Cuộc sống của hàng chục triệu ‘trẻ em bị bỏ lại phía sau’ ở Trung Quốc

Đối ngoại - Ngày đăng : 14:59, 17/08/2022

Cuộc sống của hàng chục triệu 'trẻ em bị bỏ lại phía sau' ở Trung Quốc 'nóng' trở lại sau video bé trai quyết không để mẹ rời nhà đi làm ăn xa.

Đoạn video ghi lại cảnh một cậu bé van nài người mẹ không rời nhà lên thành phố làm việc một lần nữa làm dấy lên cuộc bàn luận về cuộc sống của hàng chục triệu "trẻ em bị bỏ lại phía sau" ở Trung Quốc.

Thuật ngữ “trẻ em bị bỏ lại phía sau” được dùng để chỉ những đứa trẻ sống trong các gia đình có bố/mẹ hoặc cả 2 người đều rời nhà để lên các thành phố lớn làm việc kiếm sống, trong khi con cái bị bỏ lại ở quê nhà để ông bà hoặc họ hàng chăm sóc hộ.

Theo số liệu thống kê chính thức của chính phủ Trung Quốc, nước này có khoảng 13 triệu “trẻ em bị bỏ lại phía sau” vào năm 2020. Tuy nhiên, theo các nghiên cứu độc lập, Trung Quốc có khoảng 70 triệu hộ gia đình có 1 hoặc cả 2 vợ chồng đi làm ăn xa, và 31 triệu hộ là cả 2 vợ chồng đều rời quê lên thành phố làm lao động di cư. Đa số những đứa trẻ "bị bỏ lại phía sau" sinh sống ở các miền quê nghèo khó tại Trung Quốc.

Cậu bé đang gây bão mạng xã hội Trung Quốc vì không muốn xa người mẹ lâu ngày mới gặp lại là một trường hợp điển hình trong số hàng chục triệu “trẻ em bị bỏ lại phía sau”. Được biết, bố mẹ của cậu bé đều sống và làm việc ở thành phố Thượng Hải cả năm, nên bé trai sống cùng ông bà ở thành phố Phụ Dương thuộc tỉnh An Huy.

Theo Star Video, đoạn video được quay vào ngày 15/8 khi cậu bé được thông báo rằng người mẹ sắp rời nhà để trở lại thành phố Thượng Hải làm việc, cậu bé đã trở nên tức giận và quay sang ăn vạ.

Trong video, bé trai tóm chặt cổ áo người mẹ, trong khi người bà đang cố giữ cháu. Cậu bé nhất quyết không để mẹ rời khỏi nhà.

“Mẹ ơi đừng đi, con xin mẹ”, tiếng cậu bé vang lên trong video.

Người mẹ đáp, “Mẹ phải kiếm tiền nuôi con”.

Cậu bé tiếp tục nói, “Con không cần tiền, con chỉ cần mẹ”.

Sau một lúc, cậu bé bắt đầu bình tĩnh trở lại khi người bà nhẹ nhàng nhắc tới những món đồ chơi mà cháu muốn mua, nhưng để có tiền bố mẹ cậu cần phải rời khỏi nhà để đi làm.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), số liệu chính thức được công bố vào năm 2018 ghi nhận Tứ Xuyên là tỉnh có số lượng “trẻ em bị bỏ lại phía sau” nhiều nhất ở Trung Quốc với con số khoảng 760.000 trẻ, và theo sau là An Huy, Hồ Nam, Giang Tây, Hồ Bắc và Qúy Châu. Nhưng thực tế, số lượng trẻ em bị bỏ lại ở quê nhà trong lúc cha mẹ lên thành phố làm việc được cho cao hơn rất nhiều.

Như vào năm 2015, báo cáo của Unicef cho hay cuộc đại di cư bên trong lãnh thổ Trung Quốc với khoảng 300 triệu người rời quê hương tới những khu vực khác làm việc đã khiến khoảng 100 triệu trẻ rơi vào cảnh sống xa bố/mẹ hoặc cả 2 người trong khoảng thời gian dài.

Song không phải đứa trẻ nào bị bỏ lại quê nhà cũng phải sống xa bố mẹ biền biệt. Như bé trai trong video, em từng có thời gian sống cùng bố mẹ ở thành phố Thượng Hải.

“Thành thật, tôi vô cùng đau lòng”, mẹ của bé trai chia sẻ.

Người mẹ giải thích thêm, quyết định để con ở lại nhà với ông bà được vợ chồng cô đưa ra do lo ngại những tác động gần đây của dịch bệnh Covid-19 ở thành phố Thượng Hải.

“Hiện chúng tôi không còn lựa chọn nào khác là phải xa con một thời gian. Sang năm tới, gia đình chúng tôi sẽ lại đoàn tụ”, người mẹ cho biết.

Lý do chính khiến các cặp vợ chồng buộc phải để con ở lại quê nhà trong nhiều năm là do sự ràng buộc của thủ tục đăng ký hộ khẩu (hukou) vốn được dùng để quản lý dân số tại Trung Quốc. Theo đó, đối với những người không có hộ khẩu trên địa bàn cư trú, hoạt động tiếp cận các dịch vụ như trường học, nhà ở và y tế sẽ vô cùng khó khăn. Nói cách khác, với những lao động di cư ở Trung Quốc, họ không thể đăng ký hộ khẩu tại các thành phố, nơi họ tới làm việc. Điều này có nghĩa con cái của họ sẽ không thể tiếp cận các dịch vụ công, nếu như các em không ở lại chính nơi được sinh ra.

Cộng đồng mạng Trung Quốc đã để lại nhiều bình luận cảm thông cho hoàn cảnh của cậu bé quyết không để mẹ rời nhà đi làm ăn xa. Nhiều người cũng chia sẻ trải nghiệm của họ khi làm một người bố/mẹ bỏ lại còn ở quê nhà, hoặc chính họ từng là một “đứa trẻ bị bỏ lại phía sau”.

“Cậu bé khiến tôi nhớ lại hoàn cảnh của mình khi còn bé cũng có bố mẹ làm lao động di cư. Bố mẹ tôi chỉ trở về thăm nhà vài năm một làn”, một cư dân mạng viết.

Người khác tâm sự, “Tôi sẽ rất buồn nếu buộc phải để con ở lại nhà. Tôi thà kiếm được ít tiền hơn nhưng được ở nhà thay vì tới các thành phố lớn”.

Một cư dân mạng với tư cách là người mẹ viết, “Chuyện rời đi làm ăn xa với những người bố người mẹ cũng rất khó khăn. Họ vừa muốn con cái có một cuộc sống tốt đẹp hơn, vừa muốn được ở bên con, nhưng đôi khi họ có sự lựa chọn”.

Minh Thu (lược dịch)