“Ai phản ứng với áo dài nam thường không hiểu về áo dài”

Dòng chảy - Ngày đăng : 23:00, 17/08/2022

Xung quanh những tranh cãi về áo dài, lễ phục, quốc phục, họa sĩ Nguyễn Đức Bình – Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống - Đình làng Việt có cuộc trao đổi với phóng viên Lao Động.
“Ai phản ứng với áo dài nam thường không hiểu về áo dài”

Theo anh, vì sao đề tài về áo dài, lễ phục, quốc phục, thường gây tranh cãi?

Thời gian qua, theo dõi trên mạng xã hội tranh luận liên quan đến áo dài nam, những ý kiến phản đối áo dài nam thường thuộc về những người không hiểu gì về áo dài, nhiều người chê bai áo dài nam nhưng chưa từng mặc áo dài một lần (áo dài may đúng truyền thống).

Rất nhiều người luôn lầm tưởng rằng, áo dài chỉ để dành cho nữ, và rằng áo dài với thiết kế ôm người, tà dài lượt thượt, là áo truyền thống. Điều này hoàn toàn nhầm lẫn, đó là những áo dài hiện đại.

Lịch sử hình thành áo dài được bắt đầu từ áo dài dành cho nam (trước cả áo dành cho nữ), đó là áo ngũ thân (áo dài 5 thân) với chiều dài tà chỉ dưới đầu gối từ 5cm đến 7cm (với áo nữ được quy định dài hơn). Nói đến trang phục áo ngũ thân của nam giới không thể không nói tới chiếc khăn quấn đầu (còn gọi là khăn xếp).

Đến những năm 1930 của thế kỷ XX, họa sĩ Cát Tường bắt đầu cách tân chiếc áo dài ngũ thân nữ với phần vai bồng, cổ tròn... Đây là áo dài hiện đại. Sau họa sĩ Cát Tường có nhiều kiểu áo dài nữ ra đời. Cho đến thời điểm này, rất nhiều nhà thiết kế tham gia thiết kế áo dài. Tất cả những mẫu cách tân sau này chúng tôi gọi là áo dài hiện đại, không phải áo dài truyền thống.

Áo dài truyền thống là áo ngũ thân.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình (áo dài đỏ, giữa) cùng những người bạn, đồng nghiệp diện áo dài ngũ thân truyền thống. Ảnh: FBNV
Hình ảnh áo dài ngũ thân truyền thống dành cho nam. Ảnh: FBNV

Đã rất nhiều lần áo dài được đề xuất là lễ phục, quốc phục.Tuy nhiên, mọi đề án cuối cùng đều bỏ ngỏ. Theo anh, có cần một thiết kế quốc phục, lễ phục cho người Việt Nam?

Bộ Văn hóa  Thể thao và Du lịch từng làm Đề án Quốc phục, đến năm 2012 đề án này đổi thành Đề án Lễ phục Nhà nước để tìm kiếm bộ trang phục dành cho công chức, viên chức nhà nước mặc thực hiện các nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ ngoại giao.

Tôi từng công tác tại Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, từng giúp việc cho Đề án Lễ phục Nhà nước năm 2012-2014 – tôi rất hiểu sự phức tạp xoay quanh quốc phục, lễ phục.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo khoa học ở 3 miền Bắc – Trung – Nam để lấy ý kiến góp ý của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nhà thiết kế để thực hiện xây dựng đề án.

Quốc phục phải là một biểu tượng văn hóa, cần có hành lang pháp lý quy định tiêu chí chọn lựa, quy chuẩn cũng như quy định sử dụng và cả quy định cấp nào được phê duyệt công nhận.

Đề án Lễ phục Nhà nước sẽ thực hiện đơn giản hơn, đó là trang phục chỉ dành cho các công chức, viên chức nhà nước sử dụng. Trong quá trình xây dựng Đề án Lễ phục Nhà nước, nhiều ý kiến của các học giả, nhà quản lý đề xuất sử dụng áo dài truyền thống làm bộ lễ phục dành cho nam, song hành cùng với áo dài nữ hiện đại.

Thế nhưng dường như chưa có ý kiến nào đưa ra hình ảnh, gọi tên áo ngũ thân trong lịch sử để chứng minh được chiếc áo dài nam đủ đẹp, đủ đặc sắc để trở thành lễ phục và xa hơn là quốc phục.

Phần lớn đều nêu hình ảnh áo dài nam đã bị may sai, may theo kiểu sân khấu, luộm thuộm… Vì lẽ đó, sức thuyết phục của các ý kiến chưa cao.

Thêm một khía cạnh khác cũng phải bàn đến là, những mẫu thiết kế lễ phục dành cho nam gửi đến đều không đủ chất lượng lựa chọn, khá nhiều mẫu thiết kế trang phục cách tân từ áo dài lại đi quá xa tinh thần và bản sắc Việt, thiên về thời trang trình diễn hơn là trang phục dành cho lễ phục. Chính vì lẽ đó Hội đồng không lựa chọn được mẫu trang phục nào để công bố sử dụng.

Họa sĩ Nguyễn Đức Bình. Ảnh: FBNV
Họa sĩ Nguyễn Đức Bình. Ảnh: FBNV

Lễ phục hay quốc phục – phải là những trang phục được số đông người dân yêu thích và sẵn lòng mặc mỗi dịp trọng đại. Phải chăng, việc gửi gắm được thông điệp văn hóa, niềm tự hào dân tộc sẽ là điều khó nhất khi thiết kế lễ phục, quốc phục?

Cũng rất khó để trao cho chiếc áo quá nhiều sứ mệnh. Điều quan trọng nhất là, tự thân mỗi người phải ý thức được sự trân trọng dành cho văn hóa và tính bản sắc dân tộc.

Khi sang Hàn Quốc, tôi rất ngạc nhiên trước cách họ quản lý, phát triển, gìn giữ trang phục hanbok.

Không phải người Hàn nào cũng hay mặc và thích mặc hanbok. Nhưng họ đã biến hanbok trở thành một biểu tượng văn hóa của Hàn Quốc. Họ có rất nhiều cách thức để truyền cảm hứng, để xây dựng hanbok thành bản sắc, thương hiệu riêng.

Với áo dài cũng cần một hành lang pháp lý, cần sự vào cuộc của nhà nước để có cơ chế bảo tồn, phát huy hết vẻ đẹp, giá trị của áo dài như thế.

Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, trong khi áo dài cho nữ được yêu mến, áo dài cho nam lại có số phận long đong hơn. Ảnh: FBNV
Theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình, trong khi áo dài cho nữ được yêu mến, áo dài cho nam lại có số phận long đong hơn. Ảnh: FBNV

Như tôi biết, gần nhất trong đề án thương hiệu quốc gia của Việt Nam không thấy có áo dài.

Trong khi, tôi nhìn thấy tiềm năng rất lớn của áo dài. Nhiều bạn trẻ đi du học Mỹ, Nhật, Hàn... nhờ chúng tôi tư vấn, hỗ trợ may áo dài ngũ thân làm hành trang du học của họ.

Khi xã hội càng phát triển, càng hội nhập, thì việc khẳng định bản sắc là điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với một cá nhân, đối với một quốc gia.

Vậy điều kiện cần để có một bộ lễ phục, hay cụ thể hơn, để áo dài trở thành lễ phục nhà nước là gì, theo anh?

Cần sự tham gia quản lý của các bộ ban ngành, của nhà nước. Áo dài xứng đáng có vị trí riêng, xứng đáng là một thương hiệu về văn hóa của người Việt.

Chiếc áo dài đã được sáng tạo ra và được định hình trong mấy thế kỷ để phù hợp với phong tục tập quán, khí hậu của Việt Nam, các trang phục của các quốc gia khác cũng vậy, cho nên ý kiến cho rằng sử dụng áo dài không phù hợp là thiếu khoa học.

Cứ làm một phép thử, cho 2 người đàn ông, một mặc veston, một mặc áo dài ngũ thân, cùng ngồi trong căn phòng không điều hòa, xem ai dễ chịu hơn, ai thoải mái với trang phục của mình hơn.

Mọi cuộc tranh cãi đang biến một điều rất giản đơn, dễ hiểu thành những thứ phức tạp không đâu. Áo dài vốn dĩ đã đủ đẹp, đủ tiện lợi, đủ phù hợp với mỗi người Việt để trở thành văn hóa.