TikTok trở thành 'thiên đường' hàng giả, hàng nhái

Cuộc sống số - Ngày đăng : 08:50, 17/08/2022

TikTok đang trở thành điểm tập trung mới của hàng giả, hàng nhái. Dù nghiêm cấm các sản phẩm kém chất lượng, gian thương vẫn dễ dàng lách chính sách quản lý của nền tảng.

20h tối mỗi ngày, Thùy Chi - chủ một cửa hàng thời trang nữ tại Hà Nội - lại chuẩn bị livestream bán hàng trên TikTok. Ngoài chiếc smartphone, chị thậm chí bạo tay đầu tư một số đạo cụ khác như giá đỡ, phông nền, ánh sáng lẫn người mẫu thử đồ dù tham gia nền tảng chưa lâu.

Phần lớn quần áo, phụ kiện của cửa hàng được “đánh” từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, số còn lại nhập trực tiếp tại xưởng sản xuất ở Việt Nam. Nhìn chung, đây đều là các loại hàng không hóa đơn, chứng từ, nhái logo, mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng.

“Các buổi livestream kéo dài 3-4 tiếng tùy lượng tương tác hôm ấy. Mỗi buổi shop chốt trung bình tầm 30 đơn, hôm ít 10-15 đơn nhưng hôm cao điểm có thể lên tới 50 đơn, lãi gấp 3 lần chi phí. Con số này không đáng kể nếu so với những shop khác, tôi hy vọng từ giờ đến cuối năm có thể nâng doanh số lên trên 100 đơn/ngày”, Chi chia sẻ.

Mảnh đất màu mỡ cho gian thương

Dù nhận thức rõ việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc là vi phạm pháp luật, người bán này vẫn đẩy mạnh kinh doanh do lợi ích từ các kênh bán hàng mới như TikTok quá hấp dẫn. Đặc biệt, với chính sách ưu đãi phụ phí hiện nay dành cho các tiểu thương, TikTok đang trở thành tụ điểm tập trung của nhiều loại hàng hóa kém chất lượng.

Ứng dụng quay video ngắn TikTok xuất hiện tại Việt Nam kể từ năm 2017. Song, phải đến giai đoạn cuối năm 2019 đến nay, nền tảng này mới có cơ hội bùng nổ mạnh mẽ khi sự xuất hiện của đại dịch buộc người dân ở nhà và online thường xuyên hơn.

Hang gia tren TikTok anh 2
Nhiều shop bán hàng tìm đến TikTok vì chiết khấu ưu đãi, môi trường quản lý chưa chặt chẽ. Ảnh: Forbes.

Do chưa bật chế độ kiếm tiền từ view tại Việt Nam, thời kỳ đầu, thu nhập chính của các TikToker đến từ hợp đồng quảng cáo và tiếp thị liên kết (affiliate marketing). Đến tháng 4/2022, TikTok chính thức ra mắt kênh thương mại điện tử (TMĐT) có mô hình hoạt động tương tự Shopee, Lazada, Tiki… mang tên TikTok Shop.

Với khoảng 20 triệu người dùng tại Việt Nam cùng số người dùng ứng dụng hàng ngày lên tới 74% theo dữ liệu của Q&Me, TikTok đang sở hữu lượng tương tác khổng lồ và trở thành mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể khai thác.

TikTok Shop còn miễn hầu hết phụ phí cơ bản như hoa hồng, nền tảng. Thay vào đó, gian hàng chỉ phải trả phí thanh toán (1%/doanh thu) kèm thuế (10%/phí thanh toán). Như vậy, so với mức chiết khấu của 3 sàn TMĐT lớn, các sản phẩm bán ra trên TikTok Shop có thể tiết kiệm 2-3% doanh thu.

Nền tảng quay video ngắn cũng đi theo con đường “đốt tiền để thu hút người dùng”. Do đó, đa số đơn đặt hàng hiện nay đều nhận được khuyến mãi, mã giảm giá hoặc miễn phí vận chuyển.

Đủ chiêu trò qua mắt nền tảng

TikTok Shop nghiêm cấm hàng giả, yêu cầu tất cả sản phẩm bán trên nền tảng là hàng thật và bảo vệ chủ sở hữu khỏi tình trạng vi phạm bản quyền, thương hiệu. Theo chính sách của nền tảng, việc hiển thị tên thương hiệu, logo hoặc nhãn hiệu trong hình ảnh/mô tả sản phẩm mà không có sự cho phép của chủ sở hữu thương hiệu đều bị cấm.

Nếu vi phạm, tùy vào mức độ và tần suất, TikTok sẽ có biện pháp cảnh cáo, cưỡng chế, xử phạt hay báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Để bán hàng có thương hiệu, chủ shop cần cung cấp bằng chứng ủy quyền thương hiệu cho TikTok.

Dẫu có chính sách quản lý tương đối khắt khe, trên thực tế, các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng vẫn có “đất sống”. Vấn đề này đặt ra nhiều câu hỏi về cách TikTok đang quản lý không gian mua sắm TMĐT.

Bản thân từng sản phẩm trước khi được người bán tạo và đăng tải đều phải qua sự kiểm duyệt của TikTok. Tuy nhiên, bằng những thủ thuật đơn giản, người bán có thể qua mặt ứng dụng dễ dàng.

Được biết, nếu kinh doanh hàng hóa nhái thương hiệu, điều đầu tiên người bán cần làm là che mọi logo nhận diện bất kể trên sản phẩm hoặc bao bì, vỏ hộp. Ngoài ra, người bán không được lồng ghép tên thương hiệu khi tạo sản phẩm, thiết lập mô tả thông thường như áo nữ, giày nam, thắt lưng…

“Các sản phẩm đem lên livestream cũng phải che logo hãng hết, một số chủ shop thậm chí che mã vạch, cắt tem mác. Như tôi thường sẽ dán sticker, băng dính đè lên logo”, chị Chi nói.

Theo Cẩm Tú - chủ một gian hàng khác trên TikTok - đa phần mặt hàng phải che logo liên quan đến thời trang, trang sức, phụ kiện, giày dép. Ngoài ra, TikTok kiểm soát cũng như giới hạn một số ngành hàng như mẹ và bé, mỹ phẩm… Để được kinh doanh, người bán cần cung cấp nhiều loại giấy tờ, chứng từ khác nhau.

Song, nếu nhờ các đơn vị hỗ trợ xây kênh, người bán sẽ được hướng dẫn để được thông qua hoặc mở ngành hàng nhanh chóng hơn.

Ngay cả khi không được duyệt sản phẩm trên TikTok Shop, người bán vẫn có thể sử dụng nền tảng để đăng tải các video quảng cáo hàng giả, nhái, kém chất lượng và dẫn người mua qua các kênh khác như mạng xã hội, sàn TMĐT…

Tỷ lệ gian lận TMĐT ngày càng tăng

Bộ Công Thương cho biết tính riêng năm 2021, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phát hiện hơn 3.000 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thông qua TMĐT.

Trong vòng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên TMĐT có thể chiếm 50-60% tổng hình thức gian lận thương mại.

Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh - tình trạng hàng giả, nhái lộng hành còn xói mòn nguồn thu thuế. Đó là lý do vì sao Chính phủ đang có những cải cách để thu thuế tốt hơn qua các giao dịch TMĐT, chưa kể những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, sự tồn tại của hàng giả, hàng nhái còn cản trở quá trình phát triển của nền kinh tế không tiền mặt khi người dùng vẫn còn tâm lý e ngại nhận hàng kém chất lượng và mong muốn thanh toán COD (nhận hàng trả tiền) thay vì hoàn tất giao dịch trên nền tảng.

Hang gia tren TikTok anh 5
TikTok là nền tảng TMĐT mới nhất tại thị trường Việt Nam. Ảnh: FT.

Gần đây, Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh (Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã yêu cầu tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong TMĐT.

Theo đó, không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng TMĐT, chủ yếu qua hoạt động chuyển phát, trang mạng, để quảng cáo, giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, chào bán sản phẩm hàng hóa nhập lậu.

Ngoài ra còn có các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn, chứng từ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giả mạo thương hiệu nổi tiếng, kém chất lượng, hàng hạn chế kinh doanh, hàng kinh doanh có điều kiện, hàng quá hạn sử dụng…

Nhiều trường hợp vi phạm ở quy mô lớn, tính chất phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, số lượng tang vật là hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ lớn, có giá trị cao… xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

(Theo Zing)