'Phiền' vì thuốc tăng cân 'gia truyền'

Tin Y tế - Ngày đăng : 18:43, 16/08/2022

Gần đây không ít các trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc, suy thận...nguy cơ tử vong cao khi sử dụng các thuốc tăng cân được gắn mác "gia truyền"
picsart_22-08-15_10-23-36-904.jpg
Bệnh nhân L. nhập viện sau khi uống 50 viên thuốc tăng cân không rõ loại - Ảnh: BVCC

Uống 50 viên thuốc tăng cân dẫn đến nhập viện

Ngày 16/8, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết, đã tiếp nhận và điều trị cho bà B.T.L. (60 tuổi, tỉnh Hậu Giang) có tình trạng lúc nhớ lúc quên và được người quen giới thiệu dùng thuốc tăng cân. S

Sau khi uống thuốc được 2 ngày khoảng 50 viên thuốc trong hủ thuốc 100 viên, bà L có biểu hiện lơ mơ, tím tái và co giật, người nhà đưa đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp ngộ độc cấp do dùng thuốc không rõ loại, biến chứng toan chuyển hoá nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Bà L. được khẩn trương đặt nội khí quản cấp cứu và chuyển khoa hồi sức tích cực & chống độc (ICU) điều trị.

Qua 24 giờ lọc máu liên tục, các chỉ số xét nghiệm tốt lên, triệu chứng lâm sàng người bệnh cải thiện rõ rệt. Sau 48 giờ người bệnh tỉnh táo, cai máy thở thành công và được rút ống nội khí quản. Hiện đã được chuyển đơn vị tiêu hoá theo dõi, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

Trước đó, một thiếu nữ 15 tuổi chỉ nặng 25 kg, cao 1,46 m, được mẹ mua "thuốc bổ tỳ gia truyền" của một bà lang cho con uống, song cứ dừng uống thì sụt cân, mệt mỏi, đau bụng. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, kinh nguyệt thất thường, thường xuyên đau bụng, ợ chua, có lúc táo bón, có khi tiêu chảy.

Người nhà cho biết thấy con con gầy, nhẹ cân, bèn tìm mọi cách giúp con tăng cân. Vài tháng trước, mẹ cháu mua thuốc bổ tỳ của bà lang về cho uống, cô bé tăng gần 3 kg mỗi tháng, ăn uống rất ngon miệng và lúc nào cũng kêu đói, thèm ăn. Song, hễ dừng thuốc thì thiếu nữ lại ăn kém và sụt cân.

Khi nhập viện, bác sĩ chẩn đoán bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Thông thường ở tuổi 15, trẻ phát triển bình thường phải đạt từ 46 đến 50 kg và cao từ 1,58 m đến 1,6 m, do bố mẹ đều cao. Ngoài ra, kết quả nội soi dạ dày cho thấy trẻ bị viêm thực quản trào ngược và viêm dạ dày. Tiền sử gia đình không ai mắc bệnh.

Bệnh nhi được điều trị bệnh dạ dày, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi; hạn chế đồ ăn nhiều muối như xúc xích, mì tôm, dưa cà muối, thực phẩm chiên nướng nhiệt độ cao, không ăn quá no, quá đói gây đau.

Với thiếu nữ trên, bác sĩ nghi ngờ "thuốc gia truyền" có thể chứa thành phần chống viêm corticoid thường bị trộn dưới dạng các chế phẩm đông y.

ef48f9f0.jpeg
Một số các loại thuốc tăng cân gia truyền được rao bán trên mạng - Ảnh: BSCC

Có thể dẫn đến tử vong

Theo BS Nguyễn Tuấn Nghĩa - khoa hồi sức tích cực chống độc (ICU), Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long - cho biết ngộ độc thuốc là tình trạng người bệnh dùng quá liều thuốc, hoặc dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc và không được Bộ Y Tế cho phép lưu hành, người ngộ độc có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Với những người thể trạng gầy, muốn tăng cân an toàn và hiệu quả, nên đi thăm khám ở các chuyên khoa dinh dưỡng và từ đó có chế độ ăn uống hợp lý, không nên tự ý dùng thuốc tăng cân không rõ nguồn gốc, vừa không hiệu quả, lại có thể gây nguy hại đến sức khoẻ.

Người dân không nên tự ý sử dụng các loại thuốc mà phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, kể cả các thuốc thông thường cũng có thể gây ngộ độc nếu sử dụng quá liều. Khi có bất kì triệu chứng bất thường liên quan đến việc dùng thuốc, phải đến bệnh viện thăm khám và điều trị tránh rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

Theo các bác sĩ, thuốc tăng cân hay bột dinh dưỡng tăng cân thường tác dụng sau một thời gian ngắn sử dụng, tạo cảm giác hiệu quả hơn hẳn so với phải ăn uống theo chế độ và chăm tập luyện.

Tuy vậy nhiều người bị sụt cân sau khi ngừng uống. Đặc biệt, nhiều loại thực phẩm không được bán công khai, hoặc mua ở những cơ sở không uy tín. Uống những loại thực phẩm này, người dùng có thể gặp hậu quả nghiêm trọng như viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hóa.

Nhiều người gặp tác dụng phụ như xanh xao, mất ngủ, mệt mỏi, rối loạn kinh nguyệt, ảo giác, teo cơ...

Ngoài ra, các bác sĩ khuyến cáo khi trẻ nhỏ biếng ăn hoặc chậm tăng cân, người nhà nên đưa đến các cơ sở y tế khám và có hướng điều trị. Cẩn trọng khi sử dụng bất cứ thuốc gì không được bác sĩ chỉ định, nhất là thuốc gắn mác "gia truyền" chưa được kiểm định.

Một số thuốc khác có tác dụng phụ tăng cân nhanh như durabolin, cyproheptadin và một số dòng thuốc chống trầm cảm khác... cần cẩn trọng khi dùng. Nếu lạm dụng thuốc, có thể dẫn đến béo phì, suy tuyến thượng thận, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

ANH ĐÀO