Nguyên nhân nào khiến Hải quân Nga mất dần ưu thế tại Biển Đen?

Đối ngoại - Ngày đăng : 09:36, 17/08/2022

Hạm đội Biển Đen của Nga gần đây đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc kiểm soát toàn bộ vùng biển phía Nam Ukraine.
Nguyên nhân nào khiến Hải quân Nga mất dần ưu thế tại Biển Đen? - 1
Các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga neo đậu tại quân cảng Sevastopol, Crimea (Ảnh: Reuters).

Bộ Quốc phòng Anh ngày 16/8 cho biết Hải quân Nga đang gặp nhiều trở ngại trong việc kiểm soát khu vực Biển Đen. Điều này được xem là trái ngược hoàn toàn với ưu thế áp đảo của lực lượng này trong thời gian đầu của chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine.

"Hạm đội Biển Đen hiện vẫn tiếp tục sử dụng tên lửa hành trình tầm xa để hỗ trợ các đợt tiến công của các lực lượng Nga trên đất liền. Tuy nhiên, hạm đội này đang gặp khó khăn trong kiểm soát hiệu quả vùng biển. Hạm đội Biển Đen đã mất soái hạm Moskva cùng lượng đáng kể tiêm kích, cũng như không còn kiểm soát đảo Rắn", Bộ Quốc phòng Anh nhận định.

Bên cạnh đó, giới chức tình báo Anh nhận định các hoạt động của Hạm đội Biển Đen của Nga giờ chỉ còn giới hạn trong khu vực gần bờ biển Crimea, nơi những chiến hạm của hạm đội này có thể được bảo vệ bởi mạng lưới phòng không của quân đội Nga trong khu vực.

Nguyên nhân nào khiến Hải quân Nga mất dần ưu thế tại Biển Đen? - 2
Khoảnh khắc con tàu được cho là soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga bị cháy và nghiêng sang một bên sau vụ nổ đạn trên khoang hôm 13/4 ngoài khơi Ukraine (Ảnh: Twitter).

Mối đe dọa từ các tên lửa chống hạm hiện đại Harpoon mà phương Tây đã viện trợ cho Ukraine được cho là nguyên nhân chính dẫn đến việc Hải quân Nga mất dần ưu thế áp đảo tại Biển Đen. Các tên lửa này càng trở nên đặc biệt nguy hiểm sau khi soái hạm Moskva, tàu chiến được trang bị hệ thống phòng không mạnh mẽ nhất của Nga tại vùng biển này, bị chìm vào ngày 14/4.

Trong một thông báo được đăng tải trên mạng xã hội Facebook hôm 9/6, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã cảnh báo các tàu chiến Nga tại Biển Đen sẽ chịu chung số phận với soái hạm Moskva sau khi các tên lửa hành trình diệt hạm Harpoon hiện đại được lực lượng phòng thủ bờ biển Ukraine đưa vào sử dụng.

Để đối phó với mối đe dọa từ tên lửa Ukraine, Nga được cho là đã giảm số lượng tàu trực chiến ở Biển Đen. Bên cạnh đó, các hệ thống tên lửa phòng không đất đối không Tor M2KM cũng được lắp đặt lên các tàu hộ tống Dmitry Rogachev, Pavel Derzhavin và Sergai Kotov thuộc Đề án 22160.

Nguyên nhân nào khiến Hải quân Nga mất dần ưu thế tại Biển Đen? - 3
Hệ thống tên lửa đất đối không Tor được cho đã được gắn lên tàu chiến Nga tại Biển Đen (Ảnh: Navy Recognition).

Với khả năng mang theo 16 tên lửa thông minh với tầm bắn 15km, hệ thống Tor M2KM được đánh giá là rất phù hợp trong việc chống lại các máy bay không người lái tấn công, tên lửa chống hạm, thậm chí là cả trực thăng và máy bay chiến đấu của đối phương.

Tuy nhiên, việc lắp đặt sẽ không thể hoàn thành cho đến cuối năm 2022 và trong thời gian chờ đợi, các tàu chiến của Nga vẫn có khả năng trở thành mục tiêu cho tên lửa Ukraine ở Biển Đen.

Hạm đội Biển Đen là một trong những lực lượng chủ lực của Hải quân Nga. Với biên chế khoảng 25.000 quân cùng 41 tàu chiến, 7 tàu ngầm cùng nhiều máy bay chiến đấu, Hạm đội Biển Đen là một trong những thành phần quan trọng của quân đội Nga trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Những chiến hạm của hạm đội này có nhiệm vụ giúp Hải quân Nga bao quát hoạt động tại vùng Biển Đen và thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên đất liền tại Ukraine.

Tùng Nguyễn