tiền để giải quyết công việc, dần dần hình thành nên "văn hóa phong bì".

Qua công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã giúp Đảng rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cả về lý luận, thực tiễn. Các vụ án đã được xử lý nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn, tài sản thu hồi lớn, và "cái được" lớn nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Nói cách khác, ý nghĩa và tác dụng to lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian qua chính là xây dựng văn hóa liêm chính "không dám, không muốn" tham nhũng; mỗi cán bộ, đảng viên sẽ biết lo sợ nếu rơi vào tham nhũng, từ đó sẽ tự bảo vệ mình, trực tiếp là việc điều chỉnh các hành vi, nhận thức để không đi vào vết xe đổ của những người đi trước.

Sự quyết liệt của Đảng và Nhà nước đã làm thoả mãn được mong muốn của người dân về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trực tiếp là chống tham nhũng, tiêu cực tới cùng, bất kể người đó là ai, chức vụ nào. Tuy nhiên, sự vui mừng của người dân, cũng chính là nỗi đau của Đảng, của hệ thống chính trị, nhưng xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xử lý tham nhũng là việc buộc phải làm.

Hải Liên

Bài 3: Kiên quyết quét sạch tham nhũng bằng nhiều cách, thiết thực, hiệu quả